Người viết chữ Tâm trên trang giáo án

.

Cô gái ngồi đó, nhỏ bé, lọt thỏm trong thư viện rộng đầy sách báo của nhà trường. Những dây trường sinh xanh mướt, mềm mại từ những bình gốm buông rủ trên mặt bàn. Bằng chất giọng nhỏ nhẹ như thanh âm của những giọt mưa rơi ngoài sân trường, cô tâm sự:

Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Nguyễn Đình Vĩnh (trái) trao bằng công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho thầy giáo Hoàng Văn Khánh vào ngày 26-1-2018.
Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Nguyễn Đình Vĩnh (trái) trao bằng công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho thầy giáo Hoàng Văn Khánh vào ngày 26-1-2018.

- Em muốn viết cho Ba những dòng tri ân 20-11 nhưng không thể nào nói hết những gì mình nghĩ. Cứ viết rồi lại xóa… Mọi ngôn từ dường như bất lực cô ạ!

Vậy em hãy bắt đầu từ những điều gần đây nhất, tôi nói, điều mà em nhớ nhất về người cha của mình. Tình yêu vốn dĩ không thể sắp xếp theo trật tự thời gian hay lựa chọn ngôn từ hoa mỹ…

Cha của cô, thầy giáo Hoàng Văn Khánh, mới năm ngoái đây thôi còn đứng trên bục điều khiển chương trình kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của Hội đồng Sư phạm Trường THPT Phan Châu Trinh.

Vậy mà năm nay, khi cả nước rực ngàn hoa tri ân người thầy thì chỗ đứng đó đã vắng một bóng hình quen thuộc. Dẫu biết còn hay mất là lẽ vô thường của cuộc đời nhưng cũng khiến mọi người chạnh lòng cho sự trống vắng ấy. Và trong trái tim cô gái nhỏ, bóng dáng người cha - người thầy của mình vẫn còn đâu đó ở hành lang lớp học, ở sân trường mênh mông nắng…

Và cô gái nhỏ đã kể câu chuyện về người đã đi xa một cách giản dị nhất có thể…

Đó là một ngày chớm thu hiu hiu gió nhẹ, mẹ bận họp ở trường nên tôi được Ba đưa theo đến lớp. Trong trí nhớ nhỏ nhoi của một đứa bé lên năm thì “trường của Ba” là ngôi nhà lớn với những hành lang dài yên phăng phắc nhiều ô cửa màu xanh, tường sơn vàng cổ kính nằm yên bình dưới tán những gốc cây kiền kiền già nua rủ bóng. Lần đầu tiên thấy Ba đứng trên bục giảng, các anh chị học trò ngồi yên phăng phắc nghe giảng, tôi cảm nhận được một điều gì đó thật thiêng liêng rót vào trái tim mình…

Sinh viên Hoàng Văn Khánh tốt nghiệp thủ khoa ngành Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1980. Bỏ qua lời đề bạt ưu tiên hoặc được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy với một tương lai hứa hẹn nhiều thăng tiến, chàng trai ấy chọn về công tác tại Đà Nẵng, nơi có ngôi trường cấp 3 Phan Châu Trinh ghi dấu một thời hoa niên tươi đẹp. Có thể nói, gần 40 năm gắn bó cả đời mình với Trường THPT Phan Châu Trinh, thầy giáo Hoàng Văn Khánh như một người tình thủy chung sâu nặng…

