Chỉ còn hơn một năm nữa là chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới được triển khai. Thành phố Đà Nẵng đã và đang chuẩn bị như thế nào để triển khai hiệu quả nhất chương trình này?
Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Vĩnh (ảnh), Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố khẳng định, có nhiều việc ngành cần làm ngay như: tập huấn cho đội ngũ giáo viên, rà soát đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu mới.
Giáo viên cần phải được tập huấn kỹ để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình học. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu). |
* Để triển khai hiệu quả chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục thành phố đã có những lộ trình chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Chương trình dự kiến được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học; từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc THCS và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc THPT. Như vậy, chỉ còn hơn 1 năm nữa là thực hiện và có nhiều việc cần làm ngay.
Trước mắt, Đà Nẵng thành lập ban chỉ đạo toàn ngành, lên kế hoạch tổng thể trong giai đoạn từ nay đến năm 2023 về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, kế hoạch bồi dưỡng. Chúng tôi gửi toàn bộ chương trình tổng thể, chương trình từng phân môn đến các trường để phổ biến thông tin đến từng tổ bộ môn và giáo viên. Nhờ đó, các thầy cô có dịp tiếp cận các chương trình mang tính khung, cụ thể của từng môn.
Trong hè này, ở khối lớp 1, chúng tôi tổ chức các buổi trao đổi có tính chất chuyên đề các bộ môn để giáo viên nắm và hình dung cấu trúc trong SGK sẽ triển khai dạy trong năm học 2019-2020. Đồng thời, các chương trình, phương pháp phục vụ cho đổi mới như: Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, phương pháp bàn tay nặn bột… cũng được tiếp tục triển khai.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được coi là các hoạt động trọng yếu.
Chúng tôi đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục. Tiến hành tổng rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan.
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, trước tháng 8 năm nay, Bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu cho các bậc học. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND thành phố có các quyết định về mua sắm trang thiết bị cho năm học 2019-2020.
Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia là những người soạn SGK ở các phân môn và tổng chủ biên chương trình SGK là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về Đà Nẵng để trao đổi với các bộ quản lý các sở, phòng, trường và giáo viên ở các phân môn để các thầy cô có thể tiếp cận, trao đổi những vướng mắc và vững tin khi dạy chương trình mới.
* Ngành giáo dục thành phố đang có những điều kiện thuận lợi như thế nào? Liệu đội ngũ giáo viên có đáp ứng được yêu cầu đổi mới?
Thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi hơn so với các tỉnh, thành khác khi triển khai chương trình SGK mới. Đó là quy mô dân số của thành phố không quá lớn, chỉ khoảng trên dưới 1 triệu dân, trong khi như tỉnh Thanh Hóa hơn 3 triệu dân, Thủ đô Hà Nội hơn 7 triệu dân… Áp lực về trường lớp ở các địa phương này lớn hơn chúng ta.
Không những thế, ở Đà Nẵng, các trường ngoài công lập phát triển khá mạnh, làm giảm áp lực lên hệ thống trường công. Việc nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường được thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua. Đây là điều kiện thuận lợi nhất để chúng ta thực hiện chương trình SGK mới.
Chúng tôi cũng ý thức rằng, khi mua bổ sung cơ sở vật chất mới thì không phải mua toàn bộ mà có tính kế thừa, cái gì còn đáp ứng được thì giữ lại. Thành phố Đà Nẵng cũng có thuận lợi là được sự quan tâm của lãnh đạo, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể. Các cán bộ, giáo viên cũng đã có nhận thức đúng về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới; nắm được lộ trình đổi mới chương trình, SGK.
Áp dụng chương trình mới là thay đổi một cách toàn diện, từ việc truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh, nhằm phát huy hết tiềm năng của các em. Bởi vậy, khi triển khai chương trình mới sẽ gặp tâm lý ngại đổi mới của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là bộ phận giáo viên lớn tuổi. Đó là thực tế. Khi triển khai chương trình mới, chắc chắn sẽ có sự thừa - thiếu giáo viên ở một số bộ môn nhưng chúng tôi sẽ điều chỉnh, phân bổ cho phù hợp.
