Thiếu phòng chức năng, sân chơi; sĩ số lớp và số lớp vượt quy định là những nguyên nhân khiến nhiều trường học tại Đà Nẵng không thể đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) không đạt chuẩn do không đáp ứng được các quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.Ảnh: NGỌC PHÚ |
Trường ở quận trung tâm khó đạt chuẩn
Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) đạt chuẩn quốc gia vào năm 2009 và… “rớt hạng” sau 5 năm đạt chuẩn. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường không đáp ứng được các quy định về chuẩn của Bộ GD&ĐT. Theo quy định, trường phải đầy đủ các phòng chức năng, sĩ số không quá 35 học sinh/lớp, tổng số lớp không quá 30. Tuy nhiên, hiện nay về phòng chức năng, Trường tiểu học Núi Thành chỉ có thư viện; bên cạnh đó, nhà trường còn có đến 33 lớp và trung bình mỗi lớp 46,5 học sinh.
Tương tự, theo cô Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu), trước đây trường cũng đạt chuẩn quốc gia nhưng mấy năm nay, do sĩ số học sinh mỗi lớp và tổng số lớp đều tăng, các quy định về phòng, sân chơi theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT cũng không đáp ứng đủ điều kiện nên trường không giữ được hạng chuẩn quốc gia dù lực lượng giáo viên đã đạt và trên chuẩn.
Nhiều trường khác trên địa bàn quận Hải Châu cũng chung tình trạng hai trường nêu trên. Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết, trong ba cấp học (mầm non, tiểu học, THCS), chỉ có cấp mầm non có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao (mầm non 18/45 trường; tiểu học 1/18 trường; THCS 3/10 trường). Lý giải nguyên nhân thực trạng này, bà Trần Thị Thúy Hà cho biết, các trường trên địa bàn quận có sĩ số học sinh, số lớp vượt quy định. Bậc tiểu học ưu tiên học sinh học hai buổi/ngày nên không có phòng chức năng. Một số trường xây dựng lâu năm, diện tích phòng không bảo đảm quy định.
Để giải quyết vấn đề này, bà Hà cho rằng, trường tư thục mới thành lập phải bảo đảm đạt chuẩn về cơ sở vật chất mới được cấp quyết định thành lập. Bên cạnh đó, ngành tổ chức rà soát để giảm sĩ số học sinh/lớp bằng các nguyên tắc tuyển sinh; xây dựng các trường theo hướng tầng hóa (4-5 tầng); điều tiết công tác tuyển sinh để giảm quy mô lớp/trường; ưu tiên đất cho giáo dục để xây thêm trường.
Nỗ lực tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn
Theo Sở GD&ĐT, mục tiêu năm học 2018-2019, phấn đấu mỗi quận, huyện tăng ít nhất 1-2% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 đạt 30%. Tính đến tháng 11-2018, trên địa bàn thành phố có 51/205 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; trong đó mức độ 1: 35 trường (30 trường công lập, 5 trường tư thục), mức độ 2: 16 trường (13 trường công lập, 3 trường tư thục) đạt 25%.
Trường tiểu học Núi Thành nhiều năm qua không đạt chuẩn do thiếu nhiều điều kiện, trong khi “chuẩn” của giáo viên được nâng lên. |
Đối với khối tiểu học, mục tiêu đến năm 2020, toàn thành phố đạt 66,89% trường chuẩn quốc gia. Đến tháng 11-2018, Đà Nẵng có 25 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 25,7%; trong đó chủ yếu là các trường ở huyện Hòa Vang. Một số quận không có trường đạt chuẩn như: Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà. Đối với khối THCS, đến tháng 7-2018, toàn thành phố có 29/62 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 46,8%. Bên cạnh đó, 5/27 trường THPT đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 18,5%. 2 quận có tỷ lệ trường đạt chuẩn cao là quận Cẩm Lệ có 5/6 trường (83,3%) và huyện Hòa Vang có 8/11 trường đạt chuẩn (72,7%).
Thời gian qua, Sở GD&ĐT cùng các phòng GD&ĐT tiến hành kiểm tra để công nhận trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT, địa bàn quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và các trường mầm non tư thục khó khăn về quỹ đất, nhất là sân chơi, diện tích bếp ăn, nhà vệ sinh, phòng y tế, văn phòng trường, sân chơi cho trẻ. Các trường mầm non công lập khó khăn về quỹ đất cơi nới, nâng tầng, diện tích phòng học, sân trường, các phòng hiệu bộ và chức năng. Ở khối tiểu học, hầu hết các quận đều có sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định (35 học sinh/lớp), một số trường có số lớp vượt trên 30 lớp.
Để đẩy nhanh tiến độ đăng ký trường chuẩn quốc gia, Sở GD&ĐT thực hiện các giải pháp nhằm giảm dần tỷ lệ học sinh/lớp, phân luồng, điều tiết học sinh, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; ổn định đội ngũ ngay từ đầu năm học đáp ứng yêu cầu dạy học và các hoạt động giáo dục, các điều kiện về đăng ký trường đạt chuẩn.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