.

Cõng chữ lên non

.

Để mang cái chữ đến với học sinh xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, nhiều thầy cô giáo phải vất vả sớm hôm vượt quãng đường gần 40km từ dưới phố lên với các em. Bất kể sự biến động của thời tiết, ngày ngày các thầy cô vẫn miệt mài cõng  cái chữ lên non.

Mỗi ngày đi - về gần 80km

 

Mô tả ảnh.
Để mang được cái chữ đến với học sinh xã miền núi Hòa Bắc, hằng ngày thầy Nguyễn Đức Kha phải vượt quãng đường vừa đi vừa về gần 80km từ nhà đến trường.

Tính đến năm học 2011-2012, thầy giáo Nguyễn Đức Kha, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã có thâm niên 9 năm công tác tại Trường tiểu học Hòa Bắc. Ngần ấy năm dạy học, ngày nào thầy cũng đi đi về về trên quãng đường dài gần 80km. Sáng nào cũng vậy, thầy Kha thức dậy từ lúc 5 giờ 20 để chạy xe máy đến với các em học sinh.

 

Thầy Kha nhớ lại, hồi mới về nhận công tác ở Trường tiểu học Hòa Bắc năm 2002, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ 4 giờ sáng, thầy đã đạp xe ì ạch từ nhà đến trường. Có hôm bước vào lớp, mồ hôi ướt sũng lưng áo. Nhưng những nhọc nhằn ấy đã không làm thầy Kha nản chí, ròng rã cả năm trời, thầy vẫn miệt mài đem ánh sáng tri thức đến với các em học sinh.

Mặc dù hôm nay đã có xe máy làm phương tiện đi lại, nhưng đường đến trường của thầy Kha vẫn còn bao khó khăn, vất vả. Những hôm trời mưa to, đoạn đường từ phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) đến xã Hòa Liên (Hòa Vang) bị ngập nước ngang ngực, thầy phải đi vòng qua xã Hòa Sơn để đi lên Hòa Bắc. Mùa đông, trời ở vùng rừng núi thường hay tối sớm, vừa kết thúc tiết dạy buổi chiều, thầy phóng xe một mình giữa chốn rừng núi vắng vẻ. Có lần trên đường từ trường về nhà, gặp lúc trời mưa tầm tã, chiếc xe bỗng “trở bệnh” chết máy. Trời nhá nhem tối, đường vắng người, thầy phải hì hà hì hục dắt xe gần 10km về đến quận Liên Chiểu để sửa. Lúc về nhà, vợ con đã ngủ say giấc, phần cơm vợ để đã nguội lạnh từ lâu. Dù cơ thể mệt rã rời, nhưng thầy lặng lẽ ngồi vào bàn soạn giáo án để sáng hôm sau tiếp tục hành trình đến trường với các em học sinh.

Những khó khăn, khổ cực ấy cũng không thể ngăn cản hành trình thầy mang cái chữ đến với các em học sinh ở xã miền núi này. Bởi lẽ với thầy, hình ảnh, ánh mắt trẻ thơ của các em học sinh ở Hòa Bắc đã quá thân thuộc, ăn sâu vào tâm trí, trở thành nỗi nhớ quay quắt trong lòng mỗi khi xa vắng.

Động viên nhau vượt khó

Ở Trường tiểu học Hòa Bắc, ngoài trường hợp thầy Kha, còn có nhiều giáo viên nữ ở quận Cẩm Lệ lên đây dạy học như cô Hà, cô Thủy, cô Nga... Trong đó, có những người đã công tác ở đây hơn 5 năm trời. Phụ nữ yếu đuối, nhưng hằng ngày, các cô vẫn thức khuya dậy sớm vượt hàng chục cây số để đến trường. Nhà xa, buổi trưa các cô thường ở lại nhà dân hoặc nhà công vụ để nấu ăn, dạy tiếp buổi chiều .

Ngoài điểm trường chính đóng tại thôn Phò Nam, Trường tiểu học Hòa Bắc còn các khu vực lẻ khác ở các thôn Nam Yên, Nam Mỹ, Cầu Sụp, Tà Lang. Trong đó, có những điểm trường cách xa nhau gần 5km. Để mang được cái chữ đến với các em học sinh, hằng ngày, giáo viên phải thay nhau “chạy sô” đến các điểm trường này để dạy.   

Bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc cho biết, ở trường có nhiều giáo viên nhà ở dưới phố lên dạy học. Để mang ánh sáng văn hóa đến với các em học sinh ở xã miền núi Hòa Bắc, hằng ngày, các thầy, cô giáo phải vượt quãng đường hàng chục cây số rất khó khăn, vất vả. Sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo ấy rất đáng trân trọng. Về phía Ban giám hiệu nhà trường luôn gần gũi, sẻ chia cả vật chất lẫn tinh thần, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành sứ mệnh cao quý của mình đối với thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.