Đi làm về thấy con gái ngồi hí hoáy tô tô vẽ vẽ: “Thời khóa biểu Covid - 19”. Cô nàng đang tự thiết kế thời khóa biểu cho những ngày nghỉ học phòng chống dịch.
Lang thang mạng xã hội lại đọc được mấy dòng: “Con gái đã nấu được món cá chuồn kho cà chua xanh, rặt hương vị Quảng Nam, thơm ngon đến giọt cuối cùng”. Một người bạn khác lại khoe: “Nhà em có bán trà sữa N.H, trân châu đen siêu to khổng lồ. Mẹ chỉ xin chân phụ bếp thôi nha”… Hóa ra, những ngày nghỉ dài lại là cơ hội để các con rèn luyện kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giúp đỡ mọi người trong gia đình.
Có lẽ với tất cả chúng ta, đặc biệt là các em học sinh, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sẽ rất khó để quên với những ngày nghỉ dài hạn, bất đắc dĩ. Với người lớn, để thích nghi với một sự thay đổi đột ngột cũng không phải là chuyện dễ dàng, huống gì là trẻ con, là học sinh - cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Bất cứ sự cố nào đều có cách để giải quyết và kết thúc nhưng mỗi người sẽ có cách xử lý và thu nhận kết quả khác nhau.
Cô bạn của tôi vẫn thường nói vui rằng: Chuyện gì rồi cũng xong; khác nhau là xong như thế nào. Những ngày phòng chống dịch, mới nhận thấy rằng việc rèn luyện tính tự lập cho trẻ là vô cùng cần thiết. Tự lập để tự chăm sóc bản thân, tự lập để tự ứng phó, xử lý các tình huống mà các con sẽ gặp phải trong cuộc sống. Ai cũng hiểu điều đó nhưng để rèn luyện được cho con cái tính tự lập quả là hành trình gian nan.
Tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ là con cái lúc nào cũng nhỏ bé, non nớt, lóng ngóng; vì vậy, chúng ta thường làm thay, quyết định hộ mọi việc từ những việc nhỏ liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày đến những việc lớn liên quan đến sự nghiệp, tình yêu, tương lai về sau… Ngoài ra, với công việc tất bật, bận rộn, chúng ta không đủ thời gian và thiếu kiên nhẫn để chờ đợi, quan sát các con, thấu hiểu những điều con trẻ muốn nói, muốn bộc bạch.
Mặt khác, chúng ta lo ngại rằng, nếu để trẻ tự làm, tự quyết định nhiều việc; dần dà các con sẽ không còn vâng lời, không nghe theo những chỉ dạy của cha mẹ? Với điều kiện kinh tế đầy đủ, một số gia đình còn có thêm người giúp việc đảm nhận trách nhiệm giải quyết hết những công việc thiết yếu của đời sống sinh hoạt.
Nhờ đó, các con chỉ cần tập trung vào việc học tập, ăn chơi và nghỉ ngơi. Chính những quan niệm trên đã khiến trẻ ngày càng lười biếng, bắt đầu có thói quen ỷ lại, dựa dẫm và thụ động trong các hoạt động cũng như trong tư duy, suy nghĩ. Trẻ trở nên thiếu tự tin, không có động lực và càng không có điều kiện để thể hiện bản thân, rèn luyện tính tự lập.
Vì vậy, để con tự làm từ những việc nhỏ nhất như tự ăn uống, thay quần áo, gấp chăn màn, thắt dây giày, dọn dẹp đồ chơi… đến những việc lớn hơn liên quan đến ý thức học tập, giúp đỡ, cộng tác, ra quyết định… chính là giúp con tự lập, cùng con chuẩn bị hành trang tốt nhất cho cuộc sống tương lai. Tuy nhiên, một đứa trẻ không thể ngay lập tức răm rắp thực hiện được mọi việc nếu không có người hướng dẫn, không có người động viên. Vì vậy, cha mẹ khi giao việc cho con, phải kiên trì đồng hành, cổ vũ, động viên trẻ hoàn thành nhiệm vụ.
Việc cha mẹ đồng hành cùng con, tôi nghĩ rằng, không chỉ để hướng dẫn, giúp con những khi trẻ cần mà điều quan trọng hơn, chính là để trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương mà cha mẹ giành cho chúng. Độc lập không đồng nghĩa với sự đơn độc. Và bởi vì, lúc con người ta cảm thấy tự tin nhất, có lẽ chính là khi họ được yêu thương.
Những đứa trẻ cũng vậy. Vì vậy, xin đừng chỉ ra rả nói rằng, chúng ta yêu thương con và mong muốn mọi điều tốt đẹp cho con nhưng chúng ta không thể đi cùng chúng cả đời để buộc trẻ tự mình làm tất cả với lý do: “Giúp con tự lập”.
THIÊN DI