Giáo dục
Khuyến khích thiếu nhi đọc sách
Thời gian qua, các ngành chức năng nỗ lực xây dựng văn hóa đọc cho người dân thành phố, đặc biệt hướng đến đối tượng thiếu nhi.
Học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) đọc sách trong dịp hè. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Đơn giản thủ tục cấp thẻ
Từ tháng 8-2015, khi Thư viện Khoa học tổng hợp mới đi vào hoạt động, lãnh đạo Thư viện đã xác định gầy dựng phong trào đọc sách cho đối tượng thiếu nhi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thư viện xây dựng kho sách thiếu nhi khá phong phú với 15 loại báo, tạp chí và hơn 23.000 bản sách được sắp xếp khoa học theo từng môn loại tri thức theo chuẩn quốc tế, vừa phù hợp với từng độ tuổi của các em với nhiều góc đặc biệt như: sách Mẹ và Bé, sách tham khảo, sách tra cứu, sách hướng nghiệp, sách tiếng Anh, truyện tranh... để các em có thể dễ dàng chọn lựa sách mình muốn.
Ngoài công tác phục vụ cho bạn đọc mượn và trả sách, cán bộ phòng thiếu nhi còn là người tư vấn, hướng dẫn các em chọn và đọc sách phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích các em tìm đến với những tác phẩm có giá trị nhân văn và chứa đựng nhiều tri thức.
“Tính đến hết tháng 9-2016, số thiếu nhi được cấp thẻ là 1.054, tăng 2,5 lần so với năm 2015. Để khuyến khích các em đọc sách, chúng tôi đơn giản hóa các thủ tục như: cấp thẻ cho bạn đọc tại phòng Thiếu nhi ngoài giờ hành chính; gia hạn sách cho bạn đọc qua điện thoại; cấp thẻ tập thể cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu và giao thẻ tận nơi; tổ chức khen thưởng các em chấp hành tốt nội quy đọc sách, có thành tích đọc sách vượt trội...”, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố cho biết.
Cũng theo ông Thái, tại cuộc họp mới đây với Thư viện, lãnh đạo thành phố đồng ý việc triển khai cấp thẻ thư viện miễn phí cho học sinh toàn thành phố; giao Sở Văn hóa-Thể thao lập đề án thực hiện làm thẻ liên thông và thư viện liên thông toàn thành phố. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với sách.
Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số
Phát triển văn hóa đọc cũng được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố quan tâm trong thời gian qua. Đặc biệt, tháng 10 này, ngành đã phát động Tuần lễ học tập suốt đời năm 2016 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh về tầm quan trọng của việc đọc sách.
Tại Trường tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà), nhà trường đã tổ chức trưng bày hàng trăm cuốn sách để các em chọn đọc. “Không chỉ đến khi phát động Tuần lễ học tập suốt đời, mà từ nhiều năm nay, mỗi tháng một lần, vào giờ chào cờ, cán bộ thư viện nhà trường lại chọn một quyển sách hay để giới thiệu đến các em”, cô Nguyễn Thị Quý, cán bộ thư viện Trường tiểu học Tiểu La chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà cho biết thêm, các trường trên địa bàn đang đẩy mạnh việc giới thiệu sách và tài liệu điện tử trên trang thông tin điện tử của nhà trường. Đặc biệt, đối với các trường mầm non, giáo viên được khuyến khích đọc sách, kể chuyện cho trẻ, tích cực sử dụng băng, đĩa để trẻ được “nghe sách” thường xuyên hơn. “Bởi bây giờ có nhiều cách đọc sách, không chỉ bằng sách giấy. Bên cạnh cách thức truyền thống, các em có thể khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như máy tính, sách điện tử, điện thoại... Cách đó có ưu điểm là tiện lợi, nhanh gọn có thể đọc mọi lúc, mọi nơi và tìm kiếm nhanh, lưu trữ, tra cứu thuận lợi”, bà Thảo lý giải.
NGỌC HÀ - PHƯƠNG TRÀ