Nơi lựa chọn và gửi gắm niềm tin

.

Mùa tuyển sinh 2019 bắt đầu “nóng” với bao trăn trở của các thí sinh. Đại học (ĐH) Đà Nẵng tiếp tục giữ ổn định phương án xét tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, được nhiều thí sinh lựa chọn.

Ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng giải đáp cho thí sinh những thông tin về tuyển sinh năm 2019.
Ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng giải đáp cho thí sinh những thông tin về tuyển sinh năm 2019.

Theo TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, năm 2019, phương án xét tuyển của 10 cơ sở giáo dục ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc tuyển sinh trình độ ĐH hệ chính quy tiếp tục giữ ổn định như năm 2018, dựa trên kết quả thi THPT quốc gia; xét học bạ và mở rộng diện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển cho nhiều ngành đào tạo.

TS. Quốc cho biết, năm nay, ĐH Đà Nẵng dự kiến có 13.100 chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH chính quy; trong đó 10.500 chỉ tiêu theo kết quả thi THPT quốc gia, gần 2.000 chỉ tiêu xét học bạ, còn lại là xét tuyển thẳng. Những ngành đào tạo mới dự kiến mở gồm: Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (Trường ĐH Bách khoa), Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử-Địa lý, Giáo dục công dân, Sư phạm tin học và công nghệ tiểu học, Sư phạm công nghệ (Trường ĐH Sư phạm).

Đồng thời, ĐH Đà Nẵng tiếp tục tuyển sinh, đào tạo các ngành đặc thù như: Công nghệ thông tin, Du lịch... và sinh viên được đào tạo thực tế một phần thời gian tại doanh nghiệp.

Mùa tuyển sinh năm 2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật dành 900 chỉ tiêu để xét tuyển các thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đã dự thi THPT quốc gia 2019 với các môn thi/bài thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển và 600 chỉ tiêu còn lại để xét tuyển theo kết quả học bạ (với tổ hợp môn tương ứng) đối với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT.

Thầy Nguyên Thanh Hội, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo nhà trường cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 1.500 sinh viên với các ngành nghề: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sinh học ứng dụng, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ô-tô, Sinh học ứng dụng...

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế tuyển 2.890 chỉ tiêu với các ngành nghề: Hệ thống thông tin quản lý, Kế toán, Kiểm toán, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại, Kinh tế, Marketing, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhân lực...

PGS.TS. Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, trường thống nhất không tăng chỉ tiêu tuyển sinh để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài việc xét tuyển dựa trên các tổ hợp tuyển sinh như các năm (2.225 chỉ tiêu), điểm mới năm nay là trường sẽ dành 665 chỉ tiêu cho các nhóm trường hợp tuyển thẳng.

Nhà trường mở rộng thêm một số đối tượng tuyển thẳng, như: học sinh tốt nghiệp THPT có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm (tính đến ngày 20-8-2019) đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 điểm trở lên và có tổng điểm 2 bài/môn thi THPT quốc gia năm 2019 trong tổ hợp môn xét tuyển của Trường Đại học Kinh tế (trong đó có môn Toán và môn khác không phải là Ngoại ngữ) đạt từ 12 điểm trở lên.

Ngoài ra, những thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài Truyền hình Việt Nam, tốt nghiệp và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 theo tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 18 điểm trở lên cũng được tuyển thẳng.

Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh 1.470, điểm mới năm nay của Trường ĐH Ngoại ngữ là ngành Ngôn ngữ Pháp có thêm chuyên ngành Tiếng Pháp truyền thông và sự kiện.

Năm 2019, nhà trường vẫn giữ ổn định phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tất cả các tổ hợp môn xét tuyển ở các ngành đều nhân hệ số 2 môn Ngoại ngữ. Điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: “Với tiêu chí lấy người học là trung tâm, chất lượng là yếu tố “sống còn” gắn với trách nhiệm xã hội, ĐH Đà Nẵng luôn chào đón các bạn học sinh, dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các tài năng, học sinh giỏi từ khắp mọi miền đất nước”.

TS. Vũ nhấn mạnh, với 2.500 cán bộ, giảng viên, trong đó 90% có trình độ sau ĐH, 32% có trình độ tiến sĩ trở lên, phần lớn đào tạo ở nước ngoài cùng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, ĐH Đà Nẵng không ngừng đổi mới chương trình, phương pháp dạy-học tiên tiến.

Theo đó, sinh viên có nhiều thời lượng thí nghiệm, thực hành, thực tập, phát triển phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp, hướng tới “công dân toàn cầu”, đáp ứng thị trường lao động trong nước, quốc tế (bình quân hơn 85-90% sinh viên có việc làm sau 6-12 tháng tốt nghiệp). Bằng cấp của ĐH Đà Nẵng được công nhận bởi hầu hết các trường ĐH uy tín để được làm việc, chuyển tiếp, du học, học sau ĐH trên khắp thế giới.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh về các trường thuộc Đại học Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Phan Châu Trinh.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh về các trường thuộc Đại học Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Hoạt động tư vấn tuyển sinh tại Trường THPT Phan Châu Trinh.

Hiện ĐH Đà Nẵng có 4 trường ĐH thành viên đạt chuẩn chất lượng giáo dục quốc gia, riêng Trường ĐH Bách khoa còn đạt chuẩn chất lượng châu Âu (HCERES). ĐH Đà Nẵng có 15 chương trình đào tạo đã kiểm định đạt chuẩn quốc tế (Đông Nam Á AUN-QA và châu Âu CTI) theo lộ trình đến năm 2025 sẽ có 60 chương trình đào tạo kiểm định quốc tế.

Với phương thức tuyển sinh năm nay của các trường thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng, thí sinh có cơ hội trúng tuyển cao, được xem xét các nguyện vọng để chọn ngành phù hợp, hưởng nhiều chính sách ưu đãi về học phí của một đại học công lập.

Bên cạnh nhiều học bổng giá trị cao dành cho tân sinh viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn được vay tín dụng học tập thông qua các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Theo bảng xếp hạng UniRank được công bố tháng 8-2018, ĐH Đà Nẵng được tổ chức 4ICU (viết tắt của For International Colleges and Universities - tổ chức xếp hạng các trường đại học có uy tín đã được kiểm định hoặc công nhận bởi các cơ quan, tổ chức giáo dục quốc gia, quốc tế) xếp hạng đứng thứ 2/67 các ĐH Việt Nam và 2 năm liền nằm trong top 400-500 ĐH tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng uy tín của QS-Asia Vương quốc Anh công bố tháng 10-2018.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
;
.
.
.
.
.