Giáo dục

Chắp cánh ước mơ đến trường

08:18, 07/11/2016 (GMT+7)

Tưởng chừng gián đoạn vì gánh nặng mưu sinh, ước mơ đến trường của các em học sinh tiếp tục được chắp cánh nhờ tấm lòng sẻ chia của cả cộng đồng.

Những suất học bổng được trao tặng là vô vàn yêu thương được thắp lên trên hành trình gom nhặt tri thức.
Những suất học bổng được trao tặng là vô vàn yêu thương được thắp lên trên hành trình gom nhặt tri thức.

Lá lành đùm lá rách

Cha phát bệnh tâm thần khi em M.T.T.N (SN 1991, ngụ phường Hòa Hải) vừa chào đời không bao lâu. Gánh nặng mưu sinh từ đó oằn trên đôi vai gầy của mẹ em. Mới đây, mẹ của N. cũng vừa mất sức lao động sau quãng thời gian vắt kiệt sức lực vì gia đình. Vượt qua những khó khăn chất chồng về điều kiện kinh tế, N. vẫn kiên trì theo đuổi việc học và trở thành sinh viên một trường y.

Không kém cạnh, cô em gái thứ hai hiện đang là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, “bỏ túi” nhiều giải thưởng từ các cuộc thi học sinh giỏi. N. rưng rưng: “Hai chị em được tiếp tục đến trường làm bạn với sách vở là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của cộng đồng dành cho gia đình.

Đó là chiếc xe đạp phường tặng, là những suất học bổng, là số tiền trợ cấp mỗi tháng, là sự bảo trợ của doanh nghiệp cho em M., là căn nhà được dựng mới sau giải tỏa nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương”.

Cũng như hai chị em N., chuyện học hành của em B.K.T (SN 2008, ngụ phường Khuê Mỹ) trong những năm qua được tiếp sức rất lớn từ tấm lòng sẻ chia của cộng đồng. Khi T. còn trong bụng mẹ, cha của em đã bỏ đi sau lần siêu âm phát hiện em bị dị tật. T. chào đời không bao lâu thì mẹ của em mất vì bệnh nặng.

Tuổi thơ của em cứ thế lớn lên cùng căn bệnh vẹo cột sống và tình thương của bà ngoại nay đã ngoài 70. Những tưởng với thể chất yếu ớt và điều kiện vật chất thiếu thốn đủ bề, T. sẽ đứng bên lề con đường học vấn. Thế nhưng, với mong muốn mọi trẻ em đều được làm bạn với con chữ, UBND phường Khuê Mỹ đã luôn quan tâm, sẻ chia và chắp cánh ước mơ đến trường của cậu học trò nghèo, từ việc giới thiệu các chương trình phục hồi chức năng cho bé đến hỗ trợ học bổng, trợ cấp hằng tháng… Hiện tại, T. đang là học sinh lớp 3 của Trường tiểu học Trần Quang Diệu.

Trong khi đó, cách đây một năm, em T.T.T.Nh (SN 2001, ngụ phường Khuê Mỹ) từng có ý định bỏ học sau cú sốc cha mẹ lần lượt qua đời. Nắm bắt kịp thời tình hình của em Nh., các cán bộ UBND phường Khuê Mỹ đã luân phiên nhau thường xuyên đến chơi, trò chuyện với em. Nhờ vậy, từ một cô bé trầm tính, ít nói, Nh. dần mở lòng và mạnh mẽ đứng dậy, quyết định trở lại trường, chuẩn bị hành trang cho tương lai.

Không để học sinh bỏ học vì nghèo

Ông Phạm Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn, chia sẻ: “Là một quận xuất phát điểm thấp cả về kinh tế lẫn mặt bằng dân trí, từ năm 2001 đến năm 2010, học sinh các cấp trên địa bàn quận bỏ học nửa chừng rất nhiều, không chỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà còn do các em học yếu nên nản lòng”.

Trước tình hình đó, quận Ngũ Hành Sơn phát động phong trào “Tiếp sức học sinh đến trường” với quyết tâm không để học sinh nghèo bỏ học. Sau nhiều lần mời phụ huynh và các em học sinh lên gặp mặt, nói chuyện nhưng các em vẫn không chịu đến trường, lãnh đạo địa phương đã quyết định mở lớp dạy phụ đạo tại các khu dân cư, cử giáo viên đến tận nơi để dạy kèm.

Từ đó, dần dần xóa bỏ mặc cảm trong lòng các em và từng bước đưa các em đến trường theo quy định. Song song đó, đối với các em học sinh con hộ nghèo, con mồ côi, quận hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Đối với giáo viên, quận bồi dưỡng chế độ đứng lớp và có khen thưởng khi giáo dục các em tiến bộ.

Với các em học sinh không đỗ vào lớp 10 trường công lập, quận và các địa phương tổ chức gặp mặt động viên, định hướng vận động các em vào học tại các trường tư thục và Trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc học nghề…

Ông nhận định: “Chính những giải pháp căn cơ và thiết thực này đã góp phần giúp các em học sinh yếu vươn lên học tốt, các em con gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được cắp sách đến trường. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi tăng lên hằng năm, mặt bằng chất lượng cũng từng bước được thu hẹp giữa các trường và các địa phương trong quận. Đặc biệt, đến nay không còn học sinh bỏ học nửa chừng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn như những năm trước”.

Trong 18 năm qua, Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố nhận bảo trợ dài hạn cho 6.704 lượt học sinh con hộ nghèo vượt khó và 1.115 lượt học sinh mồ côi với số tiền 5,58 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho hàng trăm em học sinh có điều kiện cắp sách đến trường, nhiều học sinh vượt khó vươn lên học giỏi, nhiều gia đình có học sinh được bảo trợ đã cơ bản thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: NAM BÌNH

.