Chưa chốt giá sách giáo khoa mới

.

Bộ GD-ĐT vừa công bố danh mục 32 sách giáo khoa lớp 1 mới. Từ những bản mẫu sách đã ra mắt, không ít ý kiến cho rằng giá SGK sẽ tăng cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Danh mục 32 sách giáo khoa (SGK) lớp 1  của 8 môn học được sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021. Trong đó, có 4 bộ SGK mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) ra mắt hồi đầu tháng 11 này.

Ở thời điểm ra mắt các bản mẫu SGK mới, đại diện NXBGDVN cũng nói rằng: “SGK mới, về mặt chất lượng, chủng loại, giấy, kỹ thuật in đều được nâng lên và hiển nhiên về chi phí nguyên vật liệu đã làm cho giá thành tăng lên”.

Một trong 4 bản mẫu SGK lớp 1 mới của NXBGDVN được giới thiệu hôm 8-11-2019.
Một trong 4 bản mẫu SGK lớp 1 mới của NXBGDVN được giới thiệu hôm 8-11-2019.

“Đặt ra vấn đề SGK mới giá như cũ là không thể”

Đây là câu trả lời của vị đại diện NXBGDVN khi phóng viên đặt câu hỏi: “Phụ huynh nhìn mức giá cao sẽ có phản ứng, NXB có tính đến chuyện này không?”. Tuy nhiên, vấn đề giá sách vẫn hiện chưa được quyết định.

Theo NXB, giá sách còn phụ thuộc và đánh giá thị trường, số lượng xuất bản thế nào thì giá sẽ ra sao. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố những bộ SGK mới, các NXB sẽ còn tiếp tục đào tạo, tập huấn, giới thiệu và làm marketing, từ đó xây dựng kế hoạch dự kiến, xây dựng giá bán và triển khai in ấn.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo công bố Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT) Ngô Văn Thịnh cho biết, với vấn đề giá SGK, tại Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính để biên soạn SGK.

Theo ông Thịnh, cơ chế giá SGK sẽ công bằng và tránh việc tăng đột biến: “SGK có phạm vi bao phủ rất rộng, ảnh hưởng tới toàn thể các gia đình. Do vậy, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ một cơ chế giá SGK phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh việc tăng giá đột biến. Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chủ trì trong vấn đề này. Trong trường hợp vấn đề này vượt thẩm quyền Chính phủ, chúng tôi sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận SGK từ ba đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM. Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục “Không đạt”.

Sau khi tiếp nhận các bản mẫu SGK “Đạt”, Bộ GD-ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lý đối với SGK để trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Trong danh mục 32 SGK lớp 1 được Bộ phê duyệt lần này không có 6 cuốn sách Tiếng Anh. Lý giải điều này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: “Trong chương trình lớp 1 có hai môn: Tiếng Dân tộc và Tiếng Anh là môn tự chọn. Lần phê duyệt và công bố này chỉ gồm các môn học bắt buộc. Tới đây, Bộ sẽ công bố các môn học tự chọn và những bản thảo SGK được thẩm định”. 

Trách nhiệm chọn SGK là của các địa phương

Một chương trình cho phép lưu hành nhiều bộ SGK cũng làm dấy lên ý kiến về vấn đề lựa chọn bộ sách nào? Việc học sinh khi chuyển nơi ở, tới địa phương mới không sử dụng cùng bộ SGK thì các em có khó khăn để theo kịp chương trình hay không?... Đây là những thắc mắc, lo ngại, đặc biệt là của các bậc phụ huynh có con học theo chương trình phổ thông mới.

Theo Bộ GD-ĐT: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. “Khi thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách, việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương. Trong quá trình triển khai và sau lựa chọn được sách, NXB sẽ tham gia cùng các Sở để tập huấn cho giáo viên sử dụng sách”, ông Thành nói.

Thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách cho địa phương.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.