Sẽ thay đổi việc coi, chấm thi THPT Quốc gia

.

Để đảm bảo khách quan trong kỳ thi THPT Quốc gia thì giáo viên, giảng viên sẽ không coi, chấm thi THPT ở địa phương mình nữa.

Tại cuộc tọa đàm: "Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" tổ chức tại Hà Nội sáng 13/9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu mỗi cá nhân thành viên tham gia chính thức của cụm thi, điểm thi và Hội đồng thi làm hết trách nhiệm thì chắc không có chuyện gì xảy ra, nên cần quán triệt tới từng thành viên hội đồng trong quá trình tổ chức triển khai, các thành viên làm hết trách nhiệm của mình.

Trách nhiệm đầu tiên là những cá nhân trực tiếp tham gia các điểm thi xảy ra sai phạm. Kỳ thi THPT đã giao cho Sở GD - ĐT chủ trì, UBND, ủy ban chỉ đạo các cấp của tỉnh trực tiếp tham gia, nên ban chỉ đạo của địa phương, hội đồng thi địa phương phải có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Việc chấm coi thi, chấm thi sẽ có sự thay đổi

Trước những ý kiến bày tỏ đề thi THPT Quốc gia 2018 có sự phân hóa mạnh, một số bài quá khó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD-ĐT phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi đảm bảo phong phú chất lượng, chuẩn hóa để đạt được mục đích của kỳ thi. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực và hiểu biết sâu rộng về phương pháp khảo thí, từ đó có đề xuất các phương thức tiệm cận quốc tế trong quá trình thi, kiểm tra đánh giá và đổi mới giáo dục.

Trong thời gian tới, Bộ cũng cần có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhằm phát hiện sai phạm, tiêu cực. Như trong kỳ thi vừa qua, phát hiện tiêu cực là do có sự điều chỉnh giấy niêm phong túi đựng bài thi.

Đề cập những giải pháp để khắc phục lỗ hổng trong quá trình tổ chức thi và chấm thi ở một số nơi nhằm có một kỳ thi nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, về phương thức tổ chức thi, Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại năm nay.

Để khắc phục những tồn tại của kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra. Hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về CNTT, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở để có kỳ thi chất lượng. Tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi.

Đặc biệt, để đảm bảo khách quan, chống gian lận thi cử thì chấm thi cũng có sự điều chỉnh, làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình. Trong công tác phối hợp sẽ là phối hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo Trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi.

Nên gọi là kỳ thi “2 trong 1 buổi”

Nhận định về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nhận định, kỳ thi được tổ chức theo đúng chủ trương, quy định nhưng đến lúc thực thi lại vướng phải khâu nhân sự. Chính cán bộ các phòng khảo thí của các Sở là những người tiếp tay tiêu cực và có thể nói chủ trì tiêu cực. Tuy nhiên, theo TS Quách Tuấn Ngọc, đó là những sai phạm mang tính chất điểm lẻ chứ không mang tính chất toàn xã hội. 

Các đại biểu tham dự tọa đàm
Các đại biểu tham dự tọa đàm

“Tại cuộc làm việc của Bộ GD- ĐT với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chúng tôi có đề xuất: Chúng ta nên gọi là kỳ thi “2 trong 1 buổi”. Tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ.

Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì. Chúng tôi cũng đề xuất với Ủy ban sửa luật lần này phải đắn đo câu chữ để làm sao thoát ra được việc đó. Chúng ta thấy, chủ trương thi tại địa phương là đúng, giảm áp lực, nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt lại là vấn đề cần bàn kỹ.

Về đề thi, trong tương lai, có các Trung tâm khảo thí độc lập, thi trên máy tính là chúng ta đang nói trên lý thuyết, chứ việc xây dựng một bộ đề, một thư viện đề không đơn giản. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc có một trung tâm khảo thí độc lập là khó. Nếu có một Trung tâm khảo thí độc lập với tư cách tư nhân thì độ tin cậy có đảm bảo không?

Có thể nói, những sai phạm tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa rồi mang tính kỹ thuật, chúng ta có thể khắc phục được. Cá nhân tôi ủng hộ và đi theo hướng “2 trong 1 buổi”, ông Quách Tuấn Ngọc đề xuất.

Nên có Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng độc lập

“Những sai phạm, gian lận trong việc chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 cho thấy, những lỗ hổng chính là yếu tố con người, phẩm chất và đạo đức của cán bộ. Chính vì vậy, chúng ta cần phải khắc phục những lỗ hổng này bằng việc đưa ra các quy trình chặt chẽ hơn”, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Marie Curie nhận định.

Trải qua 4 năm thực hiện phương án “2 kỳ thi trong 1” cho thấy phương thức cũng tương đối ổn, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Bởi vậy, không có lý do gì để không duy trì phương thức thi này cho đến khi có sự thay đổi chương trình phổ thông mới.

Ông Xuân Khang cũng đề xuất trong tương lai Việt Nam phải cố gắng để ra đời Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng độc lập để giám sát, đảm bảo chất lượng thi cử.

Thực ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có thể hình thành trung tâm này, tách khỏi trường để làm dịch vụ. Hay như Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng có đủ khả năng tập hợp thành lập một trung tâm có chức năng như vậy. Vấn đề là Quốc hội ban hành luật, Chính phủ có các nghị định để chính thức tạo điều kiện cho trung tâm này ra đời. 

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.