Những người truyền cảm hứng

.

Thông qua các chương trình liên kết đào tạo, hợp tác giáo dục giữa Đại học (ĐH) Đà Nẵng với các trường, cơ sở giáo dục nước ngoài, nhiều giáo sư, chuyên gia nổi tiếng của khu vực và thế giới đã đến Đà Nẵng công tác, giảng dạy, mang theo phương pháp giáo dục tiên tiến cho sinh viên tiếp cận, đồng thời mở ra cơ hội nghiên cứu khoa học chuyên sâu tại đây.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế tại buổi ra mắt Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng - DNIIT.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế tại buổi ra mắt Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng - DNIIT.

Từ năm 2016 đến nay, các giảng viên, sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế khá quen thuộc với hình ảnh GS Darren Henry (người Úc) trên giảng đường. Giờ học của GS luôn được SV chờ đợi, phòng làm việc của GS tại trường cũng kín lịch hẹn xin ý kiến về chuyên môn. GS Darren Henry hiện là Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH La Trobe (Úc).

Ông đến Đà Nẵng theo chương trình hợp tác với Trường ĐH Kinh tế và thực hiện một số hoạt động tại đây như: đồng nghiên cứu trong các dự án khoa học và đồng tác giả trong công bố quốc tế với các giảng viên khoa Tài chính; hỗ trợ giảng dạy, tư vấn nghiên cứu khoa học thông qua các hội thảo tại khoa này. Năm 2018, GS Darren Henry công tác tại Trường ĐH Kinh tế gần 5 tháng.

Thời gian này, ông tranh thủ lên lớp và thảo luận, nói chuyện chuyên sâu cho giảng viên và SV. GS Darren Henry cho biết, ông chú trọng cách dạy và học theo kiểu tương tác trực diện. Thường thì ông cung cấp thông tin bài giảng thông qua trình chiếu, rồi đưa ra những tình huống thực tế để SV thảo luận, tạo thành các nhóm làm việc.

Ông cũng yêu cầu SV tìm hiểu thông tin về tài chính của thế giới và Việt Nam trên các kênh truyền thông và đặt vấn đề, trao đổi với thầy. “Tôi đánh giá cao sự ham học hỏi của SV, sự nghiêm túc trong thực hiện các công bố quốc tế của giảng viên, họ hướng đến thành quả nghiên cứu, môi trường học thuật hơn các vấn đề khác”, GS Darren Henry nói.

TS. Đặng Hữu Mẫn (khoa Tài chính, từng được GS Darren Henry hướng dẫn khi học tại Trường ĐH La Trobe) cho biết thêm, từ năm 2016 đến nay, GS Darren Henry đã cùng các giảng viên của khoa Tài chính công bố 6 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI (Viện Thông tin Khoa học, Hoa Kỳ).

Những giờ học của ông tạo hứng thú cho SV bởi cách tiếp cận mới trong nghiên cứu thực nghiệm các vấn đề về tài chính và sự có mặt của ông tại Đà Nẵng tạo điều kiện cho các giảng viên nghiên cứu chuyên sâu về tài chính được trao đổi hiệu quả hơn.

Trong khi đó, PGS Fabien Ferrero (ĐH Nice Sophia Antipolis, Pháp), là giảng viên trao đổi tại Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng - DNIIT, trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐH Nice Sophia Antipolis - thành viên của Comue Université Côte d’Azur (UNS-UCA), Cộng hòa Pháp và ĐH Đà Nẵng. Năm 2018, PGS Fabien Ferrero đến Việt Nam hai lần và chủ trì Ban giám khảo- kỹ thuật của cuộc thi Smart Campus 2017-2018 do ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Ông cũng là diễn giả chính tại các hội thảo liên quan đến mạng LoRA tại ĐH Đà Nẵng. “Tôi đã tận tay mang những bo mạch LoRA và công nghệ truyền không dây LoRa từ nước Pháp sang tài trợ cho các đội tham gia Smart Campus 2017-2018.

Tôi có mặt tại ĐH Đà Nẵng vì muốn đóng góp kinh nghiệm, kiến thức nhằm động viên SV phát huy hết năng lực, sáng tạo để nghiên cứu sản phẩm, mang lại tiện ích cho con người và xã hội”, PGS Fabien Ferrero nói.

Theo TS Hoàng Hải, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (ĐH Đà Nẵng), thời gian qua, nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu đã đến công tác, giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối những dự án về chuyển giao chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học như:

GS Lê Thành Nhân (quốc tịch Pháp - Việt), GS.TSKH Trần Quốc Tuấn (quốc tịch Pháp - Việt), TS.BS Lê Trọng Phi (quốc tịch Đức), GS Marc Daniel (Pháp), GS Junichi Mori (Nhật), GS Hitoshi Yamada (Nhật), GS Geoff Parkes (Anh), GS Helen Griffiths (Anh), GS Yulan He (Anh)...

Nhờ đó, SV có thể tiếp cận với cách học khác, phương thức giảng dạy khác so với trong nước. Chẳng hạn, SV ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa được học về phương pháp tiếp cận và thu nhận thông tin từ Internet (phương pháp IOF).

Qua các chuyên gia, SV còn có cơ hội tiếp cận với các công ty nước ngoài nơi các chuyên đang làm việc; nếu chuyên gia làm việc trong viện nghiên cứu hoặc trường đại học thì SV theo đó có thể liên hệ với nhà trường, viện nghiên cứu để tìm nơi học tập, nghiên cứu ở bậc cao hơn.

Đội ngũ giảng viên cũng được học hỏi những trải nghiệm thực tế, kiến thức chuyên sâu và trao đổi chuyên môn bằng ngoại ngữ với các chuyên gia. Về phía nhà trường, việc tăng cường giao lưu, học hỏi giúp phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu. Đó là yếu tố quốc tế liên quan đến việc đánh giá xếp hạng ĐH và có thể quốc tế hóa hoạt động giáo dục.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.