Phương án tuyển sinh năm 2018: Nhiều yêu cầu khắt khe

.

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh 2018. So với quy định hiện hành, dự thảo mới có nhiều thay đổi rất đáng chú ý; trong đó có những yêu cầu khắt khe hơn về tuyển sinh như: siết chặt tuyển sinh sư phạm, các trường phải công bố dữ liệu về sinh viên (SV) có việc làm.

Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018 do Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018 do Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

“Siết” đào tạo sư phạm

Dự thảo quy định từ năm 2018, các trường sư phạm sẽ có điểm sàn riêng và điều kiện xét tuyển khắt khe hơn so với các ngành học khác. Chẳng hạn như xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trong các bài thi khi xét tuyển, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.

Thực tế thời gian qua, các địa phương đều “đua nhau” mở trường đào tạo sư phạm từ cao đẳng (CĐ) đến đại học (ĐH) nhưng chưa quan tâm đến năng khiếu, nghiệp vụ sư phạm. Có nhiều trường không chuyên về sư phạm vẫn đào tạo sư phạm...

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp (TC) có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường ĐH sư phạm, 33 trường CĐ sư phạm và 2 trường TC sư phạm. Như vậy, có tới 44 trường ĐH, 24 trường CĐ, 38 trường TC không phải là trường sư phạm nhưng đang đào tạo ngành sư phạm.

TS Lê Thanh Huy, Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, những quy định mới này là thực sự cần thiết để nâng cao chất lượng đầu vào của SV sư phạm và bản thân các trường cũng phải nỗ lực nhiều hơn nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

“Trường chúng tôi là trường trọng điểm với bề dày truyền thống về đào tạo. Nhà trường luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và hỗ trợ các em tìm việc sau khi ra trường ”, TS Lê Thanh Huy nói. Tuy nhiên, theo TS Lê Thanh Huy, cần có chính sách khuyến khích học sinh giỏi sau khi theo học ngành sư phạm.

Việc miễn học phí thực tế vẫn chưa khuyến khích được học sinh theo ngành này mà cần có thêm chính sách hỗ trợ học bổng, bố trí việc làm sau khi ra trường, nâng cao mức sống cho giáo viên. Trong bối cảnh hội nhập, việc đào tạo theo hướng chất lượng cao bằng tiếng Anh cũng phải được các trường sư phạm quan tâm để giáo viên có thể gia nhập thị trường lao động của thế giới.

Không được tuyển nếu không công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm

Dự thảo cũng quy định, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT dự kiến cho các trường thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Điều đáng lưu ý, Bộ yêu cầu các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải có đủ thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng như: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo. Đặc biệt, các trường sẽ phải khảo sát và công bố tỷ lệ SV chính quy hai khóa gần nhất có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp theo khối ngành. Nếu trường nào không công khai đầy đủ thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh.

PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho biết, việc khảo sát dữ liệu việc làm đã được nhà trường thực hiện trong những năm gần đây. Đơn cử như năm 2017, trường có 96,7% SV ra trường có việc làm sau 6 tháng.

Ngoài ra, dữ liệu về SV có việc làm còn được nhà trường đăng tải thường xuyên trên trang web của Phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng tại địa chỉ http://due.udn.vn/vi-vn/phong/khaothi/khaothids/cid/1814. Bên cạnh đó, phương án tuyển sinh của nhà trường cũng được công bố rộng rãi trên trang web http://due.udn.vn/tuvantuyensinh2018 để phụ huynh, học sinh nắm rõ và làm căn cứ để đăng ký nguyện vọng.

Còn ở Trường ĐH Sư phạm, nhà trường đã giao về cho các khoa để tổ chức khảo sát, điều tra số lượng SV có việc làm sau khi ra trường và con số này chiếm khoảng 70%.

Theo TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Đà Nẵng, việc yêu cầu các trường công bố tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp là thực sự cần thiết để các trường phải nỗ lực nhiều hơn không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trong hỗ trợ người học tìm việc. Điều này cũng giúp các trường nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cập nhật nội dung chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao tỷ lệ SV có việc làm.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.
.