Nhiều phòng học bộ môn chưa đạt chuẩn

.

Nhiều phòng học bộ môn (PHBM) chưa đáp ứng yêu cầu dạy học; nhiều trường học quá tải, xuống cấp; trình độ ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế… là những bất cập được nêu tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương vào chiều 1-11.

Năm học 2017-2018, trên địa bàn thành phố, cấp THCS có 57 trường, trong đó có 3 trường ngoài công lập; cấp THPT có 27 trường, trong đó có 6 trường ngoài công lập. Toàn ngành hiện có 438 PHBM nhưng đến nay chỉ có 204 PHBM đạt chuẩn.  

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu.

11 tỷ đồng đầu tư phòng học bộ môn năm 2018

Theo ông Nguyễn Quang Quân, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), PHBM cùng thiết bị dạy học là điều kiện quan trọng trong quá trình dạy học, vừa là nội dung, vừa là phương tiện chuyển tải thông tin, giúp giáo viên tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh, hình thành phương pháp học tập chủ động tích cực, sáng tạo.

Việc đầu tư kinh phí cho các trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các trường THPT. Thực tế hiện nay, kinh phí ở các trường ít nên việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học chậm. Hiệu trưởng nhà trường vẫn bị động trong công tác thiết kế, xây dựng PHBM.

Mặt khác, do số lượng lớp ở một số trường lớn, PHBM ít, không thể chia thời khóa biểu nên một số tiết học thí nghiệm thực hành, thí nghiệm chứng minh chưa được giáo viên thực hiện đầy đủ tại PHBM. “Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực trong việc tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Tuy nhiên, đối chiếu với những điều kiện tối thiểu để bảo đảm chất lượng, cơ sở vật chất ở nhiều trường vẫn rất thiếu thốn, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn”, ông Quân nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, xây dựng hệ thống PHBM đạt chuẩn đủ về số lượng cho mỗi trường trung học và có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại là điều cần thiết. Các trường cần đầu tư trang bị đầy đủ trang thiết bị tối thiểu và trang thiết bị thực hành, thí nghiệm cho các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ứng dụng cảm biến để bước đầu làm quen với công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo của cách mạng công nghiệp 4.0...

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đồng ý trong năm 2018 đầu tư mỗi PHBM Lý, Hóa, Sinh 1 bộ cảm biến ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả trường THPT và THCS, với số tiền 11 tỷ đồng.

Nhiều trường cần được đầu tư trang thiết bị để bảo đảm việc dạy và học đạt hiệu quả.  Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu (ảnh chụp chiều 1-11-2017) Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Nhiều trường cần được đầu tư trang thiết bị để bảo đảm việc dạy và học đạt hiệu quả. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu (ảnh chụp chiều 1-11-2017) Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Đầu tư cho vùng xa

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, hằng năm, địa phương tăng thêm khoảng 500 học sinh ở bậc học tiểu học và THCS. “Phần lớn các trường tiểu học hiện nay vượt quá số lượng học sinh/lớp và số lớp/trường. Nếu xây dựng lại trường chuẩn thì quận Liên Chiểu gần như bỏ hết chuẩn vì tỷ lệ học sinh/lớp quá nhiều. Bức thiết nhất hiện nay là cần thêm 1 trường tiểu học để giảm tải. Ngoài ra, nhiều trường đơn cử như Trường tiểu học Triệu Thị Trinh có cơ sơ vật chất xuống cấp và mỗi khi mùa mưa, các em và cô giáo phải lội nước rất vất vả”, bà Hoa nói.

Còn ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn đề cập những khó khăn trong việc học ngoại ngữ của học sinh trên địa bàn. “Xã hội hóa thì chủ yếu ở các quận trung tâm, chứ như ở phường Hòa Quý, Hòa Hải lấy tiền đâu mà thuê giáo viên bản địa, trong khi quận Ngũ Hành Sơn lại là nơi đón nhiều khách du lịch”, ông Hòa nói.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cho biết, so với mặt bằng chung của thành phố, trình độ tiếng Anh của học sinh trên địa bàn huyện còn thấp. Nguyên nhân do các em không có điều kiện để đến trung tâm nhiều. Trong khi đó, chưa có trung tâm Anh ngữ trên địa bàn có người nước ngoài dạy. Ngoài ra, theo bà Trang, mức thu học phí của huyện Hòa Vang thấp hơn nhiều so với các địa phương khác và huyện có nhiều điểm trường nên việc trang bị trang thiết bị dạy học còn khó khăn.

Về vấn đề này, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho rằng, xây dựng thành phố du lịch thì phải có khoảng 60% người dân thạo tiếng Anh và rất cần thế hệ trẻ thông thạo ngoại ngữ để hội nhập thế giới, đồng thời cần tạo điều kiện để các em được chơi thể thao. “Học sinh của mình yếu về thể chất. Các em phải khỏe thì mới học tốt được. Nhân tài đâu phải chỉ có học không thôi. Những ngôi sao thể thao cũng phải được phát hiện từ học sinh mà ra. Vì vậy, cần đầu tư, tạo điều kiện để các em được chơi thể thao, có nơi chạy nhảy, vui đùa. Phải chú trọng đầu tư cho giáo dục vùng sâu vùng xa, nhất là nơi những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Ngày 1-11, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trực tiếp kiểm tra thực tế và nghe báo cáo công tác chuẩn bị đầu tư theo Đề án điều chỉnh, bổ sung trang thiết bị phòng học bộ môn đạt chuẩn đến năm 2020. Sau khi kiểm tra, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã họp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan để nghe báo cáo tổng thể tình hình thực hiện Đề án điều chỉnh, bổ sung trang thiết bị phòng học bộ môn đạt chuẩn đến năm 2020, đề án dạy học ngoại ngữ, đề án sữa học đường....; qua đó đồng ý cho ngành giáo dục triển khai các đề án này trong thời gian đến.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.