.
NĂM HỌC MỚI 2016-2017

Nhìn thẳng vào khó khăn, bất cập

.

Hôm nay, hơn 200.000 học sinh các bậc học tại thành phố Đà Nẵng dự lễ khai giảng và bước vào năm học mới 2016-2017. Bên cạnh niềm vui ngày tựu trường, ông Nguyễn Đình Vĩnh (ảnh), Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố, cũng thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, bất cập của ngành và các giải pháp tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tập trung giảm tải chương trình học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục và đào tạo Đà Nẵng triển khai trong năm học 2016 - 2017. TRONG ẢNH: Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu. 			                     Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Tập trung giảm tải chương trình học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục và đào tạo Đà Nẵng triển khai trong năm học 2016 - 2017. TRONG ẢNH: Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

* Đối với học sinh, phụ huynh Đà Nẵng, mùa hè vừa qua thực sự mới mẻ khi sân trường, thư viện trở thành địa điểm vui chơi, tạo động lực cho các em trong năm học mới. Những mùa hè tiếp theo, dự kiến sẽ có những hoạt động nào khác thưa ông?

- Chủ trương mở cổng trường, thư viện, mở các khu thể thao, đẩy mạnh việc dạy và học bơi, tổ chức vui chơi giải trí, hoạt động các câu lạc bộ… trong mùa hè vừa qua đã mang lại những tháng hè thực sự vui tươi cho học sinh, khi các em được nghỉ trọn vẹn 3 tháng và tựu trường vào đúng ngày 1-9. Hoạt động này đã tạo được sự đồng thuận của các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao, đặc biệt là bơi lội. Trong những mùa hè tiếp theo, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện việc mở cổng trường, thư viện, sân chơi, bãi tập; đồng thời, phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên... tổ chức bài bản và có hệ thống nhiều hơn nữa các hoạt động vui chơi, giải trí mang tính giáo dục cao để thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia. Phải xây dựng trường học thành trung tâm văn hóa trong cộng đồng dân cư và gắn bó mật thiết với đời sống xã hội của nhân dân trong vùng. Tôi nghĩ đây là cách làm đơn giản và hiệu quả nhất để rèn luyện, nâng cao kỹ năng sống và phát triển thể chất cho các em.

* Ông có thể cho biết những chủ trương lớn và những điểm mới của ngành trong năm học này?

- Năm nay, ngành vẫn tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đà Nẵng cũng đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án Sữa học đường, giảm tối đa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi và thể nhẹ cân ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch tuyển sinh trẻ từ 8 tháng đến 36 tháng tuổi vào các trường mầm non công lập và hoàn thành đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh tiểu học. Việc biên soạn lại chương trình, điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học phù hợp, vừa sức đối với học sinh phổ thông cũng sẽ được thực hiện; trong đó, phải cân đối lịch học để các em có thời gian vui chơi, tham gia tập luyện thể dục, thể thao.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; kịp thời rà soát, sửa chữa và bổ sung các thiết bị, máy móc và các phần mềm quản lý. Đặc biệt, sẽ triển khai trong toàn ngành khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 được UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, tập trung việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Việc luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng được thực hiện nhằm điều hòa chất lượng giữa các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, ngành sẽ có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, xác định rõ nguồn gốc thực phẩm của các nhà cung ứng để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh.

Điểm mới nhất là thí điểm dạy học thể dục theo phân môn tự chọn ở bậc THCS và THPT phù hợp với năng lực của học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm tải cho giáo viên và học sinh. Chúng tôi cũng sẽ công bố các quy định, quy chế và khung biên chế thời gian năm học từ 1-9-2016 đến 31-8-2017 ở các bậc học ngay từ đầu năm học.

So với năm học trước, ngành giáo dục - đào tạo thành phố sẽ có những điểm mới trong năm học 2016-2017.  TRONG ẢNH: Lễ khai giảng năm học mới 2015 - 2016 tại Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà.  		         Ảnh: P.T
So với năm học trước, ngành giáo dục - đào tạo thành phố sẽ có những điểm mới trong năm học 2016-2017. TRONG ẢNH: Lễ khai giảng năm học mới 2015 - 2016 tại Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà. Ảnh: P.T

* Theo ông, ngành GD&ĐT Đà Nẵng đối mặt với những khó khăn nào trong năm học mới 2016 - 2017?

