Nỗ lực ở ngôi trường mới

.

Đi vào hoạt động từ năm học 2018-2019, thầy và trò Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà) đang nỗ lực đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Nằm tại vị trí “đắc địa” ở đường Lê Văn Quý, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Trường THPT Sơn Trà được xây mới khang trang, hiện đại gồm dãy nhà hành chính, phòng học, thư viện, 3 phòng bộ môn Lý, Hóa, Sinh, 2 phòng Tin học với 41 bộ máy tính, 1 phòng tiếng Anh với 41 bộ máy nghe, 1 phòng công nghệ… Khu nhà vệ sinh dành cho giáo viên và học sinh cũng được đầu tư đầy đủ tiện ích.

Một tiết học Lịch sử tại Trường THPT Sơn Trà.
Một tiết học Lịch sử tại Trường THPT Sơn Trà.

Nhà trường có hệ thống camera giám sát các dãy phòng học và khu hiệu bộ. Sân trường được bố trí các dãy ghế đá và những hàng cây cũng bắt đầu cho bóng mát. Năm học 2018-2019, Trường THPT Sơn Trà tuyển 405 học sinh với điểm chuẩn 31 điểm, chia thành 10 lớp, học hai ca (mỗi ca 5 lớp). Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường gồm 29 người. Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn, kỹ năng ứng dụng công nghệ vào giảng dạy cao. Đặc biệt, với sự nhiệt huyết, yêu nghề, các thầy cô hướng đến phương pháp dạy học trực quan, tương tác với học sinh, tạo nhiều hứng khởi trong giờ học.

Ông Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho biết, tiếp quản một ngôi trường có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt là niềm tự hào cũng là áp lực đối với nhà trường. Bởi theo ông Quảng, đầu vào của học sinh nhà trường thấp hơn những trường khác và các em đến từ nhiều quận, huyện như: Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Cẩm Lệ và Hòa Vang.

Hơn hai tháng qua, bên cạnh công tác ổn định tổ chức, việc dạy và học đã đi vào nền nếp. Nhà trường triển khai bồi dưỡng học sinh giỏi các môn: Toán, Ngữ văn, Anh văn; thành lập CLB Sinh học. Từ đề xuất của giáo viên, nhà trường còn tận dụng khu đất trống để học sinh tham gia trồng cây, rau phục vụ cho môn học. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức giải thể thao học sinh cấp trường; tham gia hội thi Tuyên truyền an toàn giao thông, phòng chống thiên tai và sơ cấp cứu thành phố và đoạt giải nhì toàn đoàn; tham gia hội thi Sắc màu tuổi học trò quận Sơn Trà…

Cô Trương Thị Thu Trang, giáo viên môn Lịch sử cho biết, để tạo hứng thú cho các em, giáo viên phải minh họa bằng nhiều hình ảnh và liên hệ thực tế. Ví dụ, khi học về các sự kiện lịch sử trong nước, giáo viên không ôm đồm tất cả cột mốc mà lựa chọn điểm nhấn nổi bật nhất, gắn liền với nhân vật.

Cụ thể, với chiến dịch Điện Biên Phủ, giáo viên gợi mở cho học sinh về nhân vật Võ Nguyên Giáp, Phan Đình Giót; học sinh có thể không nhớ ngày mở đầu chiến dịch nhưng tuyệt đối không quên mốc 7-5-1954… “Lâu nay, môn Lịch sử thường gây nhàm chán cho học sinh nhưng nếu giáo viên biết cách truyền tải thì học sinh vẫn hứng thú với môn học này. Tôi cố gắng truyền cảm hứng cho các em và cũng có những chế tài khen thưởng, xử phạt nghiêm khắc”, cô Trang tâm sự.

Em Hứa Thị Diệu My (học sinh lớp 10/5) cho biết: “Qua gần 3 tháng học tập, em nhận thấy các thầy cô cố gắng động viên, tìm phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động, thậm chí cho học sinh tham gia nhiều trò chơi trong giờ học để không khí lớp sinh động.

Đặc biệt, CLB Sinh học của trường đã giúp chúng em có hoạt động trải nghiệm thực tế những điều đã học trong sách vở, chúng em tự tay trồng các luống rau tần ô, cà chua… Sau khi thu hoạch, chúng em dự kiến sẽ bán gây quỹ cho CLB và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Chúng em như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, phấn đấu học tốt để trở thành người có ích từ những gì được học dưới mái trường này”.

Ông Bùi Minh Quảng chia sẻ, định hướng trong thời gian đến của trường là phát triển lên 30 lớp với 1.200 học sinh, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (1 buổi chính khóa, 1 buổi dạy học bồi dưỡng, năng khiếu, thể thao). Đối với học sinh ở các quận, huyện khác đến học tập tại đây, nhà trường tổ chức xe đưa đón để thuận tiện cho việc đi lại của các em.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.