Học tập trực tuyến cho học sinh: Cần đầu tư, linh hoạt để hiệu quả hơn

.

Việc ôn tập trực tuyến cho học sinh được Sở GD-ĐT chỉ đạo, triển khai từ đầu tháng 2-2020 thông qua các phần mềm của Viettel, FPT, VNPT, cũng như các kênh email, zalo, facebook, viber. Theo ghi nhận, việc ôn tập trực tuyến bước đầu đã giải quyết được phần nào về kiến thức cho học sinh trong những ngày nghỉ.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Cẩm Lệ) vào trang web của trường để lấy bài tập về ôn tập. 			     Ảnh: NGỌC PHÚ
Học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Cẩm Lệ) vào trang web của trường để lấy bài tập về ôn tập. Ảnh: NGỌC PHÚ

Khó đánh giá chính xác hiệu quả học tập

Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh khối tiểu học, việc ôn tập online còn nhiều hạn chế, chưa có sức hấp dẫn đối với học sinh. “Tuần đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm ra đề Toán dài đến 64 trang, nhìn vào học sinh cảm thấy “ngán”.

Do áp lực, tôi đã nhắc nhở con làm bài, nhưng cháu làm được vài trang thì đóng lại, đi chơi. Thiết nghĩ, việc giao bài tập chỉ vừa phải và đều đặn, không nên gây áp lực cho các con”, chị T.T (một phụ huynh học sinh lