.

Nam sinh Đà Nẵng nhận giải thưởng Quả cầu vàng

.

Giành giải Ba cuộc thi sáng tạo, giải nhất phần thi chung hội thi tin học trẻ toàn quốc, nam sinh Nguyễn Hữu Thành vinh dự là một trong 10 người nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2012.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao kỉ niệm chương cho các tài năng khoa học trẻ. Ảnh: Hoàng Thùy.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao kỉ niệm chương cho các tài năng khoa học trẻ. Ảnh: Hoàng Thùy.

Sáng 10-11, lễ trao giải thưởng khoa học kĩ thuật thanh niên "Quả cầu vàng" được tổ chức tại Hà Nội. 10 thanh niên có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác, có các công trình nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật nổi bật, có giá trị khoa học cao, có ý nghĩa thực tiễn được ứng dụng thành công... được lựa chọn từ hồ sơ đề cử của 29 tỉnh, thành và 7 bộ, ngành để trao giải.

Là học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Thành là cá nhân nhỏ tuổi nhất nhận giải thưởng "Quả cầu vàng". Cậu học trò sinh năm 1994 đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tin học, giải nhì kỳ thi VNOI Marthon do diễn đàn VNOI tổ chức, giải nhất phần thi chung hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ 17 và huy chương đồng Olympic quốc tế IOI.

Chín cá nhân giành giải thưởng Quả cầu vàng khác cũng có bảng thành tích đáng nể với nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Trong số đó, có 6 người là tiến sĩ, 6 người là giảng viên các trường đại học lớn trong nước, 2 nhà khoa học trẻ đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một người đứng đầu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin - tự động hóa.

Trong lễ trao giải, Hội đồng kết nối Tài năng trẻ Việt Nam gồm 35 thành viên cũng được thành lập và ra mắt nhằm xây dựng mạng lưới kết nối lực lượng tài năng trẻ ở mọi miền, mọi lĩnh vực trên cả nước.

Năm nay, ngoài lễ trao giải thưởng Quả cầu vàng, các tài năng khoa học trẻ trên cả nước còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Trong ba ngày từ 7/11 đến 10/11, gần 200 đại biểu được tập huấn, tham gia các trung tâm thảo luận chuyên đề về khoa học công nghệ, gặp gỡ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và giao lưu với sinh viên thủ đô.

Danh sách 10 tài năng trẻ được trao giải "Quả Cầu Vàng" 2012:

1. TS. Vũ Tất Thắng (SN 1979): công tác tại Viện Công nghệ thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Anh có 20 công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu của Hội nghị Quốc tế. Ngoài ra, anh là tác giả chính đề tài cấp Nhà nước "Hệ thống tổng hợp tiếng nói Tiếng Việt: VietTalk, chương trình tích hợp vào trong hệ điều hành Windows cung cấp miễn phí cho người khiếm thị và tích hợp vào hệ thống ViNAS: Hệ thống chuyển báo điện tử thành báo nói.

2. Hồ Vĩnh Hoàng (SN 1981): Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Robot Tosy là người thiết kế robot dáng người TOPIO được giới thiệu tại triển lãm robot lớn nhất thế giời IREX tại Tokyo, Nhật Bản...Anh được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới công nhận danh hiệu "Con quay tự quay lâu nhất thế giới".

3. Nguyễn Hữu Thành (SN 1994): học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Thành đạt giải ba cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 4, giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tin học, giải nhì kỳ thi VNOI Marthon do diễn đàn VNOI tổ chức, giải nhất phần thi chung hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ 17 và huy chương đồng Olympic quốc tế IOI.

4. TS. Vũ Thị Hạnh Thu (SN 1979): Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM. Cô giành giải nhì VIFOTEC với đề tài "Nghiên cứu chế tạo màng quang xúc tác TIO2:N bằng phương pháp phun xạ magnetron, cho ứng dụng làm sạch vi khuẩn trong nước và chống đọng nước bề mặt". Công nghệ này mở đầu cho công nghệ làm sạch nước hiện nay là vật liệu bột. Ngoài ra, chị Thu còn chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp thành phố đạt kết quả xuất sắc và 14 công trình được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội nghị chuyên ngành.