Trước khi trở thành đồng nghiệp của thầy giáo Khánh tại Trường THPT Phan Châu Trinh, tôi đã biết đến thầy vào năm 2003. Đó là năm Trường THPT Thái Phiên chuẩn bị lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Trong lúc còn băn khoăn trong việc xây dựng phòng truyền thống của trường phục vụ ngày lễ kỷ niệm, chúng tôi được nhiều giáo viên giới thiệu đến gặp thầy để tham khảo ý kiến. Lúc đó, Trường THPT Phan Châu Trinh đã xây cơ sở mới, khu trường cũ tạm thời đóng cửa. Phòng truyền thống lúc đó bụi phủ đầy các hiện vật. Vậy mà khi tôi đến theo lời hẹn, thầy đã tận tình giới thiệu và góp ý cách trưng bày hình ảnh, hiện vật theo nhóm chủ đề và trục thời gian. Biết chúng tôi còn thiếu tư liệu về nhà chí sĩ Thái Phiên mà trường vinh dự mang tên, thầy đã tặng bản luận văn tốt nghiệp về đề tài nhà chí sĩ quê Đà Nẵng này. Bản luận văn cũ, được đánh máy chữ và quay rô-nê-ô trên màu giấy úa vàng thật sự là nguồn tư liệu quý đối với chúng tôi lúc bấy giờ...

Tết Dương lịch 2018 đúng tiết Đại hàn, trời lạnh căm căm, hành lang bệnh viện heo hút lại càng thêm yên ắng một cách kỳ lạ. Phòng bệnh hôm ấy vắng vẻ, hầu hết bệnh nhân đã về nhà sum họp với gia đình, chỉ còn vài người do nhà xa quá nên ở lại. Mọi người dùng cơm tại giường. Không thấy Ba đâu, đặt cặp lồng lên chiếc tủ kê đầu giường, định điện thoại cho Ba thì có tiếng bác bệnh nhân cùng phòng gọi “Ba cháu sang phòng ăn ở cuối hành lang rồi cháu ạ”.

Trong căn phòng lạnh lẽo, gió đang rít từng hồi qua khung cửa sổ cũ kỹ, một người đàn ông, tay trái vẫn đang còn gắn kim truyền dịch sưng phù, tay phải khẽ lật từng trang giấy học trò, tiếng xoẹt xoẹt từ cây bút đỏ gạch xuống mỗi bài thi làm ấm áp cả không gian lạnh lẽo của bệnh viện. Tôi đã cố nén giọt nước mắt chực trào ra nơi khóe mắt, khẽ gọi: “Ba, dùng cơm thôi!”.

Những năm cuối, khi phát hiện mình bệnh nặng và thường xuyên nhập viện, thầy Khánh vẫn cố gắng đến trường trong điều kiện có thể. Thầy luôn luôn xin ưu tiên được tiêm hay truyền thuốc trước hoặc sau giờ dạy, để tranh thủ lên lớp mà không phải phiền đến các đồng nghiệp. Là một người có tinh thần trách nhiệm cao và say mê với công việc nên thầy chưa bỏ lớp ngày nào dù tháng nào cũng được bác sĩ yêu cầu điều trị nội trú. Với tinh thần lạc quan, nên hiếm có đồng nghiệp hay học sinh hay biết thầy đang phải nằm viện.

Là người trầm lặng, ít nói, thầy như con tằm nhả tơ, vắt kiệt đời mình cho việc giảng dạy và phong trào của trường. Nếu tính về danh hiệu Giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố thì số lượng giấy khen lên đến con số 20. Riêng bằng khen của Bộ GD&ĐT về những đóng góp to lớn của thầy trong công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia, thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước… từ năm 2009 đến 2016 là 5 bằng khen. Và thầy đã được vinh danh “Nhà giáo Ưu tú” vào ngày 26-1-2018 tại hội trường Trường THPT Phan Châu Trinh.

Ngày tôi đưa Ba đến trường nhận danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” là ngày thật đặc biệt trong cuộc đời cầm phấn của người thầy, người cha yêu quý của chúng tôi. Từ bệnh viện, Ba dậy thật sớm, quần áo chỉnh tề, nụ cười tươi tắn như giọt nắng ngoài cửa sổ. Dường như mùa xuân đang nở hoa trong lòng người. Chúng tôi tưởng bệnh tật đã lùi xa và một hy vọng mong manh về sự sống của Ba được kéo dài hơn… Nhưng một tuần sau Ba rời bỏ cõi đời một cách an yên, thuần khiết. Trái tim Ba ngừng đập, không thể chống chọi với cơn bạo bệnh ở giai đoạn cuối.