* Ngành giáo dục thành phố sẽ có những giải pháp gì để khắc phục những điều nói trên?
Thời gian qua vẫn còn phản ứng của một số giáo viên và chuyên gia về chương trình mới này. Bởi vậy, thành phố Đà Nẵng chỉ thực hiện sau khi đã mời các chuyên gia, chủ biên của các bộ sách liên quan tập huấn kỹ cho giáo viên.
Ngành cũng sẽ lựa chọn những giáo viên nhanh nhạy, có năng lực tốt để nhập cuộc dạy chương trình khối lớp 1 nhằm tạo nên quán tính thành công ban đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông để tạo sự cộng hưởng chung giữa nhà trường-gia đình và xã hội.
* Xin cảm ơn ông.
* Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu: Giáo viên là một trong những yếu tố quyết định Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm hay nhưng việc tập huấn cho giáo viên phải rất kỹ, bởi giáo viên là đối tượng quan trọng trực tiếp quyết định thành bại của việc này. Việc tập huấn cũng phải linh hoạt dưới nhiều hình thức chứ không chỉ tập trung để giáo viên có điều kiện chủ động học tập. Để có người thầy dạy tích hợp nhiều môn không phải là điều dễ dàng. Người soạn sách cũng phải công bố số điện thoại, thư điện tử cá nhân để giáo viên khi cần có thể liên lạc. Ngoài ra, với sự xuất hiện nhiều môn tự chọn trong chương trình mới sẽ có thể dư thừa một lực lượng giáo viên nhưng tôi nghĩ là không nhiều và khi đó phải có sự điều tiết, tính toán cho phù hợp. * Cô Nguyễn Thị N., giáo viên Văn ở một trường THPT trên địa bàn quận Liên Chiểu: Vẫn chủ yếu những tác phẩm cũ Tôi thấy thực tế giáo viên không ngại đổi mới nhưng mong muốn phải làm sao đổi mới thực sự. Trong dự kiến chương trình mới thì môn Văn vẫn chưa nhiều tác phẩm đương đại để học sinh học và tiếp nhận tư duy mới mà vẫn quẩn quanh những tác phẩm cũ. Tất nhiên, cũng có vài tác phẩm được xem là mới nhưng chưa thực sự đột phá. Nếu các nhà biên soạn sách tập trung nhiều vào những tác phẩm hàn lâm, uyên bác thì sẽ khiến học sinh rơi vào tình trạng quá tải, nặng nề khi học. Theo tôi, SGK Ngữ văn nên được biên soạn theo hướng nghiên về phát triển tư duy, kích thích sự sáng tạo, tăng cường năng lực cảm thụ cho học trò. * Chị Nguyễn Thị Hiền, có con gái đang học lớp 2 Trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu: Phụ huynh cần phải phối hợp với nhà trường thế nào? Đọc trên báo tôi biết sẽ triển khai chương trình SGK mới vào năm học sau nên cũng khá lo lắng. Ví dụ, nếu triển khai đổi mới dạy môn Tin học thì với cơ sở vật chất hiện tại liệu có đủ cho các cháu học hay không? Việc thay đổi một chương trình học, đặc biệt là cấp tiểu học - cấp học mang tính nền tảng sẽ ảnh hưởng lớn cả quá trình học của các con. Cha mẹ cần phải phối hợp với nhà trường trong công cuộc đổi mới này như thế nào thì lại chưa thấy được đề cập nhiều. Với lần đổi mới này, lần đầu tiên thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK nên phụ huynh không khỏi lo ngại nếu sách yêu cầu năng lực học sinh quá cao hoặc ngược lại sẽ khiến các em khó đáp ứng được. KIM NGÂN ghi |
PHƯƠNG TRÀ thực hiện