Giáo dục

Hệ Cao đẳng Công nghệ thông tin: Khó "hút" người học

08:08, 27/10/2016 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều sinh viên theo học ngành công nghệ thông tin (CNTT) hệ cao đẳng rất khó xin được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp (DN) phần mềm thiếu lao động trầm trọng. Thực trạng này dẫn đến sự lãng phí nguồn nhân lực ở địa phương.

Nên có dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực ngành CNTT trong thời gian tới để các trường cao đẳng chủ động trong tuyển sinh và đào tạo.
Nên có dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực ngành CNTT trong thời gian tới để các trường cao đẳng chủ động trong tuyển sinh và đào tạo.

Thừa thầy, thiếu thợ giỏi

Theo chia sẻ từ các nhà tuyển dụng, hầu hết DN phần mềm lúc nào cũng mong muốn hợp tác với các trường đại học (ĐH) có chương trình đào tạo chất lượng như Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân... để đặt hàng nguồn nhân lực CNTT. “Hầu như tuần nào cũng có DN liên hệ với Trường ĐH Bách khoa đặt vấn đề về tuyển dụng, trong khi đó nhà trường không đáp ứng được. Những năm gần đây, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực CNTT dù có tăng nhưng thực tế nguồn cung vẫn chưa theo kịp yêu cầu của ngành phần mềm đang ngày càng phát triển nóng như hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa cho biết.

Trong khi đó, nhiều trường cao đẳng (CĐ) đào tạo chuyên ngành CNTT lại than khó khi sinh viên ra trường không có việc làm. “Sinh viên ĐH ra trường bao nhiêu cũng đều được các nhà tuyển dụng lựa chọn hết, trong khi sinh viên CĐ lại thất nghiệp”, TS. Huỳnh Công Pháp, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CNTT, ĐH Đà Nẵng chia sẻ.

Thực trạng không có việc làm sau khi tốt nghiệp khiến hệ CĐ chuyên ngành CNTT hiện nay khó thu hút người học, công tác tuyển sinh ở các trường CĐ trong những năm gần đây gặp không ít khó khăn. Trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt - Hàn trải qua 9 khóa đào tạo nguồn nhân lực phần mềm. Tuy nhiên, so với những khóa đầu có hơn 600 sinh viên/khóa thì khoảng 2-3 năm trở lại đây chỉ còn khoảng 350 sinh viên/khóa.

Hệ quả đó từ chất lượng đào tạo của một số trường CĐ chưa tốt, sinh viên thiếu kỹ năng mềm, yếu ngoại ngữ trong khi yêu cầu của thị trường lao động biến đổi hằng ngày. “Không ít vị trí ở các DN phần mềm dành cho sinh viên CĐ như kiểm thử phần mềm, lập trình viên… thế nhưng chương trình đào tạo hiện nay không đáp ứng yêu cầu của DN. Vì vậy chỉ có những sinh viên có thành tích học tập tốt mới lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng”, chị Đỗ Thị Ngọc Vân, Trưởng nhóm Quản lý chất lượng, Chi nhánh Công ty Global CyberSoft Việt Nam tại Đà Nẵng nói.

Cần dự báo về thị trường

Đại diện các trường CĐ trên địa bàn thành phố chia sẻ, hiện ngành CNTT vẫn chưa có dự báo về thị trường nguồn nhân lực nên các trường rất bị động trong vấn đề tuyển sinh và đào tạo. Không ít trường đào tạo các chuyên ngành hẹp theo định hướng của thành phố và Chính phủ chứ không theo nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn như chuyên ngành an ninh mạng là một ngành rất “nóng” hiện nay nhưng nhiều trường CĐ chỉ mới đưa vào chương trình đào tạo ngành CNTT một học phần kỹ nghệ bảo mật thuộc lĩnh vực này.

Chia sẻ về vấn đề này, tại hội nghị gặp mặt DN ngành thông tin và truyền thông do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, ngành CNTT là ngành mới chỉ phát triển tại Đà Nẵng trong khoảng 10 năm trở lại đây nên những dự báo về nguồn nhân lực phần mềm ở địa phương hiện nay hết sức rời rạc. Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tạo thêm nhiều diễn đàn để kết nối nhà trường với DN, khảo sát nhu cầu của DN để đưa ra dự báo chính xác hơn về thị trường lao động CNTT.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT hệ CĐ, hiện nay, các trường CĐ trên địa bàn thành phố chủ động mời chuyên gia nước ngoài về trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của các trường trong việc hợp tác đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cho nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN. “Để nâng cao chất lượng đầu ra, nhà trường và DN nên hợp tác sâu theo hình thức nghiên cứu, tức là cho sinh viên tự nghiên cứu làm ra sản phẩm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, vừa tạo cơ hội cho các em có niềm đam mê khởi nghiệp về CNTT”, TS. Nguyễn Thanh Bình phân tích.

Nhiều DN phần mềm cho rằng, bằng cấp không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc mà quan trọng là người lao động phải bảo đảm kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp mới thành công trong các đợt tuyển dụng.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.