.

Ngành GD-ĐT thành phố với những đột phá

.

LTS: Hôm nay (15-11), ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài viết của đồng chí Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT đề cập đến những thành tựu mà ngành đạt được trong những năm qua và qua đó nêu bật những hy sinh, cống hiến thầm lặng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khen thưởng học sinh đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khen thưởng học sinh đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.

Suốt hơn 35 năm qua, sau ngày đất nước thống nhất, các thầy giáo, cô giáo sống và làm việc trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng trung dũng kiên cường, được sự dìu dắt của Đảng, sự quan tâm, chăm sóc, rèn luyện của chính quyền và nhân dân, sự kính trọng, tin yêu của lớp lớp thế hệ học trò đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người” cao cả. Sau năm 1986, đất nước đổi mới, ngành GD-ĐT Quảng Nam-Đà Nẵng đã có những bước đi sáng tạo, đạt được những thành tựu, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Với vị thế mới, Đà Nẵng liên tục thay da đổi thịt, phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là một trong các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của miền Trung và cả nước. Cùng với sự lớn mạnh của thành phố, ngành GD-ĐT Đà Nẵng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, xây dựng sự nghiệp GD-ĐT phát triển về mọi mặt, thực hiện mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước.

Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục” tiếp tục khẳng định quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, theo đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển GD-ĐT trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thực hiện quan điểm xây dựng và phát triển giáo dục trong thời kỳ mới, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương và nhiều giải pháp đầu tư xây dựng, phát triển sự nghiệp GD-ĐT thành phố. 15 năm qua, cùng với những thành tựu về kinh tế-xã hội, sự nghiệp GD-ĐT đã có những chuyển biến vượt bậc, toàn diện.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã được ngành triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành GD-ĐT thành phố. Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” ngày càng đi vào chiều sâu gắn với những việc làm, những chương trình hành động cụ thể, thiết thực. 4 năm liền Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Mạng lưới trường lớp được quy hoạch vừa phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, vừa đáp ứng với phát triển quy mô, với yêu cầu phát triển đô thị và nhu cầu học tập của mọi người dân, mọi lứa tuổi trên địa bàn; kể cả miền núi, vùng dân tộc. Cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị, trường dạy 2 buổi/ngày, trường chuẩn quốc gia các bậc học, ngành học; thư viện, phòng bộ môn đạt chuẩn luôn được đầu tư và phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các trường học, kể cả địa bàn miền núi, vùng thấp, lụt, được xây dựng tầng hóa, khang trang, sạch đẹp; thiết bị phục vụ  công tác dạy và học được bảo đảm theo yêu cầu. 100% trường tiểu học tổ chức dạy ngày 2 buổi. Trường đạt chuẩn quốc gia mỗi năm một phát triển và đến nay, toàn ngành đã có 121/319 trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non, tiểu học, THCS, THPT), chiếm tỷ lệ 38%.  

Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục được chú trọng. Hằng năm, đã tổ chức huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp; bảo đảm đạt tỷ lệ 100% số trẻ 5 tuổi, 100% học sinh tiểu học, THCS và trên 95% học sinh THPT ra lớp. Đà Nẵng là đơn vị thứ hai, sau Hà Nội được công nhận phổ cập giáo dục THCS và đến nay, Đà Nẵng đã có 55/56 xã, phường đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.

Ngành GD-ĐT chú trọng xây dựng các trường phổ thông chất lượng cao nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của thành phố. UBND thành phố đã phê duyệt Đề án xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành trường THPT chất lượng cao. Ngành GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, Đề án Dạy học ngoại ngữ, Đề án Xây dựng phòng bộ môn đạt chuẩn, Chiến lược phát triển ngành GD-ĐT thành phố đến năm 2020…

Chất lượng và hiệu quả GD-ĐT của các ngành học, bậc học tiếp tục duy trì và phát triển. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non ngày một tốt hơn. Kết quả xếp loại học lực - hạnh kiểm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ ĐH, đỗ thủ khoa các trường ĐH, CĐ ngày càng tăng. Số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cấp quốc gia, khu vực và quốc tế được duy trì cả về số lượng và chất lượng giải. Từ năm 1997 đến nay, thành phố có 724 giải quốc gia, 21 giải quốc tế và khu vực châu Á.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của ngành GD-ĐT thành phố ngày một phát triển về phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực công tác. Đến nay, 100% nhà giáo, cán bộ quản lý mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp đạt trình độ đào tạo chuẩn; trong đó có hơn 70% nhà giáo, cán bộ quản lý có trình độ đào tạo trên chuẩn.

Trong 15 năm qua, ngành GD-ĐT thành phố đã phối hợp với cấp ủy triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 34/CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong trường học”. Hầu hết các đơn vị, trường học của ngành GD-ĐT đều có chi bộ độc lập và 2 trường THPT có Đảng bộ. Các tổ chức cơ sở Đảng trong ngành GD-ĐT đã thật sự trở thành hạt nhân lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường, trong đó có việc lãnh đạo phát triển đảng viên trong trường học.

Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; phát triển đa dạng các loại hình trường học; nhất là loại hình trường học ngoài công lập để vừa điều chỉnh, giảm bớt sức ép tuyển sinh, tạo thêm cơ hội học tập cho mọi đối tượng. Ngành GD-ĐT thành phố quán triệt các quan điểm, định hướng và nhiệm vụ về giáo dục khuyết tật, giáo dục dân tộc và thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả giáo dục, chất lượng học tập và rèn luyện ở các trường mầm non, phổ thông các xã miền núi và vùng ven, khu vực giải tỏa và các trường chuyên biệt, các lớp hòa nhập; tạo mọi điều kiện để học sinh con em gia đình chính sách, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em khuyết tật, học sinh người dân tộc có cơ hội học tập và được thụ hưởng các điều kiện học tập như những trẻ em bình thường khác.

Bộ GD-ĐT đã đánh giá Đà Nẵng là một trong những đơn vị dẫn đầu thi đua cả nước. Trong nhiều năm liên tục, ngành GD-ĐT thành phố nhận Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Nhiều đơn vị, trường học của thành phố đã nhận Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng của Chủ tịch nước. Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước với thành tích đặc biệt trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

LÊ TRUNG CHINH

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng
 

;
.
.
.
.
.