Theo khảo sát của Quỹ Fred Hollows, ước tính tại Đà Nẵng có gần 30.000 trẻ em từ 6 – 15 tuổi bị suy giảm thị lực do cận thị.
Nhiều trẻ em bị cận thị do đọc sách trong điều kiện ánh sáng không bảo đảm. |
Gần 30.000 trẻ em cận thị
Cô Ngô Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu) cho biết, ước tính khoảng hơn 50% học sinh trong trường bị cận thị. “Bệnh cận thị ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Những em bị cận thường được nhà trường bố trí ngồi ở hàng trên để thấy rõ bài trên bảng”, cô Lệ cho biết.
Em Võ Đông H. (lớp 5/2 trường này) cho hay: “Bị cận nên em cũng gặp hạn chế trong tham gia các trò chơi cùng bạn vào giờ ra chơi, nhất là những trò vận động mạnh. Nhiều lúc em chép bài trên bảng cũng bị nhầm”.
Tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (quận Thanh Khê), số học sinh bị bệnh cận thị chiếm khoảng hơn 30%. Thầy Tống Xuân Đa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều em bị cận từ nhỏ và cận nặng. Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nhắc nhở học sinh cách chăm sóc mắt, chỉnh sửa tư thế ngồi phù hợp.
Theo khảo sát của Quỹ Fred Hollows (tổ chức phi chính phủ, hoạt động nhân đạo phi lợi nhuận) tại Việt Nam, ước tính nước ta có gần 2,5 triệu trẻ em trong độ tuổi 0-14 bị suy giảm thị lực và 1,7 triệu trẻ em chưa bao giờ được điều trị tật khúc xạ hoặc mang kính. Trong đó, riêng tại thành phố Đà Nẵng, ước tính gần 30.000 trẻ em từ 6-15 tuổi bị suy giảm thị lực do cận thị.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, bệnh nhân bị cận thị đến khám khá đông, chủ yếu là học sinh cấp 2 do ngồi sai tư thế, đọc trong điều kiện không đủ ánh sáng, xem ti-vi, chơi trò chơi trên điện thoại di động…
Bệnh cận thị có thể gây bất tiện trong sinh hoạt và về lâu dài sẽ ảnh hưởng sự phát triển trí tuệ, thể lực, sinh hoạt hằng ngày và sự lựa chọn nghề nghiệp của người bị cận. Bệnh cận thị nặng có thể kèm theo các biến chứng như: lác, rách võng mạc, bong võng mạc, bong dịch kính… dẫn đến mù lòa.
Tuy nhiên, bệnh cận thị hoàn toàn có thể phòng được nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để giúp các em ngay từ sớm.
Cần chăm sóc mắt cho trẻ từ sớm
Ông Phạm Quốc Ánh, Giám đốc quốc gia Quỹ Fred Hollows tại Việt Nam cho biết, mù lòa và suy giảm thị lực là vấn đề y tế công cộng quan trọng ở Việt Nam. Tật khúc xạ không được chỉnh kính là nguyên nhân hàng đầu trên toàn cầu gây suy giảm thị lực và là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây mù lòa, sau đục thủy tinh thể. Bởi vậy, theo ông Ánh, cần thiết phải có các can thiệp sớm mới có thể giúp cải thiện sức khỏe mắt cho các em.
“Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng triển khai dự án “Chăm sóc mắt học đường’’ tại tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn 4 quận: Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn với mong muốn giúp các em có đôi mắt sáng, hạn chế tỷ lệ học sinh bị cận thị”, ông Ánh nói.
Dự kiến, qua dự án này sẽ có 3.300 giáo viên và 168 nhân viên y tế trường học và cán bộ Đoàn, Đội được tập huấn về chăm sóc mắt trẻ em và kiểm tra thị lực đơn giản; 7.560 học sinh nghèo bị tật khúc xạ được cấp kính miễn phí thông qua khám sàng lọc các bệnh về mắt tại trường; 300 học sinh nghèo được hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng về mắt.
Ngoài ra, hơn 6.400 lượt cha mẹ học sinh được truyền thông về chăm sóc mắt và có 90.000 sổ khám bệnh cho học sinh nhằm theo dõi các vấn đề chăm sóc sức khỏe bao gồm chăm sóc mắt.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, bên cạnh phối hợp cùng các tổ chức thực hiện chăm sóc mắt miễn phí cho học sinh, việc đầu tư cơ sở vật chất như: bàn ghế, bóng đèn, trang thiết bị dạy học đúng chuẩn cũng được Sở trang bị để hạn chế thấp nhất các bệnh học đường, trong đó có bệnh cận thị.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