- Về cơ bản, GD&ĐT Đà Nẵng đang có rất nhiều điểm thuận lợi. Đó là điều kiện kinh tế-xã hội của thành phố, là sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư mạnh mẽ của lãnh đạo chính quyền các cấp, là khát vọng từng ngày thêm mới luôn cháy bỏng trong lòng mỗi người dân ở mảnh đất đầu biển cuối sông này.

Tuy nhiên, theo tôi không nên né tránh mà cần nhìn thẳng, nhận diện những khó khăn, bất cập và các mặt khó khăn cần phải đặt trong cái nhìn hệ thống. Có khó khăn do nội tại ngành Giáo dục xét trong hệ quy chiếu chung của cả nước. Chẳng hạn vấn đề trường chuyên, lớp chọn ở các bậc học; phân luồng cho học sinh sau THCS; tìm cơ quan chủ quản hợp lý nhất cho các trường nghề. Và những vấn đề khác như: chương trình sách giáo khoa các cấp, thi tốt nghiệp THPT, thi và xét tuyển đại học, cao đẳng. Hay khó khăn do thực tiễn khách quan như việc các trường mầm non tại huyện Hòa Vang và các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn có nhiều điểm lẻ; các trường vùng sâu, vùng xa không có điều kiện thuận lợi để tiếp cận công nghệ thông tin; khó thực hiện các chủ trương xã hội hóa giáo dục và thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về việc 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; mở thêm nhiều trường mầm non để có thể nhận trẻ từ 7 tháng tuổi…

* Vậy theo ông, ngành cần nỗ lực và có những biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn đó?

Thực tế, có những khó khăn sẽ tập trung giải quyết trong 1-2 năm, nhưng cũng có những khó khăn phải giải quyết theo một lộ trình dài. Điều này do xuất phát điểm của từng vấn đề. Như chủ trương 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Với sự quan tâm đặc biệt của thành phố, ngành GD&ĐT phấn đấu hơn 3 năm, từ việc tuyên truyền chủ trương, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơi nới phòng ốc, xây dựng trường mới… thì đến tháng 1-2017 sẽ có khoảng 98% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Chưa kể các năm sau, với tỷ lệ tăng dân số cơ học và tăng do di dân sẽ tiếp tục phá vỡ chỉ tiêu này. Ngành GD&ĐT đã chuẩn bị đề xuất xây thêm trường, lớp nằm trong quy hoạch tổng thể chung đã được thành phố phê duyệt; đề xuất các công sở khi chuyển đổi công năng, sáp nhập nên ưu tiên mặt bằng cho giáo dục; đề nghị các cơ sở giáo dục tư thục phổ thông chuyển sang loại hình trường học nhiều cấp để chủ động nguồn tuyển, đồng thời giảm áp lực căng thẳng cho các trường công; vận động các doanh nghiệp thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng thêm trường lớp. Và những khó khăn khác chúng tôi sẽ tháo gỡ từng bước nhưng quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận trong mỗi cá nhân, tập thể.

* Với tư cách Giám đốc Sở GD&ĐT, nhân năm học mới, ông gửi gắm những mong ước gì?

- Tôi mong mỏi các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm hơn nữa và có những chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành GD&ĐT, mong quý phụ huynh từ những góc nhìn của mình tham mưu, chia sẻ và hiến kế để ngành Giáo dục kịp thời điều chỉnh và phát triển. Năm học mới, tôi tin tưởng mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ ý thức hơn nữa về vai trò lớn lao của ngành; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, để mỗi cơ sở giáo dục là điểm sáng về văn hóa, là mái nhà ấm áp yêu thương.

* Xin cảm ơn ông!

"Việc biên soạn lại chương trình, điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học phù hợp, vừa sức đối với học sinh phổ thông cũng sẽ được thực hiện; trong đó, phải cân đối lịch học để các em có thời gian vui chơi, tham gia tập luyện thể dục, thể thao."

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

;
.
.
.
.
.