Giáo dục
Phấn đấu thành đại học định hướng nghiên cứu
Chiến lược xây dựng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng trở thành đại học định hướng nghiên cứu trong giai đoạn 2015-2020 nhằm cung cấp nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật hàng đầu của đất nước và khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thầy và trò Trường Đại học Bách khoa trong buổi giới thiệu các mô hình. |
Ấn tượng từ những con số
Sơ đồ tổng hợp đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của Trường Đại học Bách khoa cho thấy, số lượng các loại đề tài các cấp sau thời gian ổn định ở mức thấp với khoảng 30 đề tài hằng năm đã có sự gia tăng đáng kể từ năm 2010 và tiếp tục duy trì đến nay (năm 2009: 30 đề tài; năm 2010: 67; năm 2011: 79; năm 2012: 83; năm 2013: 94; năm 2014: 60). Bên cạnh các đề tài “truyền thống” của Bộ GD&ĐT, từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã đấu thầu thành công nhiều đề tài của các Bộ, ngành và địa phương như: 2 đề tài tiềm năng, 4 Vifotec, 1 Nghị định thư, 1 đề tài của các tỉnh, 2 cấp Nhà nước.
Số lượng các công bố khoa học của nhà trường không ngừng tăng, đặc biệt là số bài báo khoa học trong danh mục ISI có tên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tăng nhanh chóng từ năm 2012. Năm 2010 chỉ có 4 bài, năm 2012 có 8 bài, năm 2013 có 18 bài và năm 2014 có 43 bài. Đồng thời, trường đã đạt 16 bằng phát minh sáng chế quốc gia và quốc tế, 4 giải thưởng VIFOTEC, 2 giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 1 giải thưởng L’Oreal - Unesco, 4 giải thưởng Hội thi sáng tạo thành phố Đà Nẵng.
Công tác NCKH trong sinh viên được duy trì, phát triển mạnh với việc tổ chức thành công các hội nghị và triển lãm thành tựu NCKH của sinh viên. Từ năm 2010 đến nay, việc quản lý và triển khai các dự án lớn cũng được thực hiện, triển khai tại trường với hiệu quả cao như: Dự án TRIG; HEEAP, HEEAP2A, Dự án Công nghệ Sinh học - Môi trường; Dự án nâng PTN ngành Công nghệ vật liệu, Dự án PTN Kỹ thuật dầu khí, Dự án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử…
Đánh giá về thành tựu này, GS,TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, cho biết việc gia tăng mạnh số lượng đề tài trong thời gian sau năm 2010 chủ yếu tập trung các đề tài cấp cơ sở nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra của địa phương và phục vụ công tác đào tạo. Thành công này còn thể hiện ý thức giảng dạy gắn liền với nghiên cứu ngày càng được quan tâm, tạo động lực lớn cho các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ giảng dạy trẻ, không ngừng hoàn thiện kiến thức chuyên môn của mình thông qua các hoạt động nghiên cứu.
Tạo tiền đề tốt phát triển các hoạt động khoa học và công nghệ
Theo GS,TS Lê Kim Hùng, trong giai đoạn 2015-2020, Trường Đại học Bách khoa được giao nhiệm vụ xây dựng trường trở thành đại học định hướng nghiên cứu. Những kết quả đạt được trong công tác NCKH và chuyển giao công nghệ chính là tiền đề tốt cho phát triển các hoạt động khoa học và công nghệ - một trong những tiêu chí về trường đại học định hướng nghiên cứu theo nghị định về quy định phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục. Hơn nữa, cán bộ và giảng viên của trường đã thực hiện các đề tài, nhiệm vụ lớn, đa lĩnh vực như các đề tài tiềm năng, các đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước, các đề tài hợp tác với doanh nghiệp, các đề tài nghiên cứu chung trong hợp tác quốc tế; đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, tạo các cơ sở ban đầu để phát triển các phòng thí nghiệm chuyên sâu.
Trong thời gian đến, để nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo sau đại học, nhà trường sẽ triển khai một số giải pháp như: thực hiện quy định học viên sau đại học và nghiên cứu sinh tham gia các hoạt động chuyên môn với tư cách là các trợ giảng; ưu tiên các đề tài NCKH các cấp có sự tham gia của học viên sau đại học và nghiên cứu sinh như là thành viên của đề tài; các đề tài cấp Bộ trở lên phải gắn liền với đào tạo nghiên cứu sinh, các nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài như là một phần của dự án…
Về nguồn nhân lực, số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng đều qua từng năm, với 33,6% giảng viên có trình độ tiến sĩ; 9,3% có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đây chính là cơ sở quan trọng để triển khai đạt các tiêu chí về nhân lực của trường đại học định hướng nghiên cứu trong thời gian đến.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục cũng đã được sự quan tâm chỉ đạo trong thời gian gần đây với 3 chương trình đã được kiểm định quốc tế (CTI) và 4 chương trình đang chuẩn bị kiểm định. Nhà trường đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí, chuẩn bị trình Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) tiến hành đánh giá ngoài và đang triển khai đánh giá trong cho 2 CT truyền thống và đánh giá ngoài cho 2 CTTT theo bộ tiêu chuẩn AUN.
“Như vậy, các tiền đề để phát triển Trường Đại học Bách khoa trở thành đại học định hướng nghiên cứu đã được chuẩn bị và tạo lập trong thời gian qua. Nhưng để biến mục tiêu này trở thành hiện thực vào năm 2020, lãnh đạo ngành, nhà trường cần chỉ đạo xây dựng các chính sách, phát huy nguồn lực của nhà trường để phát triển các lĩnh vực còn khoảng cách khá lớn so với các tiêu chí của một trường đại học định hướng nghiên cứu”, GS,TS Lê Kim Hùng cho biết.
Trong chiến lược xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành đại học định hướng nghiên cứu đạt đẳng cấp quốc tế, Đảng ủy Đại học Đà Nẵng chỉ đạo: Trong giai đoạn 2015-2020, xây dựng Trường Đại học Bách khoa trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật hàng đầu của đất nước và khu vực, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, có hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật; phát triển các công nghệ nguồn; cung cấp nguồn nhân lực có năng lực nghiên cứu và giảng dạy; có năng lực chủ trì nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học cấp quốc gia và quốc tế; đạt được tiêu chí cơ bản của trường đại học định hướng nghiên cứu. |
NGỌC HÀ