Giáo dục

THỂ DỤC TỰ CHỌN

Thầy trò đều hào hứng

08:03, 08/11/2016 (GMT+7)

Khoảng 30% các trường trong thành phố Đà Nẵng bắt đầu thực hiện thí điểm dạy học thể dục theo phân môn tự chọn. Hầu hết học sinh và giáo viên đều hào hứng với cách học này.

Việc được chọn môn học thể dục mang lại sự hào hứng cho học sinh. Trong ảnh: Giờ học thể dục của học sinh Trường THPT Trần Phú. (Ảnh minh họa)
Việc được chọn môn học thể dục mang lại sự hào hứng cho học sinh. Trong ảnh: Giờ học thể dục của học sinh Trường THPT Trần Phú. (Ảnh minh họa)

Học sinh thích thú

Tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám, học sinh ở tất cả các khối lớp được chọn 1 trong 5 môn thể dục: bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền và điền kinh. Chọn học môn bóng rổ, em Bùi Thế Dương, học sinh lớp 12/11 tỏ ra thích thú: “Em thích học môn bóng rổ từ lâu rồi. Em cũng có chơi thử ở vài nơi nhưng không có thời gian theo đuổi. Bây giờ được học tại trường em thích quá”.

Với em Trần Lê Dũng, học sinh lớp 12/11, những giờ học thể dục trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Dũng nói: “Lớp 10 và 11 em chỉ được học bóng chuyền, cầu lông và thể dục nhịp điệu. Bây giờ có cơ hội trải nghiệm với bóng đá-môn thể dục tự chọn, em cảm thấy thật tuyệt vời. Học bóng đá em thấy sức khỏe được tăng cường và tinh thần thoải mái”.

Tại Trường THCS Lê Độ, ông Lê Đình Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường cũng đang triển khai thí điểm thể dục tự chọn, tuy nhiên chỉ ở khối lớp 6. Hiện nay, các em lớp 6 có thể đăng ký học 1 trong 6 môn: bóng bàn, cầu lông, đá cầu, bóng rổ, thể dục tự chọn, võ. Môn các em đăng ký nhiều nhất là bóng rổ (với 2 lớp và mỗi lớp có 43 em), tiếp đến là môn đá cầu (với 2 lớp, mỗi lớp 30 em).

Với các môn còn lại, mỗi môn có 1 lớp học. “Dạy và học thể dục với quá nhiều phân môn như trước đây dễ khiến học sinh thiếu tự tin và khó thuần thục kỹ năng ở một bộ môn nhất định. Trong khi với thể dục tự chọn, các em có thể phát huy hết khả năng, sở trường và niềm đam mê của mình. Đây là cách học hay, góp phần định hướng chuyên sâu cho học sinh về môn thể thao yêu thích”, ông Lê Đình Sơn nói. Hiện nay, trong chương trình thể dục lớp 6 tại trường, ngoài những tiết thể dục tự chọn còn có những giờ học lý thuyết và những bài tập bổ trợ.

Vẫn còn khó khăn

Những năm qua, Đà Nẵng đã tổ chức thí điểm học thể dục tự chọn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT Ngô Quyền dưới hình thức học sinh được tự chọn một môn mình yêu thích và học xuyên suốt cả năm học. Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, cách làm này được đông đảo phụ huynh và học sinh ủng hộ bởi đáp ứng sở thích, nguyện vọng, tố chất cơ thể của từng học sinh, tạo không khí học tập phấn khởi, nâng cao rõ rệt thành tích thể thao ở hai trường này.

Do vậy, năm học 2016 - 2017, Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên và trên cơ sở đăng ký tự nguyện của các trường. Sở phê duyệt chương trình, hướng dẫn cách tổ chức, phân công giáo viên dạy. Các trường thông báo kế hoạch cho phụ huynh và tổ chức tư vấn cho học sinh chọn môn phù hợp.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều trường, hoạt động này vẫn còn những khó khăn, chủ yếu về cơ sở vật chất. Theo thầy Đặng Trần Duy Tân, giáo viên thể dục Trường THPT Hoàng Hoa Thám, để có thể triển khai hầu hết các môn thể thao tự chọn cần phải đầu tư thêm về sân bãi, dụng cụ học. Hiện nay, học sinh nhà trường học bóng rổ và bóng đá vẫn phải dùng chung một sân, trong khi diện tích dành cho sân bóng đá phải rộng hơn sân bóng rổ.

Các em cũng rất thích học bơi nhưng nhà trường chưa có hồ bơi. Còn tại Trường THCS Lê Độ, ông Lê Đình Sơn cho biết, hiện nay trường vẫn chưa có nhà đa năng nên các môn hầu hết đều phải học ngoài trời, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu học nhiều môn của học sinh, nhà trường cần trang bị thêm các dụng cụ như vợt, bàn đánh bóng... trong khi kinh phí còn hạn chế. Ông Nguyễn Đình Vĩnh cho biết sẽ đề xuất UBND thành phố đầu tư, bổ sung những hạng mục lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường để đáp ứng yêu cầu dạy học thể dục tự chọn.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.