Và một tuần trước khi mất, thầy vẫn đến lớp đều đặn với nụ cười hiền hậu trên môi. Những ngày trước khi qua đời, vì sức khỏe yếu, thầy đã tự trang bị riêng một máy chiếu và micro để có thể thuận tiện cho việc giảng bài... Vì đơn giản mỗi ngày thầy phải “chạy show” từ bệnh viện đến lớp học. Khát khao được đứng trên bục giảng cho đến hơi tàn lực kiệt quả là điều đáng cho nhiều người suy ngẫm!

Những con số khô khan đôi khi cũng mang hồn vía của một đời người. Cả Hội đồng Sư phạm và các thế hệ học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh không quên hình ảnh thầy trong suốt 16 năm trời với cương vị phó đoàn dẫn học sinh đi thi Olympic khu vực phía Nam. Tính thầy vốn cẩn thận và có tâm nên việc ăn, ở, đi lại, tham quan... của hơn trăm học sinh và giáo viên vốn không phải là việc dễ dàng nhưng thầy đã hoàn thành công việc một cách tươm tất nhất có thể.

Mẹ tôi vẫn thường hay trách phiền rằng: Tại sao người ta cũng đi dạy như ba tôi nhưng lại có nhiều giờ phút thảnh thơi, mà Ba lúc nào cũng bận rộn?

Ba tôi vốn là con người của công việc, dù giảng dạy môn Lịch sử có phần tẻ nhạt và ít thay đổi như các môn học khác. Nhưng Ba lúc nào cũng tìm tòi sáng tạo những cái hay, cái mới và coi đó là niềm vui thích của mình. Đến tận khi sắp nghỉ hưu, Ba cũng chưa bao giờ ngừng sáng tạo, đổi mới việc dạy cũng như học hỏi những phương pháp thật hiệu quả để áp dụng.

Lúc lâm chung, những lời dặn dò cuối cùng của thầy không dành cho con cái, gia đình mà là những việc của trường còn đang dang dở. Thầy dặn con gái Hoàng Nam Khuê hiện là quản thư tại Thư viện trường nhớ trao lại những tư liệu, hình ảnh cũ về nhà trường mà thầy đang cất giữ…

Ngoài trời dường như đã tạnh mưa nhưng câu chuyện của cô gái nhỏ vẫn còn chưa kể hết. Chuyện của một người thầy, người cha dành cả đời mình để viết chữ Tâm rực hồng trên trang giáo án được kể trong buổi sáng mùa đông không lạnh…

NGƯT Hoàng Văn Khánh đã tham gia viết 12 đầu sách phát hành tại Đà Nẵng và toàn quốc. Đặc biệt, hai cuốn sách Lịch sử Đà Nẵng - dành cho học sinh THPT, Lịch sử Đà Nẵng - dành cho học sinh THCS do Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành được sử dụng trong nhà trường, đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương và chủ quyền biển đảo vào trong chương trình dạy học ở bậc THPT và THCS.

Thầy Khánh giới thiệu học sinh cuốn Lịch sử Đà Nẵng.
Thầy Khánh giới thiệu học sinh cuốn Lịch sử Đà Nẵng.

Tài liệu này được Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Khoa học Lịch sử thành phố góp ý, được UBND thành phố, Sở GD&ĐT cho phép triển khai dạy học trong các tiết học lịch sử địa phương theo chương trình hiện hành của Bộ từ năm học 2014-2015.

NHƯ HẠNH
(Theo lời kể của Hoàng Nam Khuê, con gái NGƯT Hoàng Văn Khánh)

;
.
.
.
.
.
.