Giáo dục

GIÁO DỤC LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM

Giúp trẻ thỏa sức khám phá

14:09, 02/11/2018 (GMT+7)

Chủ trương xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần thay đổi phương pháp giáo dục ở các trường mầm non (MN), dần biến nơi đây trở thành môi trường học tập yêu thích của trẻ.

Giờ học nhận biết và tập nói về chú vịt của các cháu lớp nhà trẻ Trường mầm non Bình Minh.
Giờ học nhận biết và tập nói về chú vịt của các cháu lớp nhà trẻ Trường mầm non Bình Minh.

Với các trường MN chất lượng cao trên địa bàn thành phố, việc trang bị cơ sở vật chất và hướng đến giáo dục trẻ phát triển toàn diện được chú trọng nhiều năm nay.

Tại Trường MN chất lượng cao Hồng Nhung (quận Thanh Khê), sân trường được bày trí như một công viên với những nhân vật hoạt hình dễ thương. Ngay trong khuôn viên trường còn có “Góc thiên nhiên”, nơi cô trò tự tay trồng các loài cây, hoa; bên cạnh đó còn có các khu trò chơi vận động. Ngoài hành lang các lớp học được trang trí những giỏ cây, chậu cá nhỏ, trong lớp là góc vui chơi, học mà chơi, chơi mà học...

Cô Vương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, tất cả hoạt động của nhà trường đều nhằm tạo cho trẻ môi trường sống đầy ắp tiếng cười, tràn đầy yêu thương, để các bé tự do khám phá thế giới xung quanh, bộc lộ tính cách; đồng thời giáo viên học cách tôn trọng sự khác biệt của các con; hướng đến phát triển thể chất, tinh thần toàn diện cho trẻ.

Trong khi đó, từ năm 2016, khi chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” được triển khai, các trường MN công lập cũng từng bước thay đổi phương cách giáo dục, tạo môi trường dạy và học đầy hứng khởi, thú vị.

Tham dự một buổi học của cô và trò lớp nhà trẻ Trường MN Bình Minh (quận Hải Châu), thật bất ngờ khi cô giáo sử dụng những chú vịt con để các bé tận mắt quan sát và sờ con vật. Sau đó, cô cho các bé vận động hát múa “Một con vịt”.

Cô Huỳnh Thị Bích Vân, Phó Hiệu trưởng Trường MN Bình Minh cho biết, đây là một trong những phương thức đổi mới trong dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Ngoài ra, trên cơ sở các tiêu chí về “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, nhà trường còn chủ động sáng tạo theo cách riêng. Chẳng hạn, nhà trường tạo ra các góc học tập như: xưởng mộc, xưởng giày, thư viện hay góc thiên nhiên...

Mỗi góc được trang trí đẹp mắt bằng cách tận dụng đồ gia dụng, thiết bị điện tử, chậu hoa, cây cảnh, ấm nước siêu tốc, xoong nồi, mũ bảo hiểm cũ để tạo nên những vật dụng xinh xắn, đáng yêu. Lốp xe cũ cũng được sơn vẽ bằng họa tiết bắt mắt để tạo thành bàn đựng đồ chơi, bậc tam cấp, lối đi trong sân trường; những miếng gỗ vụn làm thành đồ ghép hình, vật dụng tô màu trên gỗ.

“Phần lớn những vật dụng này đều được làm từ sự sáng tạo và đôi tay khéo léo của tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, có cả sự tham gia của các cháu. Khi sử dụng những sản phẩm này, bản thân giáo viên càng có thêm động lực để dạy tốt, còn trẻ biết yêu quý lao động, ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên hơn”, cô Huỳnh Thị Bích Vân nói.

Qua hai năm triển khai chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê cho rằng, mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực trong hệ thống giáo dục MN.

Giáo viên sáng tạo hơn trong việc lập kế hoạch giáo dục, lựa chọn hình thức, phương pháp tổ chức, phát huy khả năng của trẻ; nhất là nắm bắt được nhu cầu, sự hứng thú và khả năng của từng trẻ để có cách giảng dạy phù hợp.

Trẻ thì tự tin, thích tìm tòi khám phá, trải nghiệm hơn. Tuy vậy, theo ông Sơn, phương pháp này đòi hỏi giáo viên MN năng động, chủ động sáng tạo nhưng không phải giáo viên nào cũng đáp ứng được. Ngoài ra, nhiều cơ sở MN có diện tích nhỏ hẹp, không có không gian bố trí môi trường giáo dục theo các tiêu chí chuẩn. Đó là những hạn chế trong triển khai xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm.

Bà Thái Thị Thùy Dương, Tổ trưởng Tổ MN, Phòng GD&ĐT quận Hải Châu cũng cho rằng, hiệu quả của chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” tạo nên sự tương tác, giao tiếp giữa cô giáo-trẻ, trẻ-trẻ, trẻ-người xung quanh. Tuy nhiên, chuyên đề này không có tính kế thừa ở các bậc học, do càng lên lớp lớn, áp lực học nhiều khiến trẻ em không phát huy được môi trường sáng tạo, trải nghiệm như bậc MN.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.