5 NĂM ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Quyết tâm cao, hướng đi đúng

.

Giáo dục đại học (GDĐH) có vai trò quan trọng trong hệ thống GD&ĐT của mỗi quốc gia. Nhân dịp sơ kết 5 năm Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa XI, ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là NQ 29) ngày 4-11-2013, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) về những thay đổi của ĐHĐN trong thời gian qua.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ (thứ hai, phải sang) trao bằng cho tân tiến sĩ đợt 2 năm 2018 tại Trường Đại học Kinh tế.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ (thứ hai, phải sang) trao bằng cho tân tiến sĩ đợt 2 năm 2018 tại Trường Đại học Kinh tế.

* Dưới góc nhìn của một nhà khoa học, quản lý, điều hành một cơ sở GDĐH, xin ông cho biết khái quát kết quả 5 năm thực hiện NQ 29 đối với GDĐH Việt Nam?

- Công tác đổi mới GDĐH được khởi động từ năm 2006, nhưng hệ thống GDĐH chỉ thực sự chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi có NQ 29. Công cuộc đổi mới GDĐH đã được Đảng và Chính phủ chuẩn bị rất kỹ. Luật GDĐH ban hành năm 2012 và những kinh nghiệm đổi mới được đúc kết đưa vào NQ 29 đã định hình lại hệ thống từ tư duy bao cấp sang chủ động, sáng tạo; từ đào tạo những gì nhà trường có sang đào tạo theo nhu cầu xã hội; từ mục tiêu truyền đạt kiến thức là chính sang phát huy năng lực của người học.

Tôi cho rằng, thành công trước hết của NQ 29 là đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và thống nhất hành động của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với sự nghiệp đổi mới GD&ĐT trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập. Nhờ có NQ 29, việc tự chủ ĐH mới thực sự đi vào cuộc sống.

Trước khi có NQ 29, cả nước triển khai thí điểm 4 trường thực hiện tự chủ nhưng trên thực tế không thêm quyền hạn gì, học phí vẫn theo mức chung như những trường khác. Từ khi có NQ 29 đến nay, đã có 23 trường ĐH thực hiện tự chủ toàn diện, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

5 năm chưa phải là chặng đường dài, song cái được thấy rõ nhất là chúng ta đã có quyết tâm cao, hướng đi đúng, thay đổi tư duy, cách làm; tập trung vào những vấn đề cốt lõi, vừa cấp bách, vừa lâu dài nên đã tạo được nền móng khá vững chắc cho giai đoạn đổi mới tiếp theo.

* Là ĐH vùng trọng điểm quốc gia, ĐH Đà Nẵng đã có những thay đổi như thế nào sau 5 năm thực hiện NQ 29, thưa ông?

- Sau 5 năm thực hiện NQ 29, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng được khối đoàn kết vững chắc, dân chủ, minh bạch và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chất lượng đào tạo được nâng cao, tiếp cận chuẩn quốc tế. ĐH Đà Nẵng luôn coi nâng cao chất lượng là yếu tố “sống còn”, là mục tiêu, động lực hướng đến chuẩn quốc tế. Đó cũng là cam kết trách nhiệm xã hội đối với người học, doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo định hướng ĐH nghiên cứu, ĐH Đà Nẵng đã có quy mô đào tạo ổn định, hợp lý (hơn 55.000 sinh viên chính quy; 5.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh; 600 lưu học sinh quốc tế), có đầy đủ các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (130 ngành bậc ĐH, 44 ngành thạc sĩ, 22 ngành tiến sĩ, trong đó có 40 chương trình tiên tiến, chất lượng cao so với 5 năm trước mới chỉ có 25 ngành thạc sĩ và 14 ngành tiến sĩ) cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

Nhờ gắn đào tạo và việc làm, nhà trường và doanh nghiệp, chất lượng đào tạo được nâng lên tiếp cận chuẩn quốc tế. Riêng năm học 2018-2019 đã có 11 chương trình đào tạo kiểm định, đạt chuẩn Đông Nam Á (AUN-QA).

Việc chuyển đổi mạnh mẽ từ đào tạo nặng về truyền đạt kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học với cách kiểm tra, đánh giá theo “chuẩn đầu ra” bám sát yêu cầu thực tiễn (chú trọng giáo dục STEM-kết hợp khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học, học từ dự án, trải nghiệm thực tế theo phương pháp CDIO...) đã tiếp cận xu hướng thế giới, sẵn sàng nhân lực chất lượng cao cho cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, tiềm lực đội ngũ, hoạt động khoa học công nghệ và cơ sở vật chất được tăng cường, phát triển mạnh mẽ. Theo đó,  ĐH Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách thu hút, bồi dưỡng (đưa toàn bộ cán bộ trẻ đi đào tạo ở các nước tiên tiến), sử dụng chung giảng viên, mời các chuyên gia, các nhà khoa học danh tiếng đến giảng dạy, hợp tác nghiên cứu...

Nhờ đó đội ngũ phát triển nhanh (hiện có gần 2.500 cán bộ, viên chức, trong đó có gần 1.500 giảng viên với 9 giáo sư, trên 100 phó giáo sư, 450 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ, đạt 32 % giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên. Riêng Trường ĐH Bách khoa đạt gần 50% - khá cao so với mức bình quân của cả nước, hằng năm tăng thêm khoảng 70 tân tiến sĩ (so với 5 năm trước khi có NQ 29, tỷ lệ giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng gần 2,2 lần; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên tăng gần 2,6 lần).

