Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tôi không chùn bước"

.

Trải qua một năm với nhiều sự kiện "sóng gió" của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Tôi lo lắng thì có nhưng chùn bước thì không. Sự cố xảy ra, với trách nhiệm của mình, tôi phải cố gắng. Năm 2019, tôi sẽ thực hiện các chiến lược giáo dục với những đường hướng cải cách cụ thể vì đã có sự chuẩn bị âm thầm".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Chia sẻ về quan điểm đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giáo dục và đổi mới giáo dục, ngay cả ở các nước phát triển cũng rất nhiều quan điểm khác nhau, chẳng phải riêng nước ta. Song, chúng ta cố gắng làm sao thấy được bản chất, đường hướng và toàn xã hội từng bước chung tay góp sức để giáo dục nước nhà phát triển bền vững.

Đổi mới giáo dục đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ với những tính toán, bước đi để cho xã hội cũng như tất cả mọi người nhìn thấy, nghe theo và tin tưởng. Thông thường đầu tiên người ta hay nói đến vấn đề triết lý.

Triết lý giáo dục không phải của riêng ai mà của cả cộng đồng và thời nào cũng có triết lý, được thể hiện ở các hình thức khác nhau. Nhưng để có một khái niệm thực sự cô đọng phản ánh được khá đầy đủ, thể hiện được đường hướng để mọi người nhìn vào có thể thực hiện thì cần phải nghiên cứu lắng nghe, chắt lọc, tổng hợp và hiện nay, Bộ đang làm.

Bàn về triết lý giáo dục sẽ có những buổi tọa đàm, bàn tròn thật kỹ. Bởi lẽ, khi nói đến tầm nhìn của một nền giáo dục, một đất nước, một quốc gia thì không chỉ vài ba câu được. Trong Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục cũng đã nói khá kỹ, có tính định hướng, triết lý, nguyên lý, mục tiêu khá rõ của giáo dục Việt Nam.

Tới đây, chúng tôi cũng sẽ có những cuộc trưng cầu ý dân ý về triết lý giáo dục hoặc những định hướng liên quan đến từng cấp, bậc học (mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học).

Chiến lược chỉ là trên giấy nếu không có tổng kết thực tiễn

Một tầm nhìn như vậy được cụ thể hóa trong định hướng chiến lược ra sao, thưa Bộ trưởng?

Với tư cách là người đứng đầu ngành, tôi sẽ chỉ đạo những định hướng trong từng giai đoạn, từng năm một và từng cấp, bậc học. Kế hoạch chiến lược giáo dục phải có tầm nhìn, bước đi bài bản. Cá nhân tôi xét thấy, nếu mình làm một cách nóng vội thì tính khả thi không cao nhưng chậm thì không được. Chiến lược cũng cần tính đến nguồn lực để đảm bảo tính khả thi và cần đầu tư công phu.

Khi làm chiến lược, mình phải tính đến lợi ích quốc gia và giá trị mình để lại, bởi giáo dục là con người, Bản thân tôi khi mới bắt đầu nhận nhiệm vụ Bộ trưởng cũng đã cùng các chuyên gia của World Bank (Ngân hàng thế giới) dồn tâm huyết xây dựng một chiến lược giáo dục tầm nhìn dài hạn với từng năm, lúc đầu là tầm nhìn chiến lược đến năm 2035.

Tuy nhiên, sau một thời gian tôi thấy cách tiếp cận như vậy chưa được vì còn phải tính đến yếu tố thực tiễn. Nếu như xây dựng một chiến lược mà không chú trọng đến tổng kết thực tiễn những tác động của các yếu tố có tính dự báo thì có như không. Một trong những nguyên nhân tôi thấy không ít chiến lược chỉ để trên bàn giấy - không thực hiện được là do không chú trọng yếu tố này.

Tôi cũng làm kế hoạch hành động giáo dục nhưng khi thực hiện tôi thấy phải bình tĩnh vì sự nghiệp giáo dục không phải cứ nghĩ, cứ làm là được ngay. Có những vấn đề phải tĩnh tâm nhìn nhận, thực hiện. So với một nhiệm kỳ của Bộ trưởng thì ngắn thật nhưng so với xã hội thì một chiến lược giáo dục đâu phải cứ 2-3 năm là xong. Khi đặt nhiệm vụ, chúng ta phải có thời gian cần thiết để nghiên cứu, tổng kết, nhìn nhận.

Có những thứ mình biết xã hội đang mong đợi, đang kì vọng... bản thân Tư lệnh ngành cũng rất tích cực nhưng không phải cứ ai sốt ruột cái gì thì mình công bố ngay cái đó. Làm thế thì có vẻ thỏa mãn được dư luận nhất thời nhưng sau này sẽ rất nguy hiểm.

Tôi sẵn sàng đổi mới

Bình tĩnh để xây dựng và triển khai một chiến lược giáo dục như vậy, theo Bộ trưởng đâu là cơ sở để ngành Giáo dục đổi mới một cách vững chắc, đúng đắn? Và kế hoạch của ngành năm 2019 sẽ tập trung vào vấn đề gì?

"Năm 2019, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho vấn đề chiến lược"

Năm 2019, tôi sẽ có những đường hướng cải cách cụ thể và không phải lúc ấy mình mới đưa ra mà đã có sự chuẩn bị âm thầm. Tôi lấy ví dụ, từ bậc mầm non cho đến phổ thông, đại học và giáo dục thường xuyên, tôi làm rất kỹ để có kế hoạch chỉ đạo giáo dục 10 năm tới cùng sự góp sức từ WB và các chuyên gia giáo dục trong, ngoài nước.

Với cách tiếp cận như thế, tôi nhận thấy có rất nhiều đổi mới của chúng ta không bền hơi, chập chờn bởi vì nó thiếu nghiên cứu cơ bản, dự báo và đánh giá thực chất hiện trạng của ta đặt trong bối cảnh hội nhập. Xưa nay đứng trước chính sách gì Bộ cũng xin ý kiến, tổ chức các hội thảo nhưng về cơ bản không hiệu quả.

Chẳng hạn, Bộ muốn có một luận cứ cho tự chủ đại học thì phải có nghiên cứu đàng hoàng cấp Nhà nước chứ không phải chỉ góp ý , Nghị quyết 29 đã nhìn rõ điều này nên trong đó đã có chương trình Khoa học giáo dục. Nghĩa là các quyết sách của Bộ GD&ĐT phải dựa trên nền tảng nghiên cứu vững thì đổi mới mới chắc.

Lý do đổi mới giáo dục của chúng ta đâu đó vẫn chưa được nhất quán bởi vì chúng ta thiếu nghiên cứu căn bản, đánh giá, tổng kết, dự báo. Hơn nữa, tôi nghĩ Việt Nam  không thiếu các nhà khoa học giỏi, chỉ có điều quy tụ họ thế nào. Nếu quy tụ bằng hội thảo, tọa đàm thì vẫn là thủ công, còn nếu quy tụ bằng nghiên cứu đặt bài hẳn hoi thì họ có thời gian nghiên cứu sâu.

Năm 2019, tôi sẽ dành nhiều thời gian cho vấn đề chiến lược. Đến năm 2019 chúng ta phải chuẩn bị thực hiện tổng kết chiến lược giáo dục giai đoạn 2011-2020 và đưa ra chiến lược của năm 2021-2030, công việc ấy tôi rất quan tâm. Giáo dục liên quan đến cả một quốc gia, chiến lược của giáo dục liên quan đến cả một con người, chệch một cái là hỏng.

Riêng chiến lược giáo dục nếu không đi vào được lòng dân thì người ta cũng không quan tâm. Do vậy phải tính đến phương án khả thi và có thời gian. Chiến lược giáo dục phải đặt trong chiến lược quốc gia chứ không tách rời. Từng bước một ta sẽ bàn riêng, ví dụ như trong khu tầm thể chiến lược thì từng cấp học như thế nào để đủ.

Bộ trưởng là người đặt bài để các nhà khoa học nghiên cứu, họ nói thẳng, nói hết cỡ và mình sẽ lắng nghe. Tôi đầu tư các đề tài cấp Nhà nước để nhà khoa học nghiên cứu, nghiệm thu.

Chẳng hạn, tôi đã đặt đề tài cấp Nhà nước về triết lý giáo dục, về sửa đổi Luật Giáo dục, sắp xếp các trường đại học, sắp xếp các đại học sư phạm. Khi chúng ta đã tìm đến các chuyên gia tin cậy, giao điều kiện cho họ thì sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu. Bên cạnh đó có Hội đồng quốc gia về giáo dục của Chính phủ phối hợp để làm trọng tài/ "bộ lọc" phản biện các vấn đề.

