Lễ vinh danh thủ khoa, nâng bước tân sinh viên năm 2019 vừa được Đại học (ĐH) Đà Nẵng tổ chức như một dấu ấn để khép lại mùa tuyển sinh thành công tốt đẹp, thu hút hơn 11.000 tân sinh viên; trong đó Trường ĐH Kinh tế (DUE) đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh với hơn 2.900 tân sinh viên khóa 45 nhập học.
Nhờ đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế đã tạo nên một môi trường học tập giàu cảm hứng. TRONG ẢNH: Kiểm định các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế AUN-QA. |
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh đối với giáo dục ĐH, việc Trường ĐH Kinh tế luôn được sinh viên lựa chọn, chất lượng đầu vào cao là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà trường trong đào tạo nhân lực hầu hết các ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Trong những nỗ lực ấy, kiến tạo một môi trường học tập, nghiên cứu chuẩn quốc tế, truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên là chiến lược trọng tâm mà nhà trường luôn đầu tư chăm lo và hướng đến.
Năm học 2018-2019, lần đầu tiên, 2 chương trình đào tạo (CTĐT) Quản trị kinh doanh và Kế toán của trường được kiểm định, đạt chuẩn chất lượng quốc tế AUN-QA của Hội đồng bảo đảm chất lượng mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á, góp phần đưa ĐH Đà Nẵng xếp thứ ba trong cả nước về số CTĐT đạt chuẩn quốc tế. Mục tiêu trong năm học mới 2019-2020, Trường ĐH Kinh tế sẽ tiếp tục kiểm định thêm 3 CTĐT theo chuẩn AUN-QA là Kiểm toán, Kinh doanh quốc tế và Marketing, giữ ổn định quy mô 11.500 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo với 27 chuyên ngành cử nhân, 6 chuyên ngành thạc sĩ và 4 chuyên ngành tiến sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho biết:“Là một trường ĐH định hướng nghiên cứu, chúng tôi luôn nỗ lực đem lại một môi trường học thuật tiên tiến, hình thành nền tảng giúp sinh viên có năng lực tự học, thích nghi và khám phá tri thức suốt đời, đủ sức giải quyết những thách thức kinh tế-xã hội trong thực tiễn, luôn đóng góp cho sự thịnh vượng của cộng đồng”. Để làm được điều đó, nhà trường luôn lấy “người học là trung tâm”, tạo dựng bồi đắp nên một môi trường học tập giàu cảm hứng cho sinh viên. Để tạo nên môi trường học tập giàu cảm hứng ấy có đội ngũ giảng viên trẻ, trong đó có nhiều giảng viên được cử đi tiếp thu, học tập các chương trình đào tạo từ nước ngoài. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên hiện nay cũng đã từng là sinh viên của nhà trường.
“Chính họ đã luôn khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ sinh viên nối tiếp nhau như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình gần 45 năm xây dựng, phát triển của Trường ĐH Kinh tế. Chỉ có niềm đam mê, sự chủ động học tập, tự khám phá và phát triển năng lực bản thân mới có những thế hệ sinh viên đủ sức đi xa, trở thành những công dân toàn cầu trong dòng chảy hội nhập”, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Toàn nhấn mạnh.
Nhờ có tiềm lực đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học có trình độ cao, thời gian qua, Trường ĐH Kinh tế liên tục đổi mới phương pháp dạy-học tích cực, ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo và quản lý, vận hành CTĐT từ kinh nghiệm các trường ĐH hàng đầu là đối tác quốc tế, để đưa vào áp dụng cho các chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo quốc tế (đầu tư đáng kể ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên), CTĐT theo cơ chế đặc thù... PGS.TS. Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế chia sẻ, sinh viên DUE được tạo mọi điều kiện để phát huy thái độ tích cực, chủ động trong học tập thông qua nhiều mô hình các CLB học thuật, kỹ năng, các nhóm học tập theo chuyên ngành, dự án… Nhà trường phân cấp mạnh mẽ cho các khoa chủ động tổ chức hoạt động đào tạo từ các buổi lễ tốt nghiệp, hội thảo, các cuộc thi, hoạt động ngoại khóa; qua đó, phát hiện, ươm mầm những hạt nhân trong sinh viên và hun đúc tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, phục vụ cộng đồng.
PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2018-2019, 7 giảng viên của DUE đã được UBND thành phố Đà Nẵng khen thưởng vì có bài báo công bố quốc tế xuất sắc; sinh viên của trường đạt nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học như: Giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng hệ thống thông tin quản lý 4.0” (M.I.S Project 2018), Giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018; giải nhì (không có giải nhất) lĩnh vực Kinh tế Giải thưởng Eureka - 2018 lần thứ 20 của thành phố Hồ Chí Minh, giải ba Olympic sinh viên toàn quốc về Kinh tế lượng và ứng dụng 2019… Nhờ tạo dựng, chăm lo kiến tạo được một môi trường giàu cảm hứng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế đã gặt hái nhiều thành công không chỉ trong học tập mà còn trong các “sân chơi” văn hóa, học thuật ở tầm khu vực và quốc gia.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, Trường ĐH Kinh tế là trường đầu tiên của khu vực miền Trung được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm (tháng 12-2017) và bước đầu thành công với cơ chế “tự chủ ĐH”. Không dừng lại ở đào tạo theo định hướng ĐH nghiên cứu hay ứng dụng, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã và đang “chuyển động” theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để trở thành những trường ĐH “thông minh” biết định hướng và tạo môi trường giúp SV tiếp cận thực tế, hun đúc tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trường ĐH Kinh tế hội đủ tiềm lực, truyền thống và khát vọng để trở thành “ngọn hải đăng” đổi mới trong mạng lưới hệ thống các trường ĐH lĩnh vực kinh tế của cả nước hướng ra hội nhập với khu vực và thế giới.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục là thách thức đối với các trường ĐH Việt Nam trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn hạn hẹp. Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo, xu thế “tự chủ ĐH” là tất yếu và đã được Luật Giáo dục ĐH sửa đổi ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019) quy định, tạo cơ sở, hành lang pháp lý. Đây chính là cơ hội để Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng vươn lên, bằng sự đồng thuận và quyết tâm cao của tập thể giảng viên và sinh viên, huy động các nguồn lực để phát triển, hoàn thiện môi trường học tập, giảng dạy và nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, thực sự là điểm đến tin cậy, là lựa chọn của sinh viên và cộng đồng.
Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG