Rộng đường chọn nghề cho học sinh phổ thông

.

Cơ hội chọn nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT tại thành phố hiện nay được ví như cánh cổng đã rộng mở với rất nhiều nhóm ngành, nghề cũng như khả năng có việc làm luôn rất lớn.

Nghề sửa chữa ô-tô đang thu hút nhiều lao động. 				      Ảnh: THANH VÂN
Nghề sửa chữa ô-tô đang thu hút nhiều lao động. Ảnh: THANH VÂN

3 năm học tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà), Trần Nam Bình luôn giữ vững thành tích ở top 3 của lớp. Chính vì vậy, quyết định đăng ký học nghề làm bánh của Bình đã vấp phải sự phản ứng của ba mẹ, còn bạn bè thì tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi Bình đang tất bật chuẩn bị “ra riêng” với cơ sở làm bánh trên đường Phan Châu Trinh thì nhiều bạn bè đều phải gật đầu cho rằng đó là lựa chọn đúng.

Bình tâm sự, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký học tại Trường dạy ẩm thực Netspace thành phố Hồ Chí Minh. Vừa hoàn thành khóa học, Bình được nhận vào làm ở tổ bánh Tây của khách sạn Sheraton Sài Gòn, đúng 1 năm sau lương từ 8 triệu đồng tăng lên 12 triệu đồng/tháng. Sau đó Bình chuyển về Đà Nẵng để ở gần ba mẹ.

Tại Đà Nẵng, Bình cũng làm qua 2 khách sạn lớn và cuối năm 2019 thì quyết định nghỉ việc mặc dù lương được nâng lên gần 15 triệu đồng/tháng. Đến bây giờ, ba mẹ Bình không chỉ rất vui mà còn sẵn sàng giúp con trai có vốn mở tiệm bánh riêng của mình.

Nguyễn Kim Anh, sinh viên khóa 1 của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn cũng có cách chọn lối đi khác bạn bè đồng trang lứa. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh và tôn vinh nghề nghiệp do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD-ĐT, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn tổ chức, Kim Anh là 1 trong 20 cá nhân được tôn vinh vì sự thành công với nghề trong năm 2019.

Kim Anh đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các học sinh về con đường làm sao trở thành chủ của hệ thống cửa hàng Kim Anh Computer rất thành công tại Đà Nẵng. Và câu trả lời đơn giản là: “Mình hãy chọn nghề phù hợp với khả năng và hết lòng với nghề thì thành công sẽ đến”.

Từ chỗ tốt nghiệp THPT rồi đi thi đại học như là con đường duy nhất trong suy nghĩ của nhiều học sinh lẫn phụ huynh, cùng với các hoạt động thường niên như ngày hội tư vấn tuyển sinh, ngày hội việc làm, nhất là qua tỷ lệ có việc làm ngay sau học nghề ngày càng cao, tư duy chọn nghề nghiệp tương lai của học sinh thành phố đã thay đổi.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2017 đến năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở thành phố đã tuyển sinh được 123.820 chỉ tiêu. Trung bình mỗi năm có trên 41.000 học sinh THCS và THPT đăng ký học nghề. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố tăng lên đáng kể từ 49,15% năm 2017 lên 53,01% vào cuối năm 2019.

Đặc biệt, một tín hiệu đáng mừng là qua thống kê của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau 6 tháng tốt nghiệp, đã có đến 70% học viên tìm được việc làm. Trong số này, nhóm ngành, nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ ô-tô, công nghệ thông tin, cơ khí... có tỷ lệ việc làm từ 90-100%. Thu nhập của nhóm ngành, nghề này cũng thuộc loại tương đối tốt, với mức trung bình năm đầu tiên làm việc 6-7 triệu đồng/tháng/người và sang năm thứ hai là 7-9 triệu đồng/tháng/người.

Hiện nay, toàn thành phố có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với quy mô tuyển sinh gần 55.000 chỉ tiêu mỗi năm, trên 300 nhóm ngành/nghề khác nhau. Trong số này, hệ đào tạo cao đẳng có 84 ngành/nghề, quy mô trên 13.000 chỉ tiêu/năm; hệ trung cấp 99 ngành/nghề, quy mô đào tạo gần 8.500 chỉ tiêu/năm; còn lại nhóm sơ cấp có đến 140 ngành/nghề với quy mô đào tạo trên 32.000 chỉ tiêu/năm.

Không chỉ bảo đảm quy mô đào tạo, đa dạng nhóm ngành, nghề cho học sinh chọn lựa mà gần đây chất lượng đào tạo cũng như cách thức tư vấn, tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có sự linh động hơn. Với chủ trương “học đi đôi với hành”, các trường tích cực thay đổi giáo trình giảng dạy thông qua việc ký kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Theo các trường cao đẳng và trung cấp nghề, tỷ lệ thực hành/thực tế của học sinh, sinh viên trước đây chỉ chiếm 30% thời lượng học, đến cuối năm 2019, con số này nâng lên trên 55%. Riêng với nhóm ngành, nghề sơ cấp như: thợ xây dựng, làm bánh, cơ khí... có đến gần 90% thời gian học thực hành tại trường và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.