Giáo dục

Nhiều công trình trường học còn ngổn ngang

08:04, 28/09/2016 (GMT+7)

Đã bước vào năm học mới được gần 1 tháng, nhưng đến nay, nhiều công trình trường học ở Đà Nẵng vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học, nhất là bảo đảm mục tiêu học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học.

Công trình dãy phòng học đang xây dựng tại Trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hải Châu (ảnh chụp giữa tháng 9-2016)Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Công trình dãy phòng học đang xây dựng tại Trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hải Châu (ảnh chụp giữa tháng 9-2016)Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Đến nay, tại Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu), một số công trình trước sân trường vẫn còn ngổn ngang. Theo dự kiến, công trình này đến cuối tháng 11 mới cơ bản hoàn thành và hiện tại học sinh toàn trường vẫn chỉ học 1 buổi/ngày. Như vậy, hơn 2 tháng nữa, 1.500 học sinh của trường vẫn phải học chung với tiếng ồn và bụi bặm. “Chúng tôi đã đề nghị nhà thầu phải rào chắn để bảo đảm an toàn cho học sinh.

Vì công trình đang thi công nên sân trường là nơi vui chơi của các em cũng bị thu hẹp nhiều”, cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Còn ở Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu), công trình dãy phòng học vẫn dang dở và dự kiến đến cuối tháng 11 mới xong. Hiện nay, nhà thầu đang thi công tầng 3 của dãy phòng học. Được che chắn an toàn nên công trình không có nguy cơ gây nguy hiểm cho hoạt động dạy và học, nhưng tiếng ồn và bụi bẩn thì không thể tránh khỏi.

Quận Liên Chiểu là địa phương có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp nhất trên địa bàn thành phố (trên 60% vào năm học 2015-2016) và đang có 7 trường tiểu học trên địa bàn được thành phố đầu tư xây dựng thêm phòng học, với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng như: Trường tiểu học Duy Tân, Âu Cơ, Trần Bình Trọng, Hải Vân, Hồng Quang, Bùi Thị Xuân, Triệu Thị Trinh. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình trường học này vẫn chưa hoàn thiện, dự kiến đến cuối tháng 11 mới xong và có thể bàn giao cho nhà trường. Việc tăng dân số cơ học những năm gần đây trên địa bàn quận là nguyên nhân chính dẫn đến việc các trường luôn quá tải với hơn 1.000 học sinh các cấp học mỗi năm.

Giống như quận Liên Chiểu, việc tăng dân số cũng đã gây áp lực lên cơ sở vật chất trường lớp tại quận Thanh Khê. Hiện quận Thanh Khê phải đầu tư xây mới Trường tiểu học An Khê với 12 phòng học ở giai đoạn 1.

Công trình dãy phòng học đang được xây dựng tại Trường tiểu học Lý Công Uẩn, quận Hải Châu. (ảnh chụp ngày 27-9)
Công trình dãy phòng học đang được xây dựng tại Trường tiểu học Lý Công Uẩn, quận Hải Châu. (ảnh chụp ngày 27-9)

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, năm 2016, ngành được đầu tư xây dựng bổ sung nhiều phòng học để đáp ứng cơ sở vật chất trước thực trạng học sinh tăng. Theo thống kê, bình quân các năm qua, mỗi năm, cấp tiểu học tăng 4.000-5.000 học sinh, tương đương 150 lớp. Như vậy số phòng học mới cần có để đáp ứng nhu cầu học là 150 phòng/năm. Năm học 2016-2017, Đà Nẵng có 34 trường được đầu tư theo chủ trương bảo đảm 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Trong đó, có 22 trường xây dựng phòng học 2 buổi/ngày sẽ hoàn thành trong quý 4 năm nay.

“Việc công trình thi công trong thời gian học gây nên những ảnh hưởng như thiếu phòng học tạm thời, bụi bẩn, tiếng ồn và thu hẹp không gian sinh hoạt của học sinh, mặc dù các đơn vị thi công đã cố gắng che chắn, bảo vệ khu vực thi công... Chúng tôi đã đề nghị các nhà thầu tăng cường biện pháp che chắn nhằm giảm tối đa sự ảnh hưởng đến học sinh và giáo viên và tăng ca để đẩy nhanh tiến độ”, ông Quân cho biết. Hiện nay, Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND thành phố giao các công sở (cũ) cho ngành giáo dục để phục vụ hoạt động dạy và học.

Tại buổi kiểm tra các công trình trường học của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng trước ngày khai giảng năm học mới, các chủ đầu tư báo cáo việc xây dựng một số công trình không hoàn thành trước khai giảng là do chờ bố trí vốn, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu mất một thời gian dài khiến công trình khởi công sau tháng 5 khó có thể hoàn thành trong tháng 8.

Ngoài ra, việc triển khai đồng loạt các công trình trường học dẫn đến khan hiếm công nhân vào cùng thời điểm, gây chậm tiến độ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu các đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đồng thời phải bảo đảm chất lượng công trình. Ngành giáo dục và các ngành chức năng cần rà soát, thống kê và làm tốt khâu dự báo để có kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, tránh tình trạng quá tải khi dân số tăng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.