.

Địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực tin cậy

.

Năm 2007, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có Quyết định số 194/QĐ-LĐTBXH thành lập Trường CĐ nghề Đà Nẵng, trên cơ sở nâng cấp Trường Kỹ thuật-Kinh tế Đà Nẵng.

Sau 5 năm đi vào hoạt động, cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt của Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng; các cấp, ngành hữu quan và sự chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề, nhà trường đã có những bước trưởng thành vượt bật.

Hướng dẫn sinh viên thực hành.
Hướng dẫn sinh viên thực hành.

Vượt lên khó khăn, thách thức

Trong quá trình xây dựng và phát triển, quy mô đào tạo của nhà Trường CĐ Nghề Đà Nẵng ngày càng được mở rộng. Nếu như năm học 2007-2008, khi vừa mới thành lập, trường chỉ có 16 mã nghề đào tạo, với tổng số 1.683 học sinh sinh viên (HSSV), thì đến năm học 2011-2012, đã có 27 mã nghề đào tạo, tổng số HSSV lên đến 4.465 người.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển về quy mô và loại hình đào tạo, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng được nhà trường đặc biệt chú trọng, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. TS. Nguyễn Bê, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong những ngày mới thành lập, trường có 5 thạc sĩ và 8 người đi học cao học, nhưng đến nay, đã có 1 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 57 thạc sĩ, 24 người đang học cao học. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng thạc sĩ tăng hơn 10 lần.  

Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp. Hồi mới thành lập, trường chỉ có 20 phòng học lý thuyết, 14 phòng làm việc, 20 phòng thực hành. Thư viện nhà trường mới chỉ 322 đầu sách, gần 80 đầu báo và tạp chí. Qua từng năm được đầu tư, trang bị, đến năm học 2011-2012, nhà trường đã có 36 phòng học lý thuyết được trang bị máy chiếu Projector, 38 phòng, xưởng thực hành, thư viện có hơn 12 nghìn đầu sách, trong đó có 14.054 đầu sách điện tử, đáp ứng tốt yêu cầu học tập, nghiên cứu của HSSV. Song hành với sự phát triển về cơ sở vật chất hiện đại, hầu hết đội ngũ cán bộ giảng dạy đã ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Nhiều phần mềm hiện đại đại sử dụng trong dạy học và quản lý như phần mềm quản lý nhân sự, quản lý đào tạo, quản lý tài chính... Đến nay, 100% giảng viên có máy tính xách tay làm phương tiện dạy học, nghiên cứu.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Tuy mới thành lập 5 năm nhưng Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đã tham dự các Hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi các cấp, Hội thi tay nghề, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm và đạt các thành tích nhất định, như tham dự các Hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi toàn quốc đoạt 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 cấp quốc gia; 4 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba cấp thành phố. Tham dự Hội thi tay nghề các cấp đoạt 1 giải khuyến khích cấp quốc gia; 4 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba cấp thành phố. Tham dự Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm đoạt 1 giải khuyến khích cấp quốc gia; 3 giải nhất, 1 giải nhì cấp thành phố. Tại Hội thi tay nghề thành phố Đà Nẵng năm 2012 vừa qua, HSSV của trường đã đoạt 2 giải nhất, 5 giải nhì và 1 giải ba.

Hằng năm, tỷ lệ tuyển sinh luôn đạt chỉ tiêu đề ra, đây là một thành công lớn so với các trường CĐ Nghề trên cả nước. Đáng mừng hơn, trong 5 năm qua, trường đã cung cấp cho thị trường lao động 4.883 HSSV có tay nghề cao. Trong đó, bậc CĐ 1.583 SV; bậc Trung cấp 2.850 học sinh; Sơ cấp 450 học sinh. Nhà trường liên kết đào tạo 1.768 học viên, trong đó: bậc ĐH 222 người; Chứng chỉ ngắn hạn khác 1.546 người. Tỷ lệ HSSV có việc làm khá cao với hơn 70%, trong đó, các ngành nghề như Cơ khí, may, điện có 100% HSSV có ngay việc làm sau khi ra trường. Điều đáng ghi nhận là HSSV Trường CĐ Nghề Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp dang tay chào đón vào làm việc và đánh giá khá tốt.

Theo Ban giám hiệu nhà trường cho biết, trên cơ sở những thành công ban đầu trong công tác đào tạo nghề, trong thời gian đến, nhà trường sẽ tích cực tham gia, nắm bắt các cơ hội phát triển đào tạo, để tiếp tục đóng góp vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

PHƯƠNG CHI
 

;
.
.
.
.
.