Không chỉ được định danh là “Quốc gia khởi nghiệp”, Israel còn được biết đến như là một đất nước có sự đầu tư rất tốt cho các dịch vụ an sinh xã hội, nhất là cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ tự kỷ, trẻ có khó khăn về giao tiếp, trẻ chậm nói, trẻ khuyết tật vận động nặng... Hãy cùng tìm hiểu xem Israel đã làm những gì cho những “chủ nhân tương lai đặc biệt” của đất nước mình.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Thuận – Cán bộ chương trình cao cấp công tác tại Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) và chị Đinh Nguyễn Trang Thu - Tổ trưởng bộ môn Thực hành Giáo dục đặc biệt, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội đã đến Israel tham gia khóa đào tạo “Giáo dục sớm cho trẻ có nhu cầu đặc biệt” theo chương trình học bổng ngắn hạn do Bộ Ngoại giao Israel cấp.
Trong gần một tháng theo học tại Trung tâm đào tạo quốc tế MCTC (Israel), hai cán bộ người Việt đã có cơ hội tìm hiểu sâu về hệ thống dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, được đi thực tế đến các cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, và ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe về một quốc gia luôn đặt những ưu tiên cao nhất cho giáo dục, nhất là giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Không chỉ được định danh là “Quốc gia khởi nghiệp”, Israel còn được biết đến như là một đất nước có sự đầu tư rất tốt cho các dịch vụ an sinh xã hội, nhất là cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: trẻ tự kỷ, trẻ có khó khăn về giao tiếp, trẻ chậm nói, trẻ khuyết tật vận động nặng... Hãy cùng tìm hiểu xem Israel đã làm những gì cho những “chủ nhân tương lai đặc biệt” của đất nước mình.
Một trung tâm điều trị và phục hồi chức năng dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Israel. |
1. Trẻ em được kiểm tra, chẩn đoán toàn diện ngay khi vừa mới lọt lòng
Đây là điều bắt buộc nhằm kiểm tra sức khỏe của mọi trẻ ngay sau khi vừa được sinh ra. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường, em bé sẽ được theo dõi sát sao, được thực hiện các bài kiểm tra chuyên sâu định kỳ, và nếu được xác định cần được chăm sóc đặc biệt thì trẻ đó sẽ được đưa vào danh sách để được hưởng các ưu tiên theo quy định.
Toàn bộ quy trình này được thực hiện một cách tự động trên toàn hệ thống liên thông các cơ sở chăm sóc sức khỏe công lập, và được quản lý chặt chẻ bởi các cơ quan chuyên môn như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục... Việc chẩn đoán, khám sức khỏe, lập hồ sơ trẻ, và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sau đó là hoàn toàn miễn phí cho trẻ và gia đình.
Trẻ sơ sinh được kiểm tra sức khỏe ngay sau khi chào đời để xác định sớm các nguy cơ khuyết tật của trẻ. |
2. Trẻ có nhu cầu chăm sóc đặc biệt được phát Ipad miễn phí
Các trung tâm, cơ sở, trường nuôi dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt được chính phủ đầu tư ngân ngân sách để cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ đầy đủ cho mỗi trẻ.
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc chăm sóc, dạy, và học được đặc biệt quan tâm. Tất cả trẻ ở đây đều được cấp phát Ipad miễn phí nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học ở cả nhà trường và tại gia đình.
Ipad với các ứng dụng được thiết kế riêng nhằm hỗ trợ cho các em bị hạn chế về giao tiếp. |
Sau giờ học ở lớp, các em được phép mang Ipad về nhà để được học và chơi cùng bố mẹ, anh chị em. Phụ huynh được tập huấn cách sử dụng Ipad để hướng dẫn cho con em mình tại nhà. Các công ty CNTT được khuyến khích và trao những ưu đãi đặc biệt để phát triển các ứng dụng và phần mềm giáo dục trong lĩnh vực này.
3. Nhiều chính sách ưu tiên dành cho phụ huynh có trẻ khuyết tật
Theo luật, phụ huynh được phép nghỉ làm việc một ngày trong tuần mà vẫn được hưởng lương để đến trường hoặc trung tâm nơi con mình đang được chăm sóc và nuôi dưỡng.
Tại đây, bố mẹ được vui chơi, học, và tham gia các hoạt động cùng con. Các giáo viên cũng hướng dẫn các kỷ năng chăm sóc trẻ cho phụ huynh thông qua các buổi sinh hoạt, trao đổi, chia sẻ ngay trong lớp học.