5. TS. Phạm Văn Quân (SN 1979): Giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Tokyo (Nhật Bản). Anh là một trong 20 nhà khoa học trẻ xuất sắc trên thế giới đoạt giải thường "Tài năng xanh" và được vinh danh tại CHLB Đức với đề tài "Các giải pháp tiết kiệm năng lượng giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu". Anh đã chủ trì 13 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án trong nước và quốc tế, tác giả chính của 19 công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí ngoài nước.

6. TS. Hoàng Anh Tiến (SN 1979): Bác sĩ, giảng viên ĐH Y Dược Huế. Anh từng giành giải xuất sắc hội nghị khoa học trẻ các trường ĐH Y dược toàn quốc, có hai công trình được áp dụng thực tiễn là "Nghiên cứu, sản xuất máy theo dõi nhịp thở để phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ" và "Ứng dụng phần mềm lập trình Authorware trong thiết kế bộ câu hỏi lâm sàng". Anh cũng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như khám chữa bệnh nhân đạo tại A Lưới (Thừa Thiên Huế), Saravan (Lào), A Vao (Quảng Trị)...

7. Bác sĩ Đỗ Xuân Hai (SN 1982): Giảng viên Bộ môn phẫu thuật thực hành và phẫu thuật thực nghiệm của Học viện Quân y. Anh có công trình nghiên cứu "Vạt ra ngực bên và ứng dụng tạo hình mất đoạn thực quản được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Bác sĩ Hai có nhiều công trình nghiên cứu đang được ứng dụng thực tế hoặc những định hướng khoa học trong ứng dụng, điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là các nghiên cứu để lựa chọn van tim cơ học tốt nhất cho người bệnh.

8. TS. Vũ Duy Hải (SN 1979): Viện Điện tử viễn thông ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh có 4 đề tài đang được ứng dụng tại các bệnh viện trong đó có "Hệ thống rửa quả lọc và dây dẫn máu tái sử dụng trong chạy thận nhân tạo". Ngoài nhiều đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu, anh cũng đang chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước như: "Nghiên cứu chế tạo thiết bị pha dịch lọc tự động dùng cho máy thận nhân tạo" và tham gia thực hiện chính đề tài nghiên cứu tiềm năng "Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống tự động làm sạch máu chảy ra trong quá trình phẫu thuật để tái sử dụng cho bệnh nhân".

9. Ths. Tống văn Hải (SN 1979): Giảng viên trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Anh là thư lý hai đề tài cấp nhà nước đã được nghiệm thu, chủ nhiệm một đề tài cấp Bộ, một đề tài cấp nhà nước, có nhiều đề tài ứng dụng về lĩnh vực nông nghiệp như "Thu thập, lưu trữ và đánh giá nguồn gen cà chua địa phương Việt Nam", người chọn tạo thành công 2 giống lúa mới (nếp thơm NV1 và tẻ N91) năng suất cao, chất lượng tốt, chống được sâu bệnh...

10. TS. Nguyễn Việt Linh (SN 1981): Viện Công nghệ sinh học Viện KH&CN Việt Nam, là người có nhiều đề tài nghiên cứu về tế bào gốc phôi, bước đầu phân lập được nụ phôi từ phôi chuột, trực tiếp thực hiện kỹ thuật tạo PCR xác định giới tính phôi thai giai đoạn sớm để tạo ra bê con thụ tinh trong ống nghiệm với giới tính xác định đầu tiên ở Việt Nam. Anh cũng nghiên cứu kỹ thuật kết hợp giữa ly tâm và dung hợp ứng dụng trong công nghệ sinh học sinh sản, tạo phôi thụ tinh ống nghiệm, nâng cao năng suất nhân bản vô tính động vật, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng suất giống, vật nuôi.

VnExpress

;
.
.
.
.
.