.

Sẵn sàng cho năm học mới

.

Thời gian qua, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mới, sửa chữa các công trình trường học, mua sắm thiết bị dạy học, nhờ đó, bước vào năm học mới, các trường học trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng học “3 ca”, học ghép.      
                            
Bảo đảm cơ sở vật chất

Nhiều trường học được đầu tư xây dựng mới.
TRONG ẢNH: Dãy phòng học xây dựng mới của Trường THCS Lương Thế Vinh vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Tại Trường THPT Ngô Quyền từ năm học 2009-2010, hơn 200 học sinh của trường được học ở 12 phòng học vừa được xây dựng mới, khang trang sạch đẹp cùng với khu hiệu bộ. Ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền vui mừng nói: Bước vào năm học mới, giáo viên và học sinh nhà trường rất phấn khởi khi cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư xây dựng mới. Vậy là từ nay, thầy và trò chúng tôi không còn cảnh dạy và học trong những căn phòng chật chội, nóng nực nữa.

Trong những ngày này, không khí dạy và học của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Trãi cũng rộn ràng không kém. Bởi lẽ, trường đã được đầu tư xây dựng mới khu hiệu bộ khá hoành tráng vừa đưa vào sử dụng trong năm này. Ông Trương Như Phơ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến thời điểm hiện nay, các điều kiện làm việc, cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Trong thời gian đến, sau khi hoàn thành xây dựng khu nhà đa năng và sân bóng, nhà trường sẽ tiến hành xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Ông Vũ Bá Bảo, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới 2009-2010, UBND thành phố đã đầu tư 25,5 tỷ đồng sửa chữa, xây dựng mới 15 công trình trường học trên địa bàn quận. Qua kiểm tra, đến thời này hầu hết các công trình xây dựng, sửa chữa đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ông Võ Hồng Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, vừa qua, thành phố đã đầu tư hơn 176 tỷ đồng cải tạo 76 công trình trường học và sửa chữa 380 phòng học, gần 16 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học cho các trường. Với nguồn kinh phí đầu tư trên, đã bảo đảm các điều kiện dạy và học tại các trường trong năm học 2009-2010.

Đủ giáo viên cho các trường

Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục-Đào tạo, năm học 2009-2010, ngành đã huy động 9.490 cháu ra nhà trẻ, tỷ lệ 38,1%; mẫu giáo: 28.804 cháu, tỷ lệ 79,2%; 12.725 học sinh vào lớp 1, tỷ lệ 100%; 11.500 học sinh vào lớp 6, tỷ lệ 100%; tuyển 11.010 học sinh lớp 10, tỷ lệ 80% (trong đó, THPT công lập: 10.232 học sinh và THPT tư thục: 778 học sinh) và lớp 10 các TTGDTX, TTGDTX-HN, KTTH-HN: tuyển 1.297 học sinh, đạt 78%. Như vậy, đến thời điểm này, toàn ngành đã huy động, tuyển mới được 38,1% số cháu trong độ tuổi nhà trẻ; 79,2% số cháu trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, số cháu 5 tuổi đạt 86%; 100% học sinh vào lớp 1; 100% học sinh vào lớp 6 và 88% học sinh vào lớp 10 THPT và bổ túc THPT.

Trước đó, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, trong dịp hè năm học 2008-2009, các đơn vị, trường học đã tích cực tổ chức ôn tập cho 628 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4; kiểm tra xét hoàn thành chương trình tiểu học cho 30 học sinh lớp 5; ôn tập để thi lên lớp cho 5.165 học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 và ôn tập các môn có điểm trung bình cả năm dưới 5,0 để kiểm tra công nhận tốt nghiệp THCS cho 164 học sinh lớp 9; ôn tập để thi lên lớp cho 3.118 học sinh lớp 10, lớp 11. Vận động, tổ chức phụ đạo 95 học sinh THCS, bổ túc THCS và THPT bỏ học ra lớp trong năm học 2009-2010.  

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục-Đào tạo về “3 đủ” (đủ ăn, đủ áo quần, đủ sách vở) đối với học sinh, Sở Giáo dục-Đào tạo đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sách-Thiết bị trường học Đà Nẵng tặng 1.328 bộ sách giáo khoa cho học sinh con liệt sĩ, thương binh từ lớp 1 đến lớp 12, với tổng giá trị gần 135 triệu đồng. Ngoài ra, công ty bảo đảm cung ứng đủ số lượng sách để phục vụ cho học sinh các cấp, không để diễn ra tình trạng sốt sách giáo khoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Nhằm bảo đảm nguồn giáo viên cho năm học 2009-2010, toàn ngành đã tiếp nhận, tuyển dụng mới 227 giáo viên, gồm 121 giáo viên tiểu học, 63 giáo viên  THCS và 43 giáo viên THPT. Đến thời điểm này, Sở Giáo dục-Đào tạo và UBND các quận, huyện đã phân bổ giáo viên về các trường vào đầu năm học mới, bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên tại các trường học.

Dãy nhà 12 phòng học cùng với khu hiệu bộ Trường THPT Ngô Quyền đã được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng đầu năm học 2009-2010.

 

Để góp phần phòng, chống dịch cúm A/H1N1 lây lan vào trường học, Sở Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục xây dựng các biện pháp cụ thể để phòng chống dịch; tổ chức họp phụ huynh quán triệt kế hoạch phòng chống dịch và có trách nhiệm phối hợp với đơn vị trường học, cơ sở giáo dục thực hiện phòng chống dịch; tổ chức vệ sinh môi trường, trang bị khẩu trang y tế, thuốc men, phun thuốc diệt khuẩn; kiểm tra hệ thống vệ sinh, nước uống, nhất là những cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, ký túc xá trước khi tựu trường.

Ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo nhận xét, so với những năm trước đây, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010 được ngành thực hiện tốt, bảo đảm bảo đúng kế hoạch. Với sự chuẩn bị chu đáo các mặt công tác, sẽ hứa hẹn một năm học mới đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.