Một ông bố thường xuyên đến trung tâm nơi con trai mình là trẻ tự kỷ đang theo học để làm tình nguyện. Ông tin rằng, lớn lên con mình sẽ trở thành một CEO tầm cỡ thế giới. |
Ngoài việc trẻ được hưởng mọi quyền lợi về dịch vụ chăm sóc, giáo dục hoàn toàn miễn phí, các gia đình có trẻ thuộc đối tượng này còn được chính phủ cấp thêm ít nhất 2.500 Shekel/trẻ/tháng (tương đương khoảng 17 triệu VND/trẻ/tháng). Số tiền này còn có thể cao hơn tùy theo mức độ khuyết tật của trẻ, và được chi cho các hoạt động hỗ trợ thêm cho trẻ tại nhà.
4. Giáo viên làm việc trong lĩnh vực này là những chuyên gia giáo dục thật sự
Để có thể làm việc trong các trung tâm, cơ sở, trường dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt ở Israel, giáo viên và các chuyên viên trị liệu cần tốt nghiệp cử nhân giáo dục và hoàn thành chương trình sau đại học chuyên ngành Giáo dục trẻ sớm hoặc Phát triển trẻ em.
90% giáo viên và chuyên viên trị liệu công tác trong lĩnh vực này ở Israel có bằng thạc sỹ. Họ cũng phải học và đào tạo chuyên môn liên tục và thường xuyên trong suốt thời gian làm việc.
Chuyên viên trị liệu đang tương tác với các em bằng trò chơi và hoạt động âm nhạc. |
Thu nhập (lương, phúc lợi) của các giáo viên, chuyên viên trị liệu ở đây thường cao hơn các giáo viên khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực này đều tham gia làm tình nguyện hoặc giáo viên hỗ trợ trong các trường, cơ sở giáo dục dành cho trẻ khuyết tật, trẻ có nhu cầu đặc biệt để học hỏi kinh nghiệm thực tế.
5. Những chiếc taxi đặc biệt ở Israel
Thông thường, trẻ khuyết tật hoặc trẻ có nhu cầu đặc biệt được nuôi dạy trong các trường, cơ sở, trung tâm suốt cả tuần.
Để phụ huynh không phải bận tâm đến việc đưa đón các con, nhà trường đã thuê một loại hình dịch vụ taxi đặc biệt nhằm giúp việc di chuyển của các trẻ được an toàn và thuận tiện hơn. Những chiếc xe này được trang bị các thiết bị chuyên dụng, có nhân viên chuyên môn đi kèm.
Tài xế lái các loại xe này được kiểm tra lý lịch chặt chẽ, được đào tạo kỹ năng cần thiết để có thể hỗ trợ các em khi cần ngay trên đường.
Chính phủ Israel cho rằng, các phụ huynh đã phải làm việc và lao động để đóng thuế cho nhà nước nên chính phủ phải có trách nhiệm lo lắng việc đưa đón các em nhỏ thay cho bố mẹ các em. Dịch vụ này hoàn toàn miễn phí với phụ huynh và do chính phủ chi trả.
Những chiếc taxi đặc biệt này luôn sẵng sàng đưa đón các em từ trung tâm trở về nhà và ngược lại. |
6. Trẻ có nhu cầu đặc biệt được chăm sóc một cách đặc biệt
Mỗi lớp học dành cho trẻ khuyết tật nặng chỉ có khoảng 05 đến 06 em nhỏ với 01 giáo viên chính và ít nhất 02 giáo viên hỗ trợ. Chương trình giáo dục và trị liệu được cá nhân hóa dựa trên điều kiện sức khỏe và khả năng cụ thể của từng em.
Một lớp học dành cho trẻ khuyết tật nặng. 05 giáo viên chăm sóc và dạy cho 06 em bé bị khuyết tật. |
Một em bé có thể có nhiều giáo viên đặc biệt chăm sóc, như: bảo mẫu, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, trị liệu vận động, trị liệu tâm lý, trị liệu âm nhạc, cán bộ công tác xã hội, vv...
Mô hình giáo dục hòa nhập cũng được chú trọng, ở đó, trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật được học, được chơi cùng nhau. Các em được tham gia học tập, phát triển thông qua các hoạt động đa dạng được tổ chức trong lớp học.
Một lớp học hòa nhập nơi trẻ khuyết tật và trẻ không khuyết tật được học cùng nhau. |
7. Cả cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt
Các chương trình chăm sóc, giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt luôn được hướng tới cộng đồng và được thực hiện dựa vào cộng đồng.
Các cha mẹ và gia đình luôn được khuyến khích tham gia vào các hoạt động của trẻ ở trường lớp, từ việc cùng tham gia thiết kế các vườn cây nhỏ ở trường, cùng giúp trẻ xây dựng một sản phầm nào đó…
Vườn hoa nhỏ này là sản phẩm của cả phụ huynh lẫn các em bé khuyết tật cùng thực hiện trong khuôn viên trường. |
Nhà vệ sinh được thiết kế dành riêng cho trẻ khuyết tật. |
Những cá nhân có nhiều đóng góp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt được ghi nhận trang trọng trên tấm thảm lớn treo trên tường. |
Theo Dân trí