Không ngừng khẳng định uy tín và chất lượng quốc tế

.

Thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng-ĐHĐN) không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, là “cánh chim đầu đàn” trong chiến lược nâng cao uy tín và chất lượng quốc tế.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (giữa) và PGS, TS Đoàn Quang Vinh (thứ hai, từ phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).
PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (giữa) và PGS, TS Đoàn Quang Vinh (thứ hai, từ phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường thành viên Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

Trong số 12 chương trình đào tạo (CTĐT) kiểm định đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) và 3 CTĐT đạt chuẩn Châu Âu (CTI), Trường Đại học Bách khoa (ĐHĐN) có 2 chương trình đào tạo (CTĐT ngành Điện tử-Viễn thông và CTĐT ngành Hệ thống nhúng) thuộc Chương trình tiên tiến Việt-Mỹ đạt chất lượng cao nhất Việt Nam và xếp thứ hai trong các CTĐT đã kiểm định theo AUN-QA; đồng thời CTĐT ngành Kiến trúc của nhà trường là CTĐT ngành Kiến trúc đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn AUN-QA.

Trước đó, Trường Đại học Bách khoa (ĐHĐN) cũng là 1 trong trong 4 trường đại học hàng đầu của Việt Nam lần đầu tiên kiểm định và đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn Châu Âu (HCERES) giai đoạn 2017-2022. Đây là thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường, khẳng định uy tín, học hiệu với cộng đồng thông qua sự chủ động hội nhập với khu vực và quốc tế.

PGS, TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết, các CTĐT của trường đều là những ngành “hút” nhân lực trên thị trường lao động hiện nay. Tiên phong xây dựng các CTĐT tiên tiến, chất lượng cao (từ năm 1999), Trường Đại học Bách khoa không ngừng đổi mới toàn diện các CTĐT áp dụng theo các phương pháp tiên tiến trên thế giới như: Phương pháp tiếp cận CDIO (Conceive-Design-Implement-Operate) hay “Học theo Dự án” (Project Based Learning-PBL)...

Theo đó, CTĐT được thiết kế theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp. Việc triển khai hệ thống theo mô hình PBL giúp sinh viên đáp ứng các chuẩn về kiến thức và các kỹ năng: giải quyết vấn đề, tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện và sáng tạo, giao tiếp và làm việc nhóm... Bên cạnh khối kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được tăng cường kỹ năng ngoại ngữ bằng việc tăng thời lượng học tiếng Anh ngay từ năm thứ nhất để đạt chuẩn đầu ra 600 điểm TOEIC quốc tế.

“Những thay đổi mang tính đột phá này chính là hành trang giúp sinh viên tự tin với những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đã trau dồi, tích lũy để có thể sớm thích ứng được với yêu cầu mới, gia tăng cơ hội cho sinh viên có việc làm và khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, PGS, TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.

Cùng với việc chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Bách khoa liên tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất công tác dạy và học. Đặc biệt, công trình Văn phòng Tài nguyên bảo đảm chất lượng giáo dục NQS4I (Mạng lưới chia sẻ, cải tiến) hợp tác chính thức với mạng lưới các trường Đại học khu vực ASEAN (AUN) được đặt ngay tại trường đã góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hướng đến tầm nhìn chung về mục tiêu: “Bảo đảm chất lượng để chia sẻ - học tập - hợp tác và cải tiến”.

Với chiến lược phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chất lượng cao, cung cấp cho người học một môi trường giáo dục và nghiên cứu khoa học tốt nhất, Trường Đại học Bách khoa liên tục rà soát để hoàn thiện, nâng cao chất lượng theo khuyến nghị của các tổ chức kiểm định. Đầu năm 2019, lần đầu tiên lãnh đạo chính quyền thành phố và các nhà đầu tư tại Đà Nẵng đã “đặt hàng” nguồn nhân lực chất lượng cao với nhà trường.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Bách khoa là đơn vị chịu trách nhiệm chính đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các dự án công nghệ cao của Đà Nẵng, trong đó có dự án Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay của Tập đoàn UAC-Hoa Kỳ.

Theo PGS, TS Đoàn Quang Vinh, đây là cơ hội cũng là thách thức lớn đặt ra cho đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên nhà trường. “Để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Bách khoa sẽ tiếp tục cải tiến nội dung, CTĐT bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, các trang thiết bị bảo đảm phục vụ yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực hành và thực tập; mở rộng hợp tác với các trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo”, PGS, TS Đoàn Quang Vinh khẳng định.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH, chuyển giao công nghệ để không ngừng khẳng định, nâng cao uy tín, vị thế trong tiến trình hội nhập giáo dục đại học khu vực và quốc tế là yếu tố mang tính “sống còn” trong chiến lược phát triển bền vững của ĐHĐN”.

Các cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHĐN cần tập trung khơi dậy, phát huy tiềm năng trí tuệ và công sức của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên, tích cực tham gia góp ý, phản biện khoa học các dự thảo Nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố Đà Nẵng và các địa phương; qua đó đề xuất, “hiến kế” để kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết của thực tiễn, khẳng định vai trò, sứ mệnh đại học vùng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”.

HẢI ĐĂNG
 

;
;
.
.
.
.
.