20 năm qua, công tác phát triển sự nghiệp giáo dục của Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng bộ và chính quyền thành phố qua các thời kỳ. Nhờ vậy, dù còn những khó khăn nhất định, nhưng mạng lưới trường, lớp của thành phố đã có sự vượt trội so với thời điểm trước 1997…
Lãnh đạo thành phố luôn chú trọng đầu tư cho giáo dục. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THCS Lê Thánh Tôn, quận Liên Chiểu trong giờ học. |
Đủ trường học cho huyện vùng ven
Do đặc thù của địa bàn nông thôn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên để huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, từ nhiều năm qua, 100% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo ở huyện Hòa Vang đều được tiếp nhận vào các nhà trẻ, trường mẫu giáo công lập. Trong 2 năm qua, đã có thêm 9 trường mầm non được xây dựng mới tại các xã Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Ninh… Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có trường mầm non công lập được xây dựng mới khang trang, bảo đảm 100% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo đến trường. “Tụi tôi chủ yếu lao động phổ thông, kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, các cháu đều được đến trường học nên cha mẹ cũng yên tâm làm việc. Đến trường được các cô chăm sóc chu đáo, khoa học, đứa nào cũng lên cân”, chị Hồ Thị Thu (37 tuổi, ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) có con đang học Trường mầm non Hòa Phú thổ lộ.
Không chỉ các trường mầm non được đầu tư, đối với cấp tiểu học, để bảo đảm thực hiện tất cả các trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong năm 2016, huyện Hòa Vang cũng được đầu tư xây dựng thêm phòng tại các trường tiểu học Hòa Liên (2 phòng), Hòa Phước (4 phòng), Hòa Châu (4 phòng). Ngoài ra, hệ thống trường THCS các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú cũng được đầu tư xây dựng. “Tất cả các trường ở huyện Hòa Vang đều được đầu tư khá bài bản về điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học, thiết bị trường học, đáp ứng được nhu cầu dạy và học trên địa bàn”, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nói.
Bảo đảm cơ sở vật chất dạy và học
Không chỉ đầu tư cho các huyện vùng ven như Hòa Vang, thành phố còn chú trọng xây dựng các trường chuẩn quốc gia, trường trọng điểm. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các ngành học, bậc học đã tăng lên đáng kể. Đến nay, số trường đạt chuẩn trên toàn thành phố là 132 trường trên tổng số 346 trường (đạt 38%). Thành phố đã đầu tư xây dựng một số trường trọng điểm chất lượng cao, trường có cơ sở vật chất hiện đại như: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được xây dựng trên diện tích 30.000m2 với tổng mức đầu tư 96,6 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm học 2004-2005; Trường THCS Nguyễn Khuyến (ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) có diện tích đất 17.000m2, tổng mức đầu tư 94 tỷ đồng với 4 tầng, được đưa vào sử dụng từ năm học 2011-2012.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hiện Đà Nẵng đã triển khai và hoàn thành đề án xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trong các trường học trên toàn thành phố với 62 trường học. Thành phố đang tiếp tục đầu tư kinh phí theo kế hoạch của đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, bao gồm: đầu tư trang thiết bị đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non thuộc 7 quận, huyện. “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, trường học dành ít nhất 10% tổng chi khác của đơn vị để mua sắm bổ sung và thay thế trang thiết bị dạy học nên hầu hết các đơn vị, trường học có phòng học bộ môn và đầy đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT”, ông Vĩnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cơ sở vật chất trường, lớp là yếu tố quan trọng quyết định việc nâng cao chất lượng giáo dục. “Sau giải phóng Đà Nẵng, cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rộng lớn chỉ có khoảng gần 10 trường THCS và THPT. Bây giờ, số trường tại mỗi quận, huyện đã gần bằng 1/2 số trường của cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây. Thành phố cũng đã xóa hoàn toàn việc học 3 ca, phòng học tạm thời các loại, trong đó chủ yếu là các phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp nặng. Đó là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo thành phố”, ông Long nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN