6 nguyên tắc để trẻ không "nghiện" thiết bị điện tử

.

 Theo bà Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, cha mẹ không chỉ theo dõi, giám sát mà hãy làm bạn khi cùng con chơi các thiết bị điện tử. Lúc đó, trẻ có thể chia sẻ và trở nên minh bạch hơn trong việc sử dụng các thiết bị.

Trẻ ngày càng tiếp xúc với điện thoại sớm hơn (Ảnh: internet).
Trẻ ngày càng tiếp xúc với điện thoại sớm hơn (Ảnh: internet).

Dưới đây là 6 nguyên tắc để trẻ bớt nghiện thiết bị điện tử do bà Phan Hồ Điệp chia sẻ:

Nguyên tắc 1: Mua “khi nào” quan trọng hơn mua “cái gì”. Hãy quan tâm đến thời điểm cho con được phép sử dụng thiết bị thông minh chứ đừng chỉ nghĩ mua cái gì, dùng gói cước nào. Vậy câu trả lời nào là chính xác cho thời điểm “khi nào”? Theo mình, đó là khi:

Giữa bố mẹ và con cái có một mối quan hệ tốt. Bố mẹ dành cho con những tình cảm yêu thương ấm áp còn con cũng hiểu được tấm lòng của bố mẹ. Nếu bạn chưa có được điều này, hãy cải thiện mối quan hệ, hãy thôi phàn nàn thay vào đó là chịu khó lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của trẻ. Hãy để con coi việc chơi với bố mẹ thú vị, bạn nhé.

Khi con có thể hiểu và tuân thủ được các nguyên tắc, biết tự kiểm soát bản thân. Nếu bạn thấy con mình có những biểu hiện như thiếu tập trung, dễ bốc đồng thì khoan hãy nghĩ đến việc mua thiết bị thông minh vì có thể con sẽ dễ sa vào ham mê hơn so với các bạn khác.

Nguyên tắc 2: Nội dung quan trọng hơn thời gian: Cần có những quy định đặt ra rõ ràng: Khi nào và bao lâu.

Mình quan sát thấy có nhiều bậc cha mẹ áp dụng việc cho trẻ cứ học xong 2 tiếng thì chơi 15- 25 phút hoặc chỉ chơi thả ga vào ngày cuối tuần, cả hai cách đều tốt.Mình thích cách thứ hai hơn. Tuy nhiên, quan trọng là trẻ chơi gì. Bạn cần chắc chắn:

Biết về những trang web hoặc trò chơi mà trẻ đã truy cập để không cho trẻ chơi những trò chơi bạo lực, những trò chơi trực tuyến mà có đối thủ là người lớn (dễ đẩy trẻ vào tình huống nguy hiểm).

Quản lý sát sao về thông tin cá nhân của trẻ: Hãy đặt ra nguyên tắc tuyệt đối không được cung cấp thông tin như tên lớp, trường, địa chỉ nhà ở…

Nguyên tắc 3: Ngay từ đầu phải đặt ra các quy định nếu trẻ không giữ đúng lời hứa: Điều này cần thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ ngay từ đầu.

Bạn nên làm một bảng cam kết, tùy vào tình hình của mỗi gia đình để điều chỉnh cho phù hợp.

Bạn nên nhớ, thái độ cương quyết của cha mẹ sẽ có tác dụng trong việc trẻ tự điều chỉnh hành vi của mình.

Cha mẹ không chỉ theo dõi, giám sát mà hãy làm bạn khi cùng con chơi các thiết bị điện tử. (Ảnh: Minh họa).
Cha mẹ không chỉ theo dõi, giám sát mà hãy làm bạn khi cùng con chơi các thiết bị điện tử. (Ảnh: Minh họa).

Nguyên tắc 4: Giải thích cặn kẽ lí do của việc đặt ra những nguyên tắc: Đừng chỉ nêu nguyên tắc trong sự bực bội, khó chịu của trẻ. Bạn nên có những lời giải thích dựa trên cơ sở khoa học thì càng tốt. Ví dụ thay vì nói: Con không được vào trang web này, bạn nói: Trang web này có nội dung bạo lực có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ em. Vì thế, con chỉ nên truy cập vào những trang web trẻ em thôi nhé.

Nguyên tắc 5: Cha mẹ và con cái hãy luôn chia sẻ những trải nghiệm về kĩ thuật số: Bạn đừng chỉ đóng vai người theo dõi, giám sát mà hãy làm người bạn chơi. Ví dụ khi con chơi một trò chơi, có thể trao đổi: Đây là nhân vật chính của trò chơi hả con? Luật chơi thế nào? Hoặc: Bị thua bực mình thật đấy con nhỉ.

Khi trở thành người bạn để trẻ có thể chia sẻ thì trẻ sẽ trở nên minh bạch hơn trong việc sử dụng các thiết bị.

Nguyên tắc 6: Khi đặt ra nguyên tắc thì cả nhà đều phải đồng lòng tham gia: Đừng chỉ nghĩ con mới là “nạn nhân” của kĩ thuật số. Hãy để con hiểu rằng, bố mẹ cũng cần có nguyên tắc khi sử dụng.

Các bạn có thể có một ngày trong tuần cả nhà tắt các thiết bị điện tử, chỉ để đọc sách và trò chuyện.
Nhưng cũng có thể có một buổi trong tuần cả nhà cùng dùng thiết bị và trao đổi với nhau những gì mình xem.

Bạn không thể từ chối cho con dùng các thiết bị thông minh vì nó có thể làm cản trở việc học hỏi của con nhưng hãy quản lý theo cách “thông minh” nhất có thể.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.
.