ĐNO - Giờ học môn Ngữ văn của nhiều học sinh khối 11, Trường THPT Thanh Khê trở nên sinh động hơn bởi sự hóa thân của chính các em thành những nhân vật trong các tác phẩm đã học như: Chữ người tử tù, Hai đứa trẻ, Chí Phèo...
Một cảnh trong phim ngắn "Hai đứa xứng đôi", tái hiện truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao do học sinh lớp 11/10 trường THPT Thanh Khê thực hiện. Ảnh cắt từ clip. |
Tiết học môn Ngữ văn của học sinh lớp 11/10, Trường THPT Thanh Khê trở nên rôm rả, vui vẻ hơn bởi đoạn phim ngắn "Hai đứa xứng đôi" do chính các em thực hiện được trình chiếu trước lớp.
Đoạn phim “made by học sinh” này dài hơn 6 phút, với đầy đủ các phân vai nhân vật trong truyện “Chí Phèo” như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến... Phim được làm theo hiệu ứng trắng đen, âm thanh rè theo đúng hình thức của những tập phim Việt Nam của thế kỷ trước. Trong phim, dàn diễn viên là những cô cậu học trò lớp 11 với diễn xuất hồn nhiên, vô tư cùng biểu cảm hóm hỉnh. Đạo cụ, hóa trang của các diễn viên không chuyên cũng hết sức đơn giản.
Đoạn phim kết thúc kèm theo tràng vỗ tay và tiếng cười không ngớt của các học sinh trong lớp. Đây chính là bài tập lấy điểm cột 15 phút của các em. Người đề xuất cột điểm thú vị này chính là cô giáo Nguyễn Ngọc Thảo.
Cô Thảo chia sẻ: “Tôi tham khảo các mô hình giảng dạy môn Ngữ văn ở nhiều nơi và nhận thấy hoạt động làm phim, làm clip từ các tác phẩm văn học rất phổ biến. Bên cạnh đó, thời gian gần đây có nhiều kênh video trên mạng xã hội với nội dung và hình thức mô phỏng phim ngày xưa đã nhận được sự ủng hộ của người xem. Đó là một ý tưởng tích cực, giúp cho học sinh có hứng thú hơn với môn Ngữ văn”.
Theo cô Thảo, chương trình Ngữ văn của khối 11 có nhiều tác phẩm sinh động, ý nghĩa như “Chí Phèo”, “Tam đại con gà”, "Chữ người tử tù"… có thể dựng thành trích đoạn hoặc phim ngắn chuyển thể. Bên cạnh việc học và đọc truyện thì việc tự mình hóa thân vào nhân vật giúp các em “thấm” kiến thức hơn. Hoạt động làm phim được phổ biến ở 3 lớp 11 do cô Thảo đứng lớp. Mỗi tập phim có thời lượng 5-10 phút. Ở đó, các em tự lên ý tưởng, phân vai và quay phim, dựng phim hoàn chỉnh.
Là thành viên của ê-kíp "Hai đứa xứng đôi", em Bùi Xuân Huy và Trần Ngọc Phương Anh, học sinh lớp 11/10 cho hay, việc học bằng phim ngắn như thế này giúp các em vui hơn, hứng thú hơn với môn học, đồng thời cũng cảm thụ tốt hơn ý nghĩa của tác phẩm, nhớ bài lâu hơn.
Những cảnh quay thô sơ với thiết bị đơn giản đã mang lại niềm vui của các em học sinh với môn học. Ảnh cắt từ clip. |
Là người dựng phim, em Bùi Xuân Huy cho biết, em tự học dựng phim, tạo hiệu ứng trắng đen từ Internet và hướng dẫn của anh trai. Thiết bị quay dựng chỉ là chiếc điện thoại và máy tính cũ. Bối cảnh được Huy và các bạn chọn quay là Thiền viện Bồ Đề. Sau một ngày để quay và gần một tuần hậu kỳ, sản phẩm được hoàn thành, theo đúng tinh thần “cây nhà lá vườn”.
Trong khi đó, em Trần Ngọc Phương Anh đảm nhận vai nhân vật Thị Nở chia sẻ: “Làm xong phim này, em nhận thấy được sự hứng thú, ủng hộ của bạn bè, thầy cô. Và vui hơn khi clip được chia sẻ rộng rãi. Chưa kể, được hóa thân vào nhân vật mới thấy mình như sống cùng câu chuyện, sống cùng tác phẩm. Đó là điều mà trước giờ em chưa nắm bắt được hết nếu chỉ học bài đơn thuần”.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Thảo cho hay, bên cạnh việc làm phim ngắn, các em học sinh còn tham gia hoạt động vẽ tiểu sử tác giả văn học mô phỏng theo hình thức một trang Facebook cá nhân. “Làm phim hay vẽ cũng tốn thời gian, đầu tư nhiều nhưng đổi lại được niềm vui và sự hứng thú cho học sinh, các em sẽ học được nhiều hơn từ những hoạt động này. Vui hơn khi hoạt động nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh và nhà trường”, cô Thảo cho biết.
Các phim được tải lên và lưu trữ ở một kênh video Youtube để mọi người tiện xem lại và chia sẻ. “Đây không chỉ là kiến thức mà còn là niềm vui, là kỷ niệm của mỗi em học sinh. Kiến thức của hôm nay, một ngày đó có thể các em sẽ không còn nhớ rõ, nhưng kỷ niệm từ những bài tập đặc biệt này sẽ còn mãi, theo các em đến suốt đời”, cô Thảo chia sẻ.
XUÂN SƠN