Với tiềm lực nhân sự nêu trên, ĐH Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách đẩy mạnh khoa học công nghệ gắn với lợi ích cộng đồng (riêng năm 2017, đã có gần 400 đề tài, giải pháp hữu ích và phát minh sáng chế), gia tăng công bố quốc tế (năm qua đã có hơn 650 bài báo quốc tế, trong đó 164 bài thuộc hệ thống ISI, SCOPUS, tăng 50% so với năm 2016). ĐH Đà Nẵng huy động nhiều nguồn đầu tư phát triển cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Thứ ba, ĐH Đà Nẵng đã tập trung đổi mới phương thức quản trị ĐH; phát huy sức mạnh hệ thống, gắn kết, đề cao vai trò tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội của các trường thành viên; tái cấu trúc hệ thống và sắp xếp bộ máy hiệu quả, tinh gọn (đến nay ĐH Đà Nẵng có 5 trường ĐH, 1 trường cao đẳng, 6 phân hiệu, viện, khoa và 35 trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ); hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp và mạng lưới hơn 200 trường ĐH, tổ chức quốc tế danh tiếng; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế và hợp tác thực hiện nhiều dự án nghiên cứu lớn (Eramus+, USAID...).

Tháng 10-2016, ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng đầu tiên có 100% các trường  thành viên đạt chuẩn giáo dục quốc gia. Tháng 10-2017, Trường ĐH Bách khoa là 1 trong 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn giáo dục châu Âu HCERES. Tháng 12-2017, Trường ĐH Kinh tế là trường đầu tiên thuộc ĐH vùng được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm cơ chế tự chủ ĐH...

Thứ tư là thực hiện tự chủ, phát huy tiềm năng và thế mạnh của các đơn vị thành viên để tạo sức mạnh tổng hợp của toàn ĐH Đà Nẵng. Trường ĐH Kinh tế thực hiện tự chủ toàn diện đã phát huy được lợi thế cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo. Các đơn vị thành viên khác cũng đã đổi mới quản lý và tổ chức đào tạo theo tinh thần tự chủ. Thành công lớn nhất của ĐH vùng là có cơ chế hợp thành sức mạnh chung nhưng các trường thành viên vẫn được tự chủ như các trường độc lập khác.

* Để tiếp tục thực hiện thành công NQ 29, ông có đề xuất những giải pháp trọng tâm nào cho GDĐH nói chung, ĐH Đà Nẵng nói riêng?

- Đổi mới là hành trình nhiều thử thách và cam go. Thách thức lớn nhất của chúng ta là các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập còn hạn hẹp. Tôi cho rằng, cần tập trung 4 nhóm giải pháp trọng tâm để tiếp tục đổi mới GDĐH:

Một là, tiếp tục đổi mới, tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là đối với GDĐH. Hai là, sắp xếp phân tầng và kiểm định chất lượng các trường ĐH để từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư tập trung cho một số trường trọng điểm giữ vai trò tiên phong trong đổi mới, hội nhập vươn lên vị trí cao trong các bảng xếp hạng ĐH khu vực và thế giới. Ba là, triển khai tự chủ ĐH gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội, lấy tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội làm thước đo, chìa khóa cho GDĐH. Bốn là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy khởi nghiệp để phát huy năng lực sáng tạo giúp sinh viên thích nghi nhanh với yêu cầu của thị trường lao động.

ĐH Đà Nẵng đang triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo NQ 29. Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, trực tiếp là Bộ GD&ĐT tin tưởng giao phó vai trò tiên phong đổi mới, “cho phép áp dụng cơ chế tương tự ĐH quốc gia”, chỉ đạo và phối hợp xúc tiến dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị ĐH tại Hòa Quý-Điện Ngọc để ĐH Đà Nẵng thực sự xứng tầm, “trở thành một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín ngang tầm khu vực và quốc tế”.

Đó là động lực lớn để ĐH Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất đổi mới thành công theo NQ 29, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới GDĐH nước nhà. Cũng cần nhấn mạnh là mô hình ĐH lớn (các ĐH Quốc gia, ĐH vùng) chính là xu hướng phát triển GDĐH của thế giới.

Ngày nay, hầu như mọi sản phẩm đều mang tính liên ngành thì mô hình ĐH đơn ngành, riêng lẻ không còn phù hợp do hạn chế năng lực cạnh tranh. Trong điều kiện nước ta, theo tôi, nên thống nhất cơ chế hoạt động, giao quyền tự chủ lớn hơn, toàn diện hơn cho các ĐH quốc gia và ĐH vùng vì đây chính là những “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển của toàn hệ thống.

* Xin cám ơn ông!

Uy tín, năng lực cạnh tranh và các chỉ số quốc tế của ĐH Đà Nẵng liên tục được khẳng định và cải thiện: tốp 2 bảng xếp hạng 67 ĐH Việt Nam theo Unirank công bố tháng 8-2018; tốp 4 ĐH Việt Nam theo Nhóm Nghiên cứu độc lập 49 trường ĐH công bố tháng 9-2017; tốp 6 ĐH Việt Nam theo Webometrics tháng 7-2018 và mới đây vinh dự 2 năm liền nằm trong số ít các trường ĐH Việt Nam thuộc tốp ĐH tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng danh tiếng QS-Asia.

P.V

;
.
.
.
.
.
.