.

“Chân ướt chân ráo” lên thành phố

.

Càng cận kỳ thi tuyển sinh Đại học-Cao đẳng 2009, sĩ tử đổ về Đà Nẵng càng nhiều. Giá thuê phòng trọ, giá các môn học ở các lò luyện theo đó vọt lên. Lần đầu lên thành phố, thí sinh gặp muôn ngàn khó.

Ba ơi, đi Đà Nẵng với con

Mới bước xuống từ bến xe Đà Nẵng, bạn Hồ Văn Sơn cho biết: “Mới chân ướt chân ráo ra đây, phải tìm chỗ ôn thi trước rồi mới tìm phòng trọ. Bạn bè em cũng ra Đà Nẵng ôn thi nhiều lắm”. Theo anh Hồ Duy Hợi, ba Sơn, đã học đến lớp 12 nhưng Sơn vẫn chưa lần nào đặt chân đến Đà Nẵng, bởi gia đình anh Hợi nằm tận trong một xóm nghèo ở xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam). Vừa biết kết quả đậu tốt nghiệp của con, anh hơi sửng sốt khi nghe Sơn rủ rỉ: “Ba ơi, đi Đà Nẵng với con”. Tưởng con muốn đi Đà Nẵng chỉ để xả “xì trét” sau 12 năm đèn sách, anh ngần ngại: “Lúa chuẩn bị cấy rồi, thời gian đâu mà đi con”.

Cuốn sách trên tay Sơn bị vo tròn lại lúc nào không hay, ánh mắt Sơn nhìn như van lơn: “Ba dẫn con ra Đà Nẵng ôn thi được không? Đi lần đầu con sợ quá, bạn con vài đứa đi rồi. Con cũng muốn đi”. Biết được ước mơ trở thành sinh viên Đại học đang cháy bỏng trong lòng đứa con, anh Hợi bấm bụng gật đầu, rồi chạy đi vay mượn hàng xóm một ít tiền làm lộ phí cho cả hai người, dù chưa biết trọ ở đâu và ôn ở chỗ nào.

Vào thời điểm này, đội ngũ sinh viên tình nguyện, tiếp sức mùa thi vẫn chưa hoạt động, nên việc tìm kiếm phòng trọ và địa điểm ôn thi trở nên khó khăn với nhiều thí sinh lần đầu đến Đà Nẵng. Thấy thí sinh tên Dương (Quảng Ngãi) đến thuê chỗ, một chủ nhà trong kiệt H57 Ông Ích Khiêm nhìn Dương một lượt rồi nói: “Phòng này giá 600.000 đồng/tháng, cậu ở nổi không?”. Câu hỏi của bà làm Dương “ngẩn tò te” một lúc, rồi cậu lắp bắp: “Có chi ngày mai con quay lại, nếu được con sẽ rủ thêm vài bạn đến ở. Mình con lo không xuể”. Dường như biết đây là học sinh đi luyện thi cấp tốc, chủ nhà tỏ ra thông cảm, hứa sẽ để dành phòng trọ để chờ cậu quay lại ngày mai.

Cái gì cũng đắt

Khung cảnh nhộn nhịp dễ bắt gặp tại bất cứ “lò” luyện  thi nào trong thời điểm này.

.

Ra đến đầu ngõ, Dương thú thật: “Em nói thế thôi, chứ phòng chật mà đắt quá, em không thuê nổi. Đi kiếm 2 ngày rồi, vẫn chưa thấy phòng nào trống mà giá thấp chút”. Dương còn cho hay, đa số bạn bè Dương ra thành phố ôn thi đều ở nhờ nhà người quen hoặc ở ghép với anh chị, vì chưa thể tìm được ngay cho mình một phòng trọ coi được. Giá phòng trọ ở Đà Nẵng được xếp vào loại khá đắt đỏ. Ở khu vực trung tâm, căn phòng khoảng 10m2 đã ở mức 500.000 - 600.000 đồng/tháng. Rộng hơn một chút, giá phòng vọt lên 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng.

Những ngày gần đây, do sĩ tử đổ về Đà Nẵng ôn thi ngày một nhiều, giá phòng trọ cũng nóng theo. Nhiều phòng trọ xung quanh các trường như ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Kinh tế... đã hết chỗ trống. Dù giá cho thuê tăng khoảng 300.000 - 500.000 đồng/phòng, nhưng thí sinh cũng không dễ tìm ra phòng dư. Với giá thuê “trên trời’ này, thí sinh muốn có một phòng trọ ưng ý, giá phải chăng chờ ngày đi thi đại học cũng khó như... lên trời.

Giá tại các “lò” luyện thi nóng không kém. Theo nhiều học sinh, học phí mỗi môn học từ khoảng 150.000-200.000 đồng, tăng cao hơn so với mọi năm. Như vậy, để ôn thi 3 môn cộng với giá thuê phòng, tiền ăn hằng tháng, gia đình phải chu cấp cho mỗi sĩ tử ít nhất là 1.000.000 đồng/tháng.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.