Giáo dục
Khoa Cơ khí - Trường Đại học Bách khoa: Hướng đến khoa tiên phong của trường đại học nghiên cứu
Trong suốt chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, khoa Cơ khí - Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng được xã hội biết đến là một trong những khoa đào tạo kỹ sư cơ khí lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời trở thành đối tác tin cậy của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng đón đội BKDC vô địch Robocon 2007 với chủ đề Khám phá Hạ Long. |
Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực
Xác định con người là yếu tố quan trọng, nên ngay từ những ngày đầu thành lập khoa Cơ khí (năm 1975), Ban giám hiệu nhà trường cùng lãnh đạo khoa Cơ khí luôn chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn, đạo đức, lý luận chính trị lẫn năng lực quản lý. Ngoài ra, khoa cũng đã cử nhiều cán bộ đi làm nghiên cứu sinh và đã có 20 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học. Hiện nay, khoa có 40 cán bộ, trong đó có 25 cán bộ giảng dạy, 8 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đội ngũ cán bộ ngày càng có trình độ chuyên môn giỏi, có học hàm, học vị cao đảm nhận tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và hợp tác quốc tế.
Trong 40 năm qua, khoa Cơ khí đã xây dựng được hệ thống các phòng thí nghiệm, thực hành trang bị khá hoàn chỉnh theo chương trình đào tạo hiện tại và cho tương lai. Về chương trình và ngành đào tạo: Đối với hệ đào tạo kỹ sư chính quy tập trung, những ngày đầu tiên, khoa đã thiết kế chương trình kỹ sư cơ khí ngành rộng là sự chọn lọc tinh hoa của các chương trình đào tạo ngành chế tạo máy của ĐHBK Hà Nội và các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm đáp ứng cấp thiết nhu cầu của quá trình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Song song với hoàn thiện chương trình ngành chế tạo máy, khoa cũng triển khai xây dựng chương trình đào tạo hai ngành như: Cơ khí động lực bắt đầu đào tạo từ năm 1978 và ngành Công nghệ Đúc từ 1981 và đến năm 1985, khoa Cơ khí đã xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư Công nghệ Dệt để phục vụ cho các ngành dệt may tại miền Trung. Từ năm 1995, để đáp ứng cấp thiết cho ngành luyện cán thép, khoa Cơ khí đã tổ chức liên kết xây dựng chương trình và đào tạo kỹ sư ngành luyện cán thép. Đặc biệt, kể từ khi đất nước hội nhập kinh tế, các thầy cô giáo khoa đã dự báo sự thâm nhập và phát triển của các thiết bị sản xuất tự động, nên từ năm 1995 - 2000, khoa đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử và bắt đầu tuyển sinh vào năm 2001. Đây là chương trình đáp ứng nhân sự kịp thời cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Bên cạnh đó, khoa cũng thực hiện đào tạo hệ vừa làm vừa học với hai ngành chủ yếu: Chế tạo máy và Cơ khí động lực. Đối với các chương trình sau đại học khoa được Bộ GD & ĐT cho phép triển khai đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy vào năm 1995 và ngành Cơ điện tử vào năm 2013.
Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học
Theo các thế hệ lãnh đạo khoa Cơ khí, với phương châm gắn đào tạo với NCKH, ngay từ những ngày đầu thành lập, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức khoa đã đi đầu trong nhà trường về các hoạt động chuyển giao công nghệ. Mặc dù trong điều kiện vô cùng thiếu thốn cả về tài chính lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật, nhưng nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất đã được thiết kế chế tạo và chuyển giao cho các đơn vị sản xuất. Nhiều hợp đồng kinh tế được ký kết với các đề tài trải rộng trên nhiều lĩnh vực như sản suất vật liệu xây dựng, chế biến và nuôi trồng thủy sản, phục vụ đường sắt, phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, phục vụ cho ngành dệt may, ngành công nghệ dược, phục vụ an ninh quốc phòng… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế đất nước, có quá nhiều thăng trầm nhưng khoa Cơ khí vẫn kiên trì theo đuổi, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới. Những năm gần đây, khoa đã có nhiều đề tài công nghệ cao chuyển giao cho các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, khoa có nhiều mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực như: trao đổi các đề tài khoa học kỹ thuật, gửi sinh viên thực tập, chuẩn bị đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp. Sắp tới, khoa sẽ xây dựng chương trình hợp tác để cùng tham gia đào tạo, nhằm giúp sinh viên tiếp cận nhanh nhất với thực tiễn.
Sau 40 năm đào tạo, trên 6.000 kỹ sư cơ khí và 200 thạc sĩ công nghệ chế tạo máy đã tỏa đi khắp mọi miền, các cựu sinh viên khoa Cơ khí đã có những đóng góp to lớn vào nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước. Nhiều người đã trở thành công chức, nhà quản lý, doanh nhân, nhà giáo, nhà kỹ thuật, nhà hoạt động xã hội thành đạt. Tại mỗi tỉnh, thành đều có ban liên lạc cựu sinh viên cơ khí giúp nhau trong cuộc sống và hỗ trợ cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên mới ra trường. Các sinh viên đang học luôn được hướng dẫn NCKH và có nhiều đề tài đoạt giải cao. Đó là minh chứng hùng hồn về chất lượng đào tạo của khoa Cơ khí - Trường ĐHBK Đà Nẵng.
Và với thành tích đã đạt được, khoa Cơ khí đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng ba, nhiều bằng khen của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng. Nhiều thầy cô giáo đã được tặng bằng khen, được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, được phong học hàm Phó giáo sư. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, khoa Cơ khí lại vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD & ĐT.
Tiến sĩ Lưu Đức Bình, Trưởng Khoa Cơ khí – Trường ĐHBK Đà Nẵng: Trong thời gian tới, Khoa Cơ khí sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện hơn nữa chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng; đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo cho đội ngũ nhà giáo hiện nay để đến năm 2025, toàn bộ các giảng viên trực tiếp giảng dạy có học vị tiến sĩ. Tiếp tục tập trung phát triển NCKH, chú trọng chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đây chính là quá trình tự đào tạo và đào tạo nhân lực trình độ cao, hướng đến một khoa tiên phong của trường Đại học nghiên cứu. |
Bài và ảnh: Trọng Hùng