Ngày 26-12, ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo-Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng tặng Giấy khen của ĐH Đà Nẵng cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế tốt nghiệp loại giỏi năm 2011. Ảnh: N.ĐOAN |
Theo báo cáo, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình hành động về đổi mới quản lý giáo dục ĐH (QLGDĐH) nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ giảng viên và các nhà quản lý; cải tiến nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo, thường xuyên cập nhật và đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy học; cải tiến và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo và NCKH; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ sở doanh nghiệp nhằm giải quyết tối ưu bài toán quy mô và chất lượng đào tạo.
Từ năm 2010 trở đi, ĐH Đà Nẵng xác lập chuẩn đầu ra sinh viên theo 4 nhóm tiêu chí: đạo đức, tác phong; trình độ chuyên môn; kỹ năng sống, hội nhập; năng lực tư duy và tiềm năng phát triển. Các trường thành viên ĐH Đà Nẵng dựa vào 4 nhóm tiêu chí này để phân loại sinh viên tốt nghiệp theo tổng điểm 100. Đồng thời triển khai mạnh mẽ công tác kiểm định chất lượng, đặc biệt là kiểm định ngoài; thường xuyên tiến hành khảo sát thực trạng việc làm của sinh viên, thu thập ý kiến của các nhà tuyển dụng, qua đó nhằm đánh giá tính phù hợp của chương trình đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động…
PGS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, hiện nay ĐH Đà Nẵng đang triển khai kế hoạch phát triển đội ngũ với cơ chế vừa mềm dẻo vừa quyết liệt, yêu cầu giảng viên dưới 45 tuổi sau 5 năm phải đạt được trình độ tiến sĩ; số giảng viên trẻ mới tuyển dụng chậm nhất 30 tuổi phải có trình độ thạc sĩ và 38 tuổi phải có trình độ tiến sĩ; bắt buộc cán bộ trẻ đi đào tạo sau ĐH ở nước ngoài (trừ những ngành đặc thù).
Phát biểu tại Hội thảo, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, muốn đổi mới căn bản và toàn diện GD, trong đó có GDĐH, thì trước hết cần phải đổi mới tư duy ở các cán bộ quản lý và giảng viên. Cần xác định rõ về mục tiêu GD, mối quan hệ giữa nhà trường-doanh nghiệp… Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH; tuy nhiên, các trường cũng phải quen dần với việc tự chủ, đi liền với tự chịu trách nhiệm. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát chất lượng GD phải được các cơ sở GDĐH thực hiện một cách nghiêm ngặt và liên tục.
Phương Chi