Ngày 10-5, hơn 11.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn Đà Nẵng bước vào kỳ thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức với hai bộ môn Văn và Toán. Đa số học sinh cho biết đề thi có độ phân hóa cao và yêu cầu kiến thức rộng.
Học sinh Trường THPT Trần Phú làm bài thi sáng ngày 10-5 và ít em ra khỏi phòng thi trước giờ nộp bài. |
Tại điểm thi Trường THPT Phan Châu Trinh, hầu hết học sinh đều cho biết làm bài được khoảng 60-70%. Em Văn Như Hảo (lớp 12/6) chia sẻ, mặc dù ôn tập nhiều và đăng ký thi khối tự nhiên nhưng môn Toán em chỉ làm được khoảng 70%.
“Còn 15 câu cuối trong đề thi môn Toán em chưa làm được. Đợt tập dượt này thực sự có ý nghĩa đối với em để tự lượng sức mình. Qua đây em biết được mình còn hổng kiến thức chỗ nào để tiếp tục ôn tập”, Hảo nói.
Còn em Huỳnh Ngọc Quyên (lớp 12/5) cho biết, dù em đăng ký xét tuyển khối D nhưng đề môn Văn cũng không làm trọn vẹn. “Năm nay đề ra cả nội dung chương trình 11. Vì biên độ rộng nên tụi em cũng tích cực ôn tập nhưng khó bao quát hết được. Qua lần thi thử này, em sẽ ôn tập thêm những phần còn thiếu để có thể làm bài tốt hơn trong kỳ thi tốt nghiệp sắp đến”, Quyên nói.
Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, nhiều học sinh cho biết đề thi thử hơi khó. Rất ít học sinh ra khỏi phòng thi trước giờ nộp bài. Em Nguyễn Đức Nam (lớp 12/1) cho biết, 30 câu đầu vừa sức, 20 câu sau có độ khó cao và những học sinh ôn tập kỹ mới có thể làm được, trong đó chương trình lớp 11 chiếm khoảng 20% đề thi.
“Môn Toán không có những câu liên hệ thực tế nên chưa phong phú. Đề thi Văn có câu liên hệ với tâm trạng nhân vật Liên trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam nằm trong chương trình lớp 11 nên tụi em cũng bỡ ngỡ, bởi nhiều bạn chưa ôn tập kỹ phần này”, Nam nói.
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết đề thi thử hơi khó do biên độ rộng. Ảnh: P.TRÀ |
Đề thi môn Văn gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm) và phần làm văn (7 điểm), hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Trong phần làm văn, có câu nghị luận xã hội (2 điểm).
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Văn, Trường THPT Trần Phú, đề hay và sát chương trình, đồng thời không có câu hỏi đánh đố.
“Nội dung nghị luận xã hội gần gũi với học sinh. Phần nghị luận văn học có tích hợp, liên hệ với chương trình lớp 11 nên nhiều học sinh lúng túng. Tuy nhiên, đối với học sinh chỉ lấy điểm Văn xét tốt nghiệp thì vẫn có thể đủ điểm đậu nếu làm tốt phần đọc hiểu, nghị luận xã hội và một phần nghị luận văn học”, thầy Hòa nhận định.
Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết, kỳ thi thử lần này là đợt tập duyệt cuối cùng trước thềm kỳ thi THPT quốc gia chính thức không chỉ cho học sinh mà còn cho cán bộ, giáo viên.
“Kỳ thi thử lần này được tổ chức với quy mô, trình tự và cách thức tổ chức như kỳ thi chính thức và sử dụng mẫu phiếu, chương trình chấm do Bộ GD-ĐT cung cấp. Chúng tôi muốn học sinh làm quen với cách thức thi, cách làm bài thi, độ khó của đề thi.
Nội dung đề thi bao gồm kiến thức của chương trình lớp 12 và có cả lớp 11 nên tất nhiên sẽ khó hơn vì biên độ rộng hơn”, ông Vĩnh nói. Sau khi thi, Sở sẽ tiến hành chấm bài và gửi thông tin đến các trường để từ đó các em có thể rút kinh nghiệm làm bài thi tốt nghiệp tốt hơn.
Trong 3 ngày từ ngày 10 đến 12-5, học sinh thi thử 5 bài thi, trong đó 3 bài thi độc lập là: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với hệ giáo dục phổ thông; các môn Lịch sử, Địa lý đối với hệ giáo dục thường xuyên. Riêng bài Ngữ văn thi tự luận, các bài còn lại thi trắc nghiệm.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Đà Nẵng có hơn 11.200 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có 9.100 hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, hơn 1.300 hồ sơ chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp THPT và hơn 800 hồ sơ đăng ký dự thi để xét tuyển đại học. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