Giáo dục

Khai mạc hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc

Cơ hội tiếp cận giáo trình hiện đại, cách dạy tiên tiến

07:36, 22/09/2015 (GMT+7)

Ngày 21-9, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức lễ khai mạc hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015 tại Đà Nẵng. Tham dự hội giảng có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân. Về phía lãnh đạo Đà Nẵng có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết.

Bộ LĐ-TB&XH trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự Hội giảng.  Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Bộ LĐ-TB&XH trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự Hội giảng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Phát biểu khai mạc Hội giảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí nhấn mạnh: “Việc đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, có năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong quá trình đào tạo, việc xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng dạy nghề. Hội giảng lần này là dịp để các thầy, cô giáo có điều kiện trao đổi, trau dồi kinh nghiệm dạy và học; đồng thời nhân rộng và phổ biến những sáng kiến hay, bài giảng tốt”. Thay mặt Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí biểu dương những nỗ lực trong công tác chuẩn bị của Tổng cục Dạy nghề, của thành phố Đà Nẵng; sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của các cơ sở dạy nghề, các thầy giáo, cô giáo trên cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết khẳng định: Hội giảng lần này là cơ hội tốt để các trường dạy nghề tại Đà Nẵng cũng như cả nước có thể tiếp cận những giáo trình hiện đại, cách dạy tiên tiến, đồng thời đưa việc nâng cao chất lượng dạy nghề trở thành một phong trào sâu rộng trong cả nước. “Hằng năm, Đà Nẵng có hàng ngàn doanh nghiệp mới thành lập, thu hút hàng vạn lao động có tay nghề. Bởi vậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược dài hạn của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nói.

Hội giảng diễn ra từ ngày 21 đến 26-9 với sự tham gia của 236 giáo viên thuộc 159 cơ sở dạy nghề trong cả nước. Hội giảng đề cập và mở rộng đến hầu hết các nhóm nghề như: điện; điện tử, điện lạnh; công nghệ thông tin; cơ khí; động lực; giao thông vận tải; nông, lâm, ngư nghiệp, thủy lợi; xây dựng, ăn uống, may mặc, du lịch, dịch vụ...

* Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí ngày 21-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng mong muốn Đà Nẵng sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về nguồn vốn để phát triển các trường, trung tâm, nghĩa trang liệt sĩ… Về việc đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đầu tư với phương thức: Trung ương 50%, địa phương 50%, chia 3-5 năm, tổng mức đầu tư dự kiến 450 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố đề xuất đầu tư thành lập Trường trung cấp nghề công lập Đà Nẵng nhằm phục vụ đào tạo nghề theo Đề án 1956; chuyển đổi ngành nghề giải quyết việc làm bằng việc sáp nhập 2 Trung tâm dạy nghề Hòa Vang và Liên Chiểu hiện hoạt động không hiệu quả. Thành phố cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ từ 10-15 tỷ đồng/năm theo chương trình mục tiêu.

Thời gian qua, dù được quan tâm đầu tư nhưng một số nghĩa trang trên địa bàn thành phố đã xuống cấp nặng, đặc biệt là Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương thường ngập nước. Thành phố mong muốn Bộ LĐ-TB&XH xem xét hỗ trợ kinh phí công tác mộ và nghĩa trang theo đề án: 10 tỷ đồng/năm.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí ghi nhận những kết quả đã đạt được của Đà Nẵng trong công tác an sinh xã hội, đồng thời xem xét và kiến nghị với Bộ những vấn đề mà thành phố đặt ra.

PHƯƠNG TRÀ

.