Giáo dục
Thư viện trong các trường đại học, cao đẳng Chưa xứng tầm
Tài liệu nghiên cứu nghèo nàn, cán bộ quản thư yếu nghiệp vụ là thực trạng tại nhiều thư viện trong các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên địa bàn thành phố. Vấn đề được đưa ra trao đổi thẳng thắn tại cuộc họp sáng 17-6 do Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Thư viện giúp sinh viên phát triển khả năng tư duy, sáng tạo qua việc tự học. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Trăm thứ thiếu
Thư viện ở các trường ĐH công lập tại Đà Nẵng hiện nay chưa được chú trọng. Điều này phản ánh qua sự đầu tư kinh phí cho thư viện tại mỗi trường ĐH, CĐ đều khá “khiêm tốn”. Ở những trường được xem là dành nguồn kinh phí “kha khá” cho thư viện như Trường CĐ Công nghệ hoặc ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), mức đầu tư cũng chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm.
Có nơi như Trường CĐ Công nghệ thông tin, nguồn tiền dành cho mua sách, tài liệu tham khảo của thư viện chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm. Kinh phí eo hẹp nên số lượng và chất lượng sách, báo chưa phong phú. TS Huỳnh Công Pháp, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin cho biết: “Hiện sách phục vụ cho giảng viên và sinh viên không nhiều. Sách về mảng công nghệ thông tin rất ít và ngành này phải cập nhật thông tin thường xuyên nên càng rất cần tài liệu”. Thầy Pháp cũng chia sẻ, thực sự nhà trường có quá nhiều thứ phải chi, nên trước mắt phải ưu tiên cho mua các thiết bị thiết yếu phục vụ giảng dạy hơn là mua sách cho thư viện trường.
Vấn đề cán bộ thư viện cũng khiến nhiều trường đau đầu. “Đội ngũ cán bộ thư viện hiện nay chưa chuyên nghiệp, do ít được đào tạo bài bản. Vì thế, cần có nhiều hơn nữa các lớp tập huấn cho lực lượng này”, PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, thực sự năng lực của cán bộ phụ trách công tác thư viện còn yếu. Vào thư viện mà giống như vào cửa hàng bách hóa. Mọi thứ được trình bày không theo hệ thống, lớp lang. Còn tại Trường CĐ Công nghệ thông tin, khi nhân viên quản thư nghỉ sinh thì thư viện trường lập tức rơi vào cảnh bị động, phải điều một nhân viên khác thay thế chủ yếu làm nhiệm vụ mở cửa và đóng cửa thư viện. Theo thầy Pháp, tuyển một nhân viên thư viện có nghiệp vụ, kinh nghiệm hiện nay không phải dễ.
Theo đại diện các trường, việc đầu tư, bố trí tài liệu cho các thư viện đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Số sinh viên đến với thư viện cũng ngày càng ít. “Nguồn thông tin hiện nay rất nhiều, bao gồm thông tin trên mạng Intermet. Bởi vậy, sinh viên đến thư viện ít. Các em ít chịu tìm tòi, đọc sách mà chủ yếu sử dụng tài liệu có sẵn, photo bài giảng khi cần”, TS Nguyễn Anh Duy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cho biết.
Kết nối thư viện các trường
Theo GS.TS Trương Bá Thanh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, các trường cần coi thư viện là khâu quan trọng trong công tác giảng dạy; bởi trong kỷ nguyên thông tin cần phải đào tạo ra con người có kỹ năng xử lý thông tin, tự học, nâng cao tính sáng tạo. Giảng viên chỉ truyền đạt, định hướng thông tin, từ đó sinh viên tự tìm tài liệu, khai thác tư liệu, tự học hiệu quả. Việc đào tạo bậc ĐH chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi hoạt động học tập của sinh viên được trải rộng cả bốn môi trường: lớp học, thư viện, cơ sở thực nghiệm và môi trường thực tế.
Các trường phải dành một nguồn kinh phí tương đối cho thư viện. “Sắp đến sẽ có cuộc rà soát trình độ đội ngũ nhân viên thư viện, hướng đến sự chuyên nghiệp. Ai có nghiệp vụ thì làm tiếp, không thì chuyển công tác. Trường nào thiếu, Trung tâm học liệu Đà Nẵng có nhiệm vụ bổ sung nhân lực chứ không để tình trạng làm giùm, làm tạm”, GS.TS Trương Bá Thanh nói.
Bà Phan Thị Thu Nga, Giám đốc Trung tâm học liệu Đà Nẵng cho biết, sắp đến, Trung tâm mở chương trình đào tạo cho cán bộ thư viện, từ đó các cán bộ này sẽ về tổ chức lớp cung cấp kỹ năng thông tin cho sinh viên. ”Chúng tôi mong muốn tiến tới tích hợp thẻ thư viện với thẻ sinh viên dùng chung cho tất cả các trường ĐH, CĐ để sinh viên trường này có thể sử dụng thẻ đọc sách ở thư viện của tất cả trường bạn. Có như vậy mới tạo sự hợp tác, gắn kết giữa các trường ĐH, CĐ trên địa bàn”, bà Nga cho biết.
PHƯƠNG TRÀ