Hiện nay, đã có 39 đề tài cấp nhà nước trải rộng khắp các lĩnh vực để phục vụ cho thiết kế chính sách giáo dục. Ví dụ, với tự chủ đại học, hiện nay có 12 đề tài lớn nhỏ, tới đây sẽ có kết quả.

Đổi mới giáo dục phải đổi mới từ Bộ GD&ĐT và từ Bộ trưởng. Tôi sẵn sàng đổi mới. Tôi có động lực nhưng cũng là áp lực. Áp lực làm sao phải giải quyết thành công những vấn đề mà nhân dân, đất nước giao phó, kỳ vọng.

Thành bại đổi mới nằm đầu tiên ở người Hiệu trưởng

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành, Bộ trưởng có kế hoạch, quyết sách như thế nào để chương trình này được triển khai thành công?

Mặc dù đã phân cấp nhưng tôi sẽ dành rất nhiều thời gian để thực hiện chỉ đạo chương trình GDPT mới nhằm tránh sơ xảy. Các điều kiện thực hiện chương trình được chuẩn bị kỹ. Cùng với đổi mới chương trình là chuẩn bị đội ngũ giáo viên đi kèm. Bởi nếu tách nó ra thành khối độc lập thì chẳng khác gì xây một tòa nhà mà không thiết kế. Quan trọng nhất vẫn là nội dung chương trình và phương pháp, cách thức thực hiện chương trình GDPT mới, phải có chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng.

Tôi nghĩ thành bại đổi mới nằm đầu tiên ở người Hiệu trưởng. Nếu bây giờ chúng ta chăm chăm vào đổi mới giáo viên nhưng hiệu trưởng vẫn "bình chân như vại" thì… thua.

Hiệu trưởng các trường có cách để đổi mới. Tôi đang yêu cầu cấp tốc thực hiện chương trình đổi mới hiệu trưởng nhằm thấm tư duy đổi mới vào những người điều hành nhà trường. Nếu cái gì chúng ta cũng thấy giáo viên mà bỏ qua hiệu trưởng thì không đổi mới được. Ở đâu có Hiệu trưởng giỏi thì ở đó có trường tốt. Ở đâu không có người Hiệu trưởng trưởng thành từ thầy giáo giỏi hoặc chuyên môn cao thì ắt nảy sinh vấn đề. Đối với Hiệu trưởng các trường đại học cũng vậy.

Thêm nữa là tập trung vào đội ngũ giáo viên.  Bây giờ chúng ta dùng lợi thế công nghệ thông tin trong đào tạo lại các giáo viên. Online ở đây là thiết kế chương trình đào tạo từ xa để giúp tương tác, hướng dẫn, đánh giá bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.

Đây có thể nói là đột phá trong bồi dưỡng giáo viên. Cái đích cuối cùng là giáo viên thấy thích rồi họ sẽ tự học, tự tìm hiểu. Để giáo viên nhìn thấy rằng mình tự phải vươn lên.

Bộ trưởng cũng sẽ kiến nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ xem xét điều chỉnh về mức bồi dưỡng, mức lương nhằm tăng động lực cho giáo viên. Nếu cái gì chúng ta cũng thấy giáo viên mà bỏ qua hiệu trưởng thì không đổi mới được. Sự đào tạo, bồi dưỡng này phải bài bản. Tôi áp dụng phần mềm dữ liệu để thống kê thừa, thiếu giáo viên cả về số lượng, chất lượng theo chuẩn ở từng môn. Trách nhiệm của ngành Giáo dục là phải đề nghị địa phương tập hợp số liệu để gửi bản thống kê kiến nghị Bộ Nội Vụ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Các thầy cô cần phải nêu gương, trong đó quan trọng nhất là tình yêu thương. Chỉ khi có tình yêu thương, chứ học sinh nhìn thấy thầy cô xa vời vợi thì có khoảng cách"

Năm nay tôi sẽ chỉ đạo mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, phải gắn trường sư phạm với trường phổ thông địa phương – phải coi mối quan hệ này như trường y – bệnh viện.

Về cơ sở vật chất trường lớp, nghe tưởng không quan trọng nhưng thậm chí ngay ở thành phố lớn thì 60-70 cháu một lớp thì giáo viên dạy sao được.  Quy mô trường lớp phải phù hợp. Trường mầm non mà trông như bệnh viện quá tải đến 3 cô 1 lớp cũng không trông được.

