Vui hè với trò chơi dân gian

.

Năm nay, lần đầu tiên ngành giáo dục Đà Nẵng phát động phong trào đưa các trò chơi dân gian vào hoạt động hè để các em có một mùa hè bổ ích, lý thú.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh chơi trò bịt mắt bắt dê tại Ngày hội văn hóa dân gian do nhà trường tổ chức.
Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh chơi trò bịt mắt bắt dê tại Ngày hội văn hóa dân gian do nhà trường tổ chức.

Những học sinh vùng xa như huyện Hòa Vang, rất thích chơi trò chơi dân gian. “Sau giờ giải lao, tụi con chơi kéo co, đổ nước vào chai và nhảy dây rất vui”, em Lê Huy Hùng, học sinh lớp 5 của Trường tiểu học Hòa Nhơn 1 nói.

Thầy Mạc Như Phúc, Tổng phụ trách Đội của nhà trường cho biết, hằng năm, nhà trường đều tổ chức trò chơi dân gian như: đổ nước vào chai, nhảy bao bố, chơi ô ăn quan, kéo co… để các em có điều kiện thi đấu, giao lưu. Mỗi khi được tham gia trò chơi, cả học sinh và giáo viên đều rất hào hứng vì các thầy cô cũng chơi cùng các em.

Tuy nhiên, thầy Phúc thừa nhận, thời gian để các em chơi không nhiều. Việc đẩy mạnh các trò chơi dân gian trong mùa hè cũng như xuyên suốt năm học thực sự cần thiết để góp phần rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe cho học sinh sau những giờ học căng thẳng.

Tuy vậy, cần chú ý việc lựa chọn trò chơi và khuyến khích các em chơi như thế nào cho nhẹ nhàng và phù hợp. Có những trò chơi như chơi cù khá nguy hiểm, nếu trật tay thì con quay có thể bắn vào mặt bạn. Giáo viên cũng phải tổ chức cho các em chơi thường xuyên mới thành thục và có thể tham gia thi đấu với lớp khác, trường khác để tạo phong trào.

Thầy Nguyễn Hồng Quang, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Diên Hồng (quận Cẩm Lệ) cho biết thêm, nhà trường thường tổ chức nhiều hoạt động tại sân trường như: đọc sách, ôn tập văn hóa cho học sinh có học lực trung bình, yếu, cắm trại và hoạt động vui chơi khác.

“Hè năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với cán bộ Đoàn địa phương đẩy mạnh tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi dân gian ngay tại sân trường bởi đây là hoạt động rất bổ ích”, thầy Quang nói.

Thực tế lâu nay nhiều trường cũng tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh tham gia nhưng không thường xuyên mà chỉ rầm rộ trong dịp lễ hội. Trong khi đó, giờ ra chơi lại giới hạn về thời gian và không gian nên học sinh chỉ quanh quẩn chơi vài trò lò cò, trốn tìm, kéo co mà chưa biết nhiều các trò chơi dân gian sôi động khác. Đây là lần đầu tiên nhiều trò chơi dân gian sẽ được phổ biến cho học sinh Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Nguyên Long, Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Con Rồng Cháu Tiên, người hướng dẫn cho giáo viên về trò chơi dân gian chia sẻ, có hơn 100 trò chơi dân gian sẽ được phổ biến đến các trường trong mùa hè này.

Tùy từng địa phương, việc triển khai trò chơi dân gian cũng khác nhau. Chẳng hạn ở huyện Hòa Vang, các trường có sân bãi, không gian rộng, thích hợp chơi các trò chơi nhảy dây, nhảy cừu... Ở các quận trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê thì phù hợp các trò chơi ô ăn quan, cờ gánh, bóng chuyền đũa, nhảy bao bố, kéo co, dung dăng dung dẻ.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Đình Vĩnh, điểm mới trong mùa hè này là ngành giáo dục thành phố sẽ đẩy mạnh phong trào đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Ở mỗi trường, tùy điều kiện cụ thể có thể lựa chọn những trò chơi thích hợp.

Tất cả mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt độ tuổi. Các cơ sở giáo dục phối hợp với hội, đoàn thể, cơ quan văn hóa địa phương hướng dẫn, tổ chức cho thanh-thiếu niên, nhi đồng chơi các trò chơi dân gian phù hợp như: rồng rắn lên mây, nhảy dây, múa sạp, kéo co, ô ăn quan, dung dăng dung dẻ, tập tầm vông, thả đỉa ba ba, cướp cờ…

“Chúng tôi muốn giúp các em rèn luyện sức khỏe, cải thiện thể chất, tinh thần đồng đội, biết nhường nhịn lẫn nhau qua mỗi trò chơi dân gian và tránh xa các trò chơi không lành mạnh khác, đồng thời góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Vĩnh chia sẻ.

Ngày 11-5, tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn trò chơi dân gian cho gần 180 cán bộ Đoàn, Hội, Đội các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Các thầy cô được cung cấp kiến thức về trò chơi dân gian và thực hành ngay tại sân trường.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.