Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, Đà Nẵng có hơn 10.000 học sinh lớp 12 các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia. Cho đến thời điểm này, các trường THPT đã hoàn thành chương trình của khối lớp 12 và đang chạy nước rút chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Học sinh lớp 12 đang tích cực ôn luyện tại trung tâm Vật lý Quốc Huy (Đà Nẵng). |
Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết, nhằm giúp học sinh có được kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, sở đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác ôn tập. Sở cũng đã tổ chức kỳ thi thử nhằm đánh giá năng lực của học sinh, giúp các em có kinh nghiệm trong quá trình làm bài thi. Tuy nhiên, để giúp các em đạt kết quả tốt, các giáo viên cần giúp học sinh hệ thống kiến thức khoa học, dễ nhớ, dễ vận dụng; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng hiệu quả phương tiện dạy học để tăng chất lượng dạy học qua từng bài giảng.
Theo cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hoàng Hoa Thám, trước hết, giáo viên cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng trong quá trình dạy từng bài cụ thể và ôn tập; nghiên cứu kỹ đề minh họa của Bộ GD-ĐT để thông qua các bài kiểm tra trong năm học cho học sinh làm quen với cấu trúc đề, dạng đề thi THPT quốc gia. Học sinh cần ôn tập kỹ từng đơn vị kiến thức. Nếu chỉ xét tốt nghiệp THPT, học sinh ôn tập kiến thức cơ bản; đối với học sinh dùng môn Ngữ văn xét tuyển Đại học thì ôn tập có chú trọng kiến thức nâng cao. Cô Hạnh cho hay, đến thời gian này, về kiến thức, học sinh cơ bản đã chuẩn bị nên giáo viên chỉ cần rèn cho học sinh kỹ năng làm bài.
“Thực tế dạng đề thi từ phần đọc hiểu đến nghị luận xã hội, nghị luận văn học mấy năm gần đây đều hết sức đa dạng, có nhiều điểm mới nên học sinh cần được rèn tư duy trong nhận diện đề, huy động và xử lý, tổng hợp kiến thức môn Ngữ văn. Học sinh cần ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên và tài liệu ôn tập các trường đã soạn; làm bài đề thi thử của các trường và Sở GD-ĐT để làm quen với việc phân bố thời gian làm bài, là cơ hội để ôn lại kiến thức và kỹ năng làm bài”, cô Hạnh truyền kinh nghiệm.
Thầy Phan Quốc Huy, giáo viên có kinh nghiệm ôn luyện thi môn Vật lý tại Trung tâm Vật lý Quốc Huy (Đà Nẵng) cho biết, môn Vật lý có rất nhiều công thức, học sinh không nên học thuộc một cách máy móc vì khi làm bài rất dễ bị nhầm lẫn. Vì vậy, học sinh cần phải hiểu được bản chất của từng công thức, phạm vi áp dụng, gắn nó với các kiểu bài cụ thể; tránh việc “học tủ”, nên học một cách toàn diện, tìm hiểu kỹ kiến thức trong sách giáo khoa và sách bài tập.
Theo thầy Huy, đối với học sinh có học lực trung bình, để đạt điểm năm hay điểm sáu không quá khó. Các em cần ôn tập thật kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập. Học sinh có học lực khá và giỏi thì cần chú trọng ôn kỹ và ôn sâu, toàn diện, tập giải nhiều dạng bài, đặc biệt là phân biệt một cách rạch ròi các phương pháp khác nhau; cần mở rộng, nâng cao và rèn luyện tư duy tổng hợp kiến thức.
“Không nên tự đánh mất niềm tin sẽ làm chùn bước tiến và làm giảm sự phát triển tư duy trong quá trình ôn tập và dẫn đến kết quả không mong muốn trong kỳ thi chính. Cũng không nên lý tưởng hóa về con điểm mà vượt quá khả năng của mình để tránh trường hợp “trèo cao té đau””, thầy Huy chia sẻ.
Ngoài chia sẻ cách ôn tập để làm điểm cao, cựu học sinh Trường THPT Phan Thành Tài Đặng Thị Minh Ngân còn chia sẻ “bí kíp” làm bài thi. Theo đó, đối với môn thi tự luận, học sinh phải đọc kỹ đề thi trước khi đặt bút làm bài. Việc đọc kỹ đề không chỉ giúp học sinh tránh làm lạc đề mà còn giúp học sinh tập trung ngay vào vấn đề trọng tâm và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Đối với làm bài thi trắc nghiệm, học sinh cần đọc kỹ đề thi một lượt, sau đó chọn những câu dễ làm trước.
Ngoài ra, giải ra kết quả câu nào thì đánh dấu ngay câu đó, tránh tình trạng giải xong để đó đến cuối giờ sẽ dễ bỏ sót. Đối với những câu hỏi khó, học sinh nên thận trọng, nhớ lại chính xác công thức, định lý và tính toán thật chắc chắn...
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