Theo phân cấp, Bộ GD&ĐT không có quyền quy hoạch trường lớp. Nếu không có quy chuẩn để địa phương quy hoạch thì địa phương không làm được. Tới đây, Bộ sẽ tổng kết những kinh nghiệm hay của các địa phương để ban hành thông tin quy chuẩn trường lớp. Chẳng hạn, bao nhiêu lớp thì thành một trường nhằm định hướng quy hoạch trường lớp.

Tôi nhấn mạnh nêu gương của thầy cô, trong đó quan trọng nhất là tình yêu thương. Chỉ khi có tình yêu thương thì học sinh và thầy cô sẽ không có khoảng cách xa vời vợi.

Tôi chịu trách nhiệm trước những tồn tại

Năm 2018, có rất nhiều sự kiện lớn liên quan ngành giáo dục, tiêu biểu là những thành tựu nổi bật của ngành với nỗ lực, cố gắng của hàng triệu giáo viên, học sinh, sinh viên, cũng như của Bộ GD&ĐT. Song chúng ta cũng không thể né những vấn đề "nóng" của tiêu cực giáo dục khiến dư luận "dậy sóng", Bộ trưởng quan điểm về vấn đề này thế nào?

Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vụ việc lớn xảy ra trong năm 2018 khiến dư luận, xã hội lo lắng, như chất lượng giáo sư, phó giáo sư, gian lận điểm thi đại học, bạo lực học đường hay sách giáo khoa độc quyền, lãng phí. Tôi cũng như ngành giáo dục không né tránh mà luôn thẳng thắn nhìn nhận, chịu trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để khắc phục.

Đây là những sự việc cụ thể, tất cả trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo đã phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí ra khỏi ngành; về mặt pháp luật cũng có những trường hợp khởi tố. Đúng là ngành giáo dục có một năm với nhiều sự việc làm "nóng" dư luận, ảnh hưởng niềm tin của xã hội. Nhưng nếu nhìn nhận giáo dục hoàn toàn với gam màu xám sẽ không công bằng với hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hàng triệu học sinh, sinh viên đang nỗ lực dạy và học tốt.

Giáo dục được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành. Nhưng giáo dục cũng cần thêm cả sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội. Trách nhiệm ở đâu giữa địa phương, nhà trường, gia đình, các ngành liên quan phải rõ, nếu dồn hết về phía giáo dục sẽ không công bằng. Ví dụ, một vườn có rất nhiều rau và cả cỏ dại thì chúng ta phải quan tâm trồng rau sao cho nó tốt. Khi rau tốt rồi thì cỏ cũng tự dần ít đi, nếu chúng ta mãi nhìn về cỏ dại thì chẳng bao giờ có rau tốt được. Với tôi, xây hay hơn là chống và cần nhìn vào hệ thống một cách đầy đủ cả mặt được, mặt chưa được.

Đổi mới giáo dục phải đổi mới từ Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng trước, tôi sẵn sàng đổi mới. Tôi có động lực nhưng cũng là áp lực. Áp lực làm sao phải giải quyết thành công những vấn đề mà nhân dân, đất nước giao phó, kỳ vọng nên sẵn sàng làm việc ngày đêm. Chiến lược giáo dục cần bài bản như xây nhà từ móng vậy.

Giáo dục là chia sẻ

Thưa Bộ trưởng, qua nửa nhiệm kỳ của mình thì ngôi nhà ông muốn xây từ móng, ông đang nóng lòng nhất và tập trung nhất vào tầng nào?

Bây giờ xây ngôi nhà Giáo dục, chúng ta không phải xây mới từ đầu mà tạm gọi là cải tạo một cách căn bản. Cho nên một mặt thì củng cố móng, mặt khác chuẩn chỉ các tầng. Chúng ta đang phát triển ngành giáo dục đã có móng với những điểm tốt nên tôi kế thừa thành tựu, trùng tu những chỗ còn yếu kém chứ không phải đập đi xây lại.

"Người cần học rất nhiều là Bộ trưởng Giáo dục"

Đối với bậc mầm non (tầng 1) phải chuẩn lại mạng lưới trường lớp (công lập, tư thục) kèm chuẩn trường lớp để đáp ứng nhu cầu của dân cư và quá trình di dân. Bậc mầm non cũng phải tăng cường xã hội hóa nhằm có điều kiện đảm bảo.

Điều tôi quan tâm thứ hai là đội ngũ thầy cô, hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Khi thiếu sẽ gây áp lực với thầy cô, cho nên cần giải quyết khâu thiếu. Thêm nữa, phần lớn các thầy cô đa phần được học theo hướng nuôi trẻ, chăm trẻ mà chưa được huấn luyện nhiều ở giáo dục trẻ. Lắp camera chỉ là "ngọn" nhưng cái gốc ở vấn đề là giải quyết nhà trẻ đạt chuẩn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đông dân cư để người dân không phải gửi trẻ vào các trường tư thục kém chất lượng, bảo mẫu đánh đập bạo hành trẻ. Chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc.

Đối với tầng giáo dục phổ thông, trọng tâm là thực hiện chương trình GDPT mới từ nội dung chương trình, phương pháp. Tuy nhiên, cũng cần quy hoạch mạng lưới trường lớp để tránh lộn xộn ở các thành phố lớn. Nhưng đặc biệt quan trọng nhất vẫn là đội ngũ giáo viên.

Tầng tôi rất nhấn mạnh là giáo dục đại học gắn với tự chủ. Bộ sẽ tăng cường giám sát chất lượng đầu ra của các trường đại học vì tầng này sẽ đưa tới kết quả rõ ràng nhất. Tầng đại học có chất lượng cạnh tranh thì chất lượng nhân lực nghề nghề nghiệp mới tốt.

Bộ cũng sẽ đặt hàng các trường sư phạm về giáo viên. Nguồn kinh phí hỗ trợ học bổng sẽ cấp theo số lượng sinh viên. Các thầy cô phải được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, nền tảng về tâm lý và phương pháp giáo dục.

Bản chất giáo dục là mở. Một người không thể làm giáo dục được. Bản thân giáo dục là chia sẻ, giáo dục trong nhà trường, ngoài nhà trường, giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời.

Hệ thống giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi tới đây sẽ tạo cơ hội cho mỗi người lúc nào cũng được học, học suốt đời. Nội hàm của bằng cấp chỉ là một góc trong bể học mênh mông. Ngay cả các giáo sư cũng vậy, khi một người đạt trình độ giáo sư là đạt một mức về giáo dục nhưng không phải là đã hết ngưỡng sự học. Người cần học rất nhiều là Bộ trưởng Giáo dục. Học mở  hiểu như vậy, mở trong mỗi con người chứ không phải mở là liên thông các bậc, cấp học. 

Trải qua một năm với nhiều sự kiện "sóng gió" của ngành Giáo dục, Bộ trưởng đã bao giờ lo lắng, chùn bước?

"Mong xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục, vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành".

Tôi xin khẳng định, lo lắng thì có nhưng chùn bước thì không. Sự cố xảy ra, với trách nhiệm của mình, tôi phải cố gắng. Tôi quan điểm rằng, mình không nặng nề quá khứ nhưng không được phép quên – đó là những bài học đắt giá, nhưng trọng tâm là hướng đến hiện tại và tương lai. Khi hiện tại và tương lai tốt thì quá khứ chỉ là lịch sử.

Chúng ta bao giờ cũng phải có định hướng và niềm tin chứ không vùi dập. Bản thân phát triển là một quá trình, không nên cắt khúc riêng rẽ. Về mặt giáo dục, quan trọng nhất là phải gợi mở. Chẳng hạn một đứa trẻ hư thì ta không mạt sát mà khơi dậy lòng tự trọng, niềm tin và bản thiện của đứa trẻ để chúng ngày càng tốt lớn.

Giáo dục cũng vậy! Yêu cầu đặt ra của xã hội với giáo dục là phải ổn định, bằng chứng là nhiều người không hài lòng khi nhắc đến cụm từ "đổi mới giáo dục". Nhưng trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong "thế cân bằng động".

Tôi nói như vậy để mong rằng xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục, vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực.

Những gì đã tốt, chúng ta giữ ổn định. Những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới. Nếu vẫn giữ sự "ổn định" của những điều chưa hợp lý, đó là sự thụt lùi, bởi xã hội tiến lên từng ngày.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng vì cuộc trò chuyện cởi mở!

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.
.