CHĂM SÓC, BẢO VỆ TRẺ EM

Nỗi lo từ những "tảng băng chìm"

.

Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2018), Đà Nẵng đã có những bước tiến dài trên lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trẻ em đối mặt ngày càng nhiều với rủi ro về thể chất lẫn tinh thần, đòi hỏi sự sâu sát của các cơ quan chức năng, cũng như sự lên tiếng của chính các em để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em thực sự hiệu quả.

Những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi được đưa về Làng Hy Vọng đều được chăm sóc tốt.
Những trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn khi được đưa về Làng Hy Vọng đều được chăm sóc tốt.

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình của Sở LĐ-TB&XH thành phố đã phác họa bức tranh sáng về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố. Với sự chung tay của các cấp chính quyền, tổ chức và cá nhân, trung bình mỗi năm có 120.000 lượt trẻ em có hoàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ.

Năm 2009, thành phố có 97,2% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, bảo vệ; đến năm 2013, tỷ lệ này tăng lên 98% và duy trì cho đến nay. Đặc biệt, trong đó có 100% trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa được chăm sóc; tỷ lệ phường, xã đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em từ 17,8% năm 2008, đã tăng lên 100% vào cuối năm 2017. Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, vi phạm pháp luật, tai nạn thương tích giảm dần qua từng năm.

10 năm qua cũng là chặng đường thành phố xây dựng và hoàn thiện đội ngũ làm công tác trẻ em và rất nhiều cộng tác viên tâm huyết trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Mặc dù vậy, gần đây, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em gặp rất nhiều trở ngại, trong đó trẻ em vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của tình trạng bị lạm dụng, xâm hại.

Theo cơ quan chức năng, trong năm 2016, thành phố ghi nhận 13 vụ, với 13 trẻ em bị xâm hại; đến năm 2017, con số này tăng lên 16 vụ với 17 trẻ em bị xâm hại.

Đặc biệt, đáng lo ngại hơn là từ năm 2016 đến 2018, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.200 vụ ly hôn, trong đó có tới 3.516 vụ xuất phát từ mâu thuẫn gia đình, 63 vụ đánh đập ngược đãi và 19 vụ do mâu thuẫn kinh tế.

Chính trong các gia đình đổ vỡ ấy có những đứa trẻ từ ngoan hiền, chăm lo học tập trở nên hư hỏng, vi phạm pháp luật, nghiện chất kích thích. Đây cũng là lời giải thích vì sao ở các CLB Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy ở thành phố luôn có gần 50% thành viên dưới 18 tuổi, thậm chí có em chỉ mới 13, 14 tuổi như trường hợp em T. ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ là một ví dụ.

Trong lần đến thăm Trường Giáo dưỡng số 3 cùng CLB Can thiệp sớm, dự phòng ma túy phường, em tâm sự rất thật: “Ba mẹ con ly dị nên con ở với bà. Do bà già yếu nên con tự đến trường và trong thời gian đó con nghiện chơi điện tử, rồi sau đó bị bạn bè rủ chơi thử hàng đá”. Em A. ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu thì dù ba mẹ chỉ mới ly thân, nhưng do cả hai đều ít về nhà nên ban đầu em bỏ học để lên mạng chơi, rồi bị bạn bè xấu rủ chơi cỏ Mỹ. Trở thành thành viên CLB Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy phường, em A. tâm sự: “Mấy anh chị trước đây cứ nhắn tin rủ con chơi tiếp, nhưng con sợ rồi”.

Anh Nguyễn Tấn Hải Chuyên, nhân viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, thời gian gần đây, số cuộc gọi về tổng đài tăng dần. Trung bình mỗi ngày có khoảng 20 cuộc gọi với nhiều vấn đề về trẻ em, trong đó có khoảng 50% cuộc gọi của phụ huynh, còn lại là các em gọi “cầu cứu” vì bị bạo lực gia đình, bạn bè trấn áp và cả những chuyện “hục hặc” trên mạng xã hội. Tất cả cho thấy trẻ em đang phải đối diện với nhiều mối nguy hiểm từ chính ngôi nhà của mình lẫn ngoài xã hội và trên thế giới “ảo”.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng xuất hiện thêm nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực. Thế nhưng, những sự việc được phát hiện, báo cáo kịp thời vẫn mới là phần nổi của “tảng băng chìm”. Chính vì vậy, trong thời gian đến, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và tổ chức xã hội...; trong đó quan trọng nhất vẫn là từ chính các gia đình; bởi chỉ ở trong mái ấm hạnh phúc, các em mới được nuôi dạy và bảo vệ một cách tốt nhất.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.