.

Gia sư và những trung tâm “cò ma” - Bài 2: Lộ mặt những trung tâm lừa đảo

.

Đánh vào tâm lý muốn có suất dạy lương cao, các TT gia sư không ngần ngại quảng cáo trên các tờ rơi để thu hút sinh viên tới đóng tiền, nhận lớp. Dưới bàn tay đạo diễn của các TT, địa chỉ thật thì ít, địa chỉ “ma” thì nhiều, khi đã “no” tiền môi giới, các TT này cũng biến mất tăm. 

        >> Bài 1: Thương lắm những gia sư

Trong căn nhà này, một TT gia sư “ma” đã ôm khoản tiền lớn của sinh viên rồi biến mất.

Để thu hút học sinh và phụ huynh, trong các tờ rơi quảng cáo in chào mời khá hấp dẫn: “Bảo đảm-Uy tín-Chất lượng; Đội ngũ gia sư là giảng viên, giáo viên các trường chuyên nhiệt tình, có trình độ…”, và dành cho các SV tới đăng ký: “Cần tuyển gấp SV dạy kèm, lương cao, phí thấp…”.

Trong vai một  người  cần  tìm  chỗ  dạy  kèm, chúng  tôi đến  một TT gia sư trên đường Nam Cao (quận Liên Chiểu). Trong cái diện tích nhỏ như một phòng trọ của SV, vừa đủ xếp một cái bàn và một cái bảng dán thông tin, một thanh niên cao lớn đứng dậy đon đả: “Các em cứ nộp tiền vào là có ngay lớp dạy. Tiền đóng vào hơi cao một tí nhưng lương cao, phụ huynh lại dễ tính nữa”. Khoản tiền “hơi cao” được tính bằng phần trăm tổng số lương tháng đầu tiên dạy kèm.

Chẳng hạn, SV nhận được suất dạy với mức lương 400 ngàn đồng thì phải đóng cho TT 40% (180 ngàn đồng), suất dạy 600 ngàn đồng đóng 260 ngàn đồng. Để làm tin, chủ TT còn đưa ra một danh sách những phụ huynh, số điện thoại cần tìm gia sư và nói: “Nếu đến nơi mà không muốn dạy thì các em cứ quay về đây. Anh lúc nào cũng ở chỗ này, chứ có đi đâu mất mà sợ”. Để lấy lòng phụ huynh, những TT này bày SV nói dối trình độ thực tế.
 

Cũng tại ngôi nhà nằm trong kiệt số 19 đường Hà Huy Tập, cách đây vài tháng, lần theo một tờ rơi quảng cáo khá bắt mắt, chúng tôi không ngờ hàng trăm sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đã bị TT này qua mặt. Theo lời kể từ Nga, một SV sư phạm vừa ra trường: “Họ bảo em, nếu không đăng ký nhanh là mất suất đó.
 

Một chủ nhà (đề nghị không nêu tên) trú tại hẻm số 19 đường Hà Huy Tập, Đà Nẵng:

“Họ tới thuê nhà nói là ở để đi học hay đi làm chi đó, chứ có treo bảng biển trước nhà đâu mà biết họ đang hành nghề gia sư. Khi đồng ý cho thuê, vợ chồng tui chỉ coi qua giấy chứng minh vì ở xa nên không quản lý hằng ngày mà chỉ thu tiền đầu tháng”.

Khi tới nộp tiền, họ hỏi em nhà ở đâu rồi bảo “rứa là em được dạy gần nhà rồi đó, thuận tiện chưa”. Sau này em mới biết là họ lừa mình”. Để kịp vơ một “mẻ lưới” lớn, sau khi được nhận địa chỉ, số điện thoại cần đến, các SV thường bị hẹn 2-3 tuần sau mới đi dạy. Thời gian đó, đủ để những “con mồi” khác bị mắc lưới bởi trò lừa đảo này. Điện thoại gọi cho TT, từng hồi ò, í, e... vang lên.

Việc đưa ra mức lương khá cao, hơn hẳn từ

10-20% so với một số TT khác, là hấp lực đặc biệt đối với các SV đang dò dẫm tìm chỗ dạy “ngon”. Tiền đóng vào rồi, nhiều SV ngớ người vì không có một biên lai thu tiền để chứng tỏ TT đã nhận khoản môi giới trách nhiệm. Ngoài mảnh giấy ghi địa chỉ, không có tên người đại diện pháp lý và con dấu hoạt động.

Có SV trở lại nơi đăng ký dạy thì mới hay TT đã biến đi mất dạng. Cần nói thêm, để huy động được khoản tiền của SV đóng, các chủ TT dựng ra một kịch bản khá tươm tất dành cho mô hình gia sư hiện đại. Trong một lần tình cờ, chúng tôi mới phát hiện ra, chính những chủ TT gia sư tìm cách bắt tay với các địa chỉ cung cấp cho SV. Một TT trên đường Tôn Đức Thắng đã lừa được hàng chục lượt SV với phương thức: Ai tới đóng tiền nhận lớp cũng chỉ tới số nhà X, đường Tôn Đức Thắng (đoạn trên bến xe). Đến đây, SV cùng gặp chủ nhà rồi đụng mặt nhau mà không ai trở thành gia sư thứ thiệt.

Sau khi đã ôm được mớ tiền lớn, các TT này nhanh chóng cao chạy xa bay, để mặc những SV tội nghiệp hằng ngày vẫn lui tới đòi trả lại tiền. Trường hợp không chuyển đi thì cũng bầy hầy, hứa hẹn thời gian trả tiền rồi tiếp tục lần lữa đến mức nếu ai đó nản lòng không đến nữa, số tiền đó bị các TT ăn quỵt. Nhiều SV khi tiếp xúc với chúng tôi đã trả lời rằng:

“Biết bọn em không đủ sức để một tuần 3-4 lần đi đòi tiền, nên họ tìm cách kéo dài thời gian giữ tiền. Đứa nào kiên nhẫn lắm thì bám trụ hết ngày này qua ngày khác, nếu trả họ cũng chỉ đưa 50% số tiền mình đóng thôi”.

SV Phan Na đã từng đến Công an phường Xuân Hà để trình báo việc mình bị chặn tiền, nhưng được trả lời: Không có bằng chứng thì chịu thôi. Ai biểu mấy đứa dại chi. Thôi về đi, lần sau rút kinh nghiệm!

Ai quản lý các TT?

Tính riêng Đại học Đà Nẵng với hơn 70.000 SV đang theo học, trung bình có khoảng 30.000 SV có nhu cầu tìm việc làm thêm.

Và khi đến với các TT gia sư, một nửa trong số đó bị lừa, không cần những phép tính cộng, phép tính nhân, chúng ta cũng hình dung được số tiền khổng lồ mà các TT “móc túi” từ các em.
 
Những tổn hại về vật chất, tinh thần từ những việc như thế này, ai sẽ là người đứng ra bảo vệ cho các em? Hàng trăm TT như thế vẫn mọc ra, vẫn nhởn nhơ “sớt” không những đồng tiền của SV mà chưa hề bị pháp luật xử lý.


Bài và ảnh: Duyên Anh - Tống Phương
;
.
.
.
.
.