Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Để mỗi ngày đến trường là hạnh phúc

.

Nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học hiện nay đối diện rất nhiều áp lực và họ cần được sự chia sẻ. Theo nhiều ý kiến, sự đồng hành, sẻ chia của hiệu trưởng - người trực tiếp quản lý họ là điều rất quan trọng, để mỗi ngày đến trường của họ là niềm vui, hạnh phúc.

Để mỗi giáo viên khi đến trường cảm thấy hạnh phúc, người quản lý phải thấu hiểu và chia,sẻ.  Trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Mỹ Hiệp- giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học đang dạy học sinh.
Để mỗi giáo viên khi đến trường cảm thấy hạnh phúc, người quản lý phải thấu hiểu và chia,sẻ. Trong ảnh: Cô Nguyễn Thị Mỹ Hiệp- giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học đang dạy học sinh.

Bảo đảm tối đa quyền lợi cho giáo viên

Mỗi buổi sáng, cô Hồ Thị Kim Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Cúc đều đến trường rất sớm để chào hỏi, động viên từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Sau đó, cô đến từng lớp để nắm tình hình, những khó khăn trong công việc chăm sóc trẻ hằng ngày.

Đặc biệt, khi 2 nhóm trẻ dưới 18 tháng tuổi theo Đề án thí điểm của thành phố đi vào hoạt động, không chỉ có động viên, người hiệu trưởng nhiệt huyết này còn “xắn tay áo” để phụ giúp cùng các cô.

Đặc biệt, cô Kim Hiền đều vận dụng linh hoạt các chính sách để bảo đảm quyền lợi tối đa cho các giáo viên yên tâm công tác. Cô Kim Hiền nhìn nhận: “Nghề dạy trẻ mầm non là nghề “làm dâu trăm họ”, đi sớm, về muộn, vất vả trăm bề. Vì vậy, việc chia sẻ với các cô giáo là rất quan trọng”.

Cô Lê Bảo Ngọc, giáo viên Trường mầm non Hoàng Cúc cho rằng, sự quan tâm, chia sẻ của hiệu trưởng giúp cho giáo viên trong toàn trường cảm thấy yên tâm, từ đó nỗ lực để cống hiến cho nhà trường.

Theo các giáo viên Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường luôn biết phân cấp, giao quyền cho giáo viên và luôn đồng hành, chia sẻ với họ.

Cô Nguyệt luôn đặt niềm tin vào giáo viên, giúp họ khơi dậy niềm đam mê, tâm huyết với nghề. Cô Nguyệt đặc biệt bảo đảm nguyên tắc công tâm, công bằng, đúng người, đúng việc trong tuyên dương, khen thưởng khi đánh giá giáo viên, tạo sự khích lệ, phấn đấu cho từng cá nhân.

Khi giáo viên mắc sai phạm, tùy theo mức độ sự việc, cô Nguyệt có cách góp ý để họ sửa sai thay vì chỉ trích. “Làm sao giữa người hiệu trưởng và giáo viên không có khoảng cách sẽ giúp công việc của nhà trường thông suốt hơn; giáo viên sẽ tin rằng mọi việc đều có cách giải quyết và yên tâm công tác”, cô Nguyệt chia sẻ.

Biết cách huy động “chất xám” của tập thể

“Người quản lý cần tổng hòa nhiều biện pháp. Trước hết, cần phải giảm nhẹ về hồ sơ, sổ sách; giảm các cuộc họp không cần thiết; phát huy vai trò của giáo viên trong các buổi họp như Hội đồng sư phạm, chuyên môn bằng các hình thức tích cực, hạn chế việc hiệu trưởng, hiệu phó nói, giáo viên ngồi dưới nghe…”, cô Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lai chia sẻ.

Để thực hiện điều này, theo cô Tường Vi, nhà trường phải để giáo viên tham gia xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu dài hạn, trung hạn… của tập thể, xác định các bước phát triển của nhà trường. Khi huy động được “chất xám” của tập thể thì mới huy động sức mạnh của tập thể, tập thể sẽ tự giác thực hiện mà không thấy nặng nề, áp lực. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cần hiểu rõ hoàn cảnh từng cá nhân, động viên, khích lệ, tuyên dương kịp thời.

Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà cho rằng, để mang lại niềm vui trong mỗi ngày đến trường cho giáo viên, người quản lý cần nắm vững các chủ trương, kế hoạch của ngành để triển khai đến giáo viên, cố gắng tinh giản nếu có thể, không đặt thêm những kế hoạch không cần thiết.

Thực hiện tốt quy chế tập trung dân chủ, công bằng trong phân công công việc cũng như trong đánh giá xếp loại. Đặc biệt, không nên đặt nặng tiêu chí thi đua về kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lưu ban, yếu kém. Lãnh đạo nhà trường cũng cần có năng lực quản lý nhằm nắm được sở trường sở đoạn và hoàn cảnh của từng giáo viên để phân công công việc hợp lý, công bằng, khách quan.

Trong khi đó, ông Võ Trung Minh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cho rằng áp lực của giáo viên hiện nay rất nặng nề từ chương trình giáo dục ngày một thay đổi, áp lực từ đổi mới phương pháp giảng dạy, áp lực từ phụ huynh… Trong năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT quận Sơn Trà triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là cơ hội để ngành thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện.

“Dù ở vị trí công tác nào, giữ nhiệm vụ gì, tôi mong rằng, mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi nhân viên trong toàn ngành hãy luôn sáng tạo, học hỏi, rèn luyện và phấn đấu là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo; xứng đáng với lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”, ông Võ Trung Minh tin tưởng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.