Giáo dục

Những gương mặt thủ khoa Đại học Đà Nẵng

21:04, 29/07/2010 (GMT+7)

(ĐNĐT) - Đường đến thủ khoa đại học, mỗi thí sinh mỗi bí quyết khác nhau, nhưng có cùng một điểm chung: không ngừng rèn luyện, trao dồi kiến thức học tập

Cậu thủ khoa bẽn lẽn

Thủ khoa Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Chu Quốc Minh khá bẽn lẽn, rụt rè khi chúng tôi hỏi đến bí quyết nào để học tập tốt. Có lẽ với em, sự động viên của gia đình và lòng quyết tâm là lò luyện thi tốt nhất…


Minh cho biết, ngay từ hồi còn nhỏ, em đã rất thích khám phá, chế tạo, cho nên với em, học Hóa là một sự đam mê. Vì vậy, năm lớp 10, Minh thi đỗ vào lớp chuyên Hóa trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng).

Sinh ra trong một gia đình ba và mẹ đều công tác trong ngành thú y, em chủ yếu là tự học. “Phương pháp học của em là luôn cố gắng lắng nghe thầy cô giảng bài trên lớp, sau đó về nhà đọc thêm sách vở. Chỗ nào không hiểu thì hỏi thêm thầy cô, bạn bè. Chủ yếu là học chắc kiến thức trong sách giáo khoa. Ngoài ra, em tìm tòi các đề thi của năm học trước, và những đề thi trên mạng để giải thử. Những câu nào làm sai so với đáp án, em đánh dấu và tự nhắc nhở mình những lần sau gặp những câu như vậy sẽ không bị mắc sai sót nữa”, Minh chia sẻ bí quyết của mình.

Cô Lê Thị Châu, mẹ của Minh, tâm sự: Ngay từ nhỏ Minh đã có ý thức tự học nên không mấy khi bố mẹ phải nhắc nhở. Cả nhà rất tin vào khả năng của Minh. Đồng lương hưu của mẹ chẳng đáng bao so với các khoản chi tiêu của gia đình, nên từ những năm tháng khó khăn ấy, Minh rất ít đi học thêm mà chủ yếu là tự học. Kể về thành tích học tập của Minh, cô Châu không giấu nổi tự hào: từ cấp 1 đến cấp 3 liên tục là học sinh giỏi. Lớp 10 giải Nhì, lớp 11 đoạt giải Ba và lớp 12 đoạt giải Nhất cấp thành phố môn Hóa học. Trong kỳ thi Olimpic Hóa học 30 - 4 tại TP HCM, Minh ẵm Huy chương đồng.

Trong kỳ thi đại học năm 2010, Minh đăng ký thi vào Khoa Điện tử viễn thông của trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng, và ngành Cử nhân Sinh – Môi trường (ĐH Sư phạm). Minh cho biết, em thấy tự hào khi đạt thủ khoa của ĐH Sư phạm, nhưng em sẽ theo học ngành Điện tử viễn thông để thực hiện ước nguyện và sở thích của mình. Hỏi về tương lai, Minh nói: Trước mắt, em sẽ cố gắng tập trung học thật tốt để có trở thành một sinh viên giỏi. 

Lập dàn ý từng môn thi cụ thể

Ở kỳ thi đại học vừa qua, tất cả các môn đều học theo cách lập dàn ý chi tiết để tránh bị bỏ sót ý, trình bày theo từng đoạn là một trong những bí quyết đạt thủ khoa của Ngô Thị Hồng Vân, tân sinh viên khoa Ngữ Văn – ĐH sư phạm (ĐH Đà Nẵng).


Vân là học sinh trường THPT Hòa Vang ( quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) năm học 2008-2008. Thi đậu tốt nghiệp năm 2009, sau đó Vân đăng ký thi vào trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) và cũng giành điểm thủ khoa của khoa Quản trị du lịch. Nhưng chỉ mới nhập học được gần 2 tháng, Vân cảm thấy đây chưa phải là ngành mà mình đam mê. Vậy là Vân đã xin nghỉ học về nhà tự ôn luyện để năm sau thi lại, để hoàn thành niềm đam mê làm một cô giáo dạy Văn giỏi sau này.

Và ở kỳ thi tyển sinh đại học năm nay, Vân đậu thủ khoa khối C – Khoa Ngữ Văn (ĐH sư phạm Đà Nẵng). “Mặc dù biết phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng em tin bằng niềm đam mê của mình, em sẽ làm được” – Vân tâm sự.

Theo Vân, phương pháp học Văn tốt nhất là phải nắm rõ cốt lõi của mỗi vấn đề, từ đó có thể mở rộng và liên tưởng. Để dễ dàng cảm thụ một tác phẩm văn chương, ngoài niềm đam mê, trước hết phải đọc tác phẩm thật kỹ, nắm được nội dung, ý nghĩa, chi tiết hình ảnh độc đáo của tác phẩm, rồi đọc thêm tài liệu tham khảo để bổ sung kiến thức.
 
Để làm một bài Văn được hoàn chỉnh, theo Vân, trước tiên phải nêu đủ các ý chính, sau đó mới phát hiện và mở rộng dần ra các ý nhỏ hơn, để làm sao cho bài viết có chiều sâu, bao quát. Muốn gây được ấn tượng với người chấm, bài viết cần phải có điểm nhấn, đó là điểm khác biệt, khiến bài viết của mình nổi bật hơn các bài khác. Bên cạnh đó, mỗi luận điểm trong bài làm nên viết thành từng đoạn, xuống dòng để thầy cô dễ chấm điểm.

Trong ba môn thi, môn Sử làm cho Vân gặp nhiều khó khăn nhất, bởi môn này nhiều sự kiện, vừa dài vừa khó nhớ. Do đó, Vân đầu tư nhiều thời gian cho môn học này nhất. Cách học của Vân là học theo từng mốc thời gian, từng sự kiện. Với những mốc sự kiện quan trọng, dùng bút đánh dấu sau đó thống kê ra giấy. Để nhớ được các sự kiện, Vân thường tìm cho chúng một mối liên hệ, và vì thế, khi nhắc đến một mốc thời gian Vân có thể nhớ ra tất cả các sự kiện liên quan.

Vân cho biết, môn Địa lý được coi là có dễ ăn điểm hơn cả. Nhưng cũng không được chủ quan. Ở nhà, Vân dành thật nhiều thời gian cho phần vẽ biểu đồ. Trong khi thi, biết cách chia thời gian cho từng câu sao cho hợp lý nhất. “Tổng thời gian là 180 phút chia cho 10 điểm, nên 1 điểm cố gắng hoàn thành trong vòng 18 phút. Đó là kinh nghiệm quý báo của thầy cô truyền cho chúng em, để tránh mắc phải lỗi làm lan man vào một câu, sẽ ảnh hưởng đến thời gian của câu còn lại”, Vân cho biết.
 
Thành tích học tập của cô tân sinh viên xinh đẹp này cũng thật ấn tượng, với 12 năm liên tục đều là học sinh khá giỏi của trường. Ngoài ra, với ngoại hình dễ thương và một giọng hát ngọt ngào, nên Vân còn được các bạn trong lớp tín nhiệm, bầu làm cán bộ văn thể mỹ trong nhiều năm liền. Về dự định trong tương lai, cô thủ khoa chia sẻ, "em sẽ cố gắng học tốt để sau này trở thành một giáo viên dạy Văn giỏi".

Tâm lý thoải mái trước khi thi

Chia sẻ kinh nghiệm để đạt được thủ khoa của khối D3 – ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, Nguyễn Bảo Hân, học sinh chuyên Pháp – Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: tâm lý thoải mái trước khi thi là yếu tố cơ bản nhất.


Cùng với đó, niềm động viên của người thân trong gia đình giúp em đỡ căng thẳng trong khi thi. Hân cho biết, trong quá trình học tập, em luôn lên cho mình một lên kế hoạch hợp lý và khoa học. Không học khuya quá, và cũng không quá lo lắng trước khi thi, để tạo cho mình một tâm lý thoải mái nhất, thì sẽ đạt kết quả cao.

Với môn Toán và Văn, điều cơ bản nhất là nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, và những kiến thức của thầy cô dạy trên lớp. Học đâu nắm bài chắc tới đó. Riêng môn ngoại ngữ, do có niềm đam mê môn tiếng Pháp từ năm học lớp 1, nên Hân có nhiều thuận lợi.

Về bí quyết làm bài thi môn tiếng Pháp, Hân cho biết về phần ngữ pháp, các bạn nên làm thật nhiều bài tập để củng cố. Phần nghe nhạc Pháp, đài tiếng Pháp để rèn luyện kỹ năng tốt hơn, nhanh hơn. Dự định trong tương lai, Hân học thêm tiếng Anh và học thêm bằng kinh tế, để sau này ra trường có thể tìm được công việc ổn định.

Kết hợp hài hòa giữa chơi và học

Vương Bảo Bảo, thủ khoa khối A ĐH Kinh tế Đà Nẵng, là học sinh lớp 12/6 chuyên Hóa của trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Ngôi nhà nhỏ của Bảo nằm 146 Hải Hồ (quận Hải Châu) trong những ngày này cũng luôn tràn ngập tiếng cười bởi những lời chia vui từ hàng xóm xung quanh, khi nghe tin Bảo đậu thủ khoa trong kì tuyển sinh ĐH năm nay.


Nói về thành tích trong học tập, Bảo nhiều năm liền là học sinh giỏi, đặc biệt từ lớp 9 đến lớp 12 em đều có giải học sinh giỏi của thành phố. Hai năm liền lớp 11 và 12, em đều đạt giải nhì môn Hóa . Bảo khiêm tốn cho rằng đó là điều bình thường, không đáng nhắc tới, nhưng em thực sự rất vui và bất ngờ vì thành tích mới được bổ sung: thủ khoa của trường Đai học Kinh tế.
 
Bảo tâm sự, kinh nghiệm của em thực ra không nhiều, điều quan trọng là có kế hoạch trong học tập, biết kết hợp học tập và giải trí và cần luôn luôn học hỏi, đặc biệt là biết học hỏi, thi đua cùng bạn bè.

Bảo cho biết, kinh nghiệm khi đi thi đại học, các bạn cần phân bổ thời gian hợp lý, nhất là các môn trắc nghiệm, nếu gặp câu hỏi quá khó, ta nên làm ngược lại, suy từ đáp số mà ra, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Khi được hỏi về dự định tương lai, Bảo cho biết mơ ước thì rất nhiều, nhưng trước tiên là vào trường sẽ cố gắng học thật tốt, và nếu có thể, em sẽ cố gắng để có học bổng đi du học nước ngoài. 

Đắc Mạnh – Hùng Nam

.