Từ một người khuyết tật, suýt thất học, không đầu hàng số phận, anh Trần Văn Sơn (SN 1983, quê huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cố gắng vươn lên, vượt qua hoàn cảnh, trở thành thầy giáo của hàng nghìn người.
Anh Trần Văn Sơn (phải) trao chứng nhận cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. |
Nhọc nhằn tìm con chữ
Khi mới sinh ra, anh Sơn cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm 2 tuổi, sau một trận ốm, hai chân anh bỗng nhiên teo quắp dần, không cử động được. Cánh tay phải cũng dần teo lại, không phát triển. Thương con, bố mẹ anh chạy chữa khắp nơi nhưng không được. Anh lớn lên trong thân hình ngày càng co quắp, chân, tay không phát triển bình thường. Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cắp sách đến trường, anh ao ước nhưng vì sức khỏe yếu, đôi chân không đi lại được nên chuyện đến trường là điều xa vời.
Không đầu hàng số phận, anh Sơn tự học tại nhà. Hằng ngày, anh lấy sách, vở của em gái tự mày mò tìm hiểu. Nhờ thông minh, sáng dạ, chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4 anh không bỏ sót một chữ nào. Lên lớp 5, anh ngỏ ý xin được đến trường học. Khi đó, đơn xin nhập học của anh không được chấp nhận vì không có học bạ từ lớp 1 đến lớp 4.
“Ngày đó, nhờ một cô giáo gần nhà xin cho tôi được học thử 3 tháng hè vì biết tôi học giỏi toán. Trong 3 tháng hè, tôi là một trong 2 học sinh có điểm cao nhất lớp. Nhờ vậy, thầy hiệu trưởng mới đồng ý cho tôi nhập học. Tôi vào học lớp 5 khi đã 15 tuổi, trễ 4 năm so với các bạn cùng trang lứa”, anh Sơn nhớ lại.
Vào đại học, vì đam mê, anh chọn học ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Suốt 5 năm đi học xa nhà, mỗi ngày, anh tự đến trường bằng xe lắc. Có những ngày học ở tầng lầu, anh phải đợi ở sân trường đến khi gặp bạn nhờ bạn cõng lên. Khổ nhất là khi trời mưa, anh phải đứng giữa trời mưa mong gặp bạn để nhờ bạn cõng vào lớp.
Những ngày ấy, mỗi khi đến giờ học, anh phải đấu tranh tư tưởng giữa đi học hay nghỉ. Trong suốt 5 năm đại học, anh rèn luyện cho mình ý chí, nghị lực kiên cường để vượt qua mọi khó khăn, chinh phục con chữ.
Thầy giáo của hàng nghìn người
Nhờ thông minh, chăm chỉ, khi đang còn là sinh viên, anh Sơn cùng nhóm bạn nghiên cứu và phát triển dự án Bán vé xe khách qua mạng, đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng kinh doanh sáng tạo 2007. Năm 2009, từ những kiến thức có được, anh Sơn tìm nhà đầu tư và thành lập Công ty CP Phú Hải Sơn, chuyên về bán vé xe khách qua mạng, khi còn đang là sinh viên năm 4. Công ty hoạt động được hơn 1 năm thì dừng lại vì dịch vụ bán hàng qua mạng chưa phù hợp với thời điểm đó.
Sau nhiều năm đi làm tích lũy kinh nghiệm, năm 2013, anh Sơn khởi động lại công ty với tên gọi Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ VinaEnter (gọi tắt là công ty VinaEnter) chuyên về đào tạo, tư vấn, triển khai marketing online, thiết kế phần mềm. Những ngày đầu thành lập và phát triển công ty, anh Sơn trải qua nhiều khó khăn, chật vật.
Vì không tự đi lại được, anh Sơn gặp nhiều bất tiện trong quá trình làm việc, giải quyết vấn đề. Có những lúc, anh tưởng chừng muốn dừng lại tất cả vì quá mệt mỏi. Thế nhưng, vượt qua tất cả thử thách, anh vẫn đứng vững trên đôi chân nhiều khiếm khuyết.
Qua hơn 5 năm phát triển, VinaEnter hiện có 2 chi nhánh, hoạt động ổn định với 21 lao động. “Chúng tôi hoạt động ở 2 mảng là cung cấp dịch vụ và đào tạo. Công ty cung cấp dịch vụ thiết kế phần mềm, trang web, tư vấn triển khai marketing online cho doanh nghiệp; đào tạo về công nghệ thông tin cho học viên”, anh Sơn nói.
Tính đến hiện tại, Công ty VinaEnter đã tổ chức đào tạo và trao chứng nhận cho hàng nghìn người. Anh Sơn là người trực tiếp đứng lớp, giảng dạy về lập trình viên cho khoảng 1.200 học viên; đào tạo marketing online cho khoảng 500 người, được nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công.
Nhìn hình ảnh người thầy giáo nhỏ nhắn, ngồi lọt thỏm giữa lớp học, say sưa giảng bài cho hàng chục học viên, mấy ai biết được anh Sơn từng suýt thất học, từng rất nhọc nhằn tìm kiếm con chữ.
Với tiêu chí “Đã học là làm được”, các học viên từng theo học tại VinaEnter được nhiều công ty lớn tại Đà Nẵng và trên cả nước đánh giá cao về trình độ chuyên môn.
“Hiện nay tại Đà Nẵng, hầu như công ty nào hoạt động về công nghệ thông tin cũng đều có học viên của VinaEnter làm việc. Chúng tôi tự hào là một trong những công ty dẫn đầu về đào tạo marketing online tại Đà Nẵng; cung cấp giải pháp và phần mềm cho các công ty, khẳng định được chỗ đứng tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung”, anh Sơn chia sẻ.
Theo anh Sơn, mỗi người khi sinh ra không có quyền lựa chọn hình hài, gia cảnh. Xấu đẹp, giàu nghèo không làm nên thành công của một người. Vấn đề là bản thân đã cố gắng phấn đấu, phát huy thế mạnh, vẻ đẹp của mình ra sao.
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG