Giáo dục
Chưa giao Bộ LĐ,TB&XH quản lý các trường dạy nghề
Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua chiều 27-11 vẫn giữ nguyên quy định trong luật hiện hành về cơ quan quản lý nhà nước với giáo dục nghề nghiệp.
Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều, quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Luật này áp dụng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng; doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Như vậy, so với luật hiện hành, luật mới đã mở rộng đối tượng áp dụng, sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật được báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và hợp nhất các trình độ đào tạo không tạo ra xung đột pháp lý mà vẫn bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo về “thống nhất tên gọi các trình độ đào tạo” và “quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học” cũng như tạo thuận lợi cho việc quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao…
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định trong luật gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Trường trung cấp; Trường cao đẳng.
Đặc biệt, về quy định cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết phải thống nhất một cơ quan đầu mối thay mặt Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm này cho cơ quan cụ thể nào của Chính phủ thì ý kiến đại biểu còn khác nhau và đề nghị có sự nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Kết quả từ phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này cho thấy, các phương án giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; hay giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn… đều không có phương án nào nhận được trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí.
Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định về vấn đề này như trong Luật Dạy nghề hiện hành là: giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu điều hành của Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của Bộ quản lý ngành và cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.
Cùng với Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong phiên làm việc hôm nay, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Theo Hà Nội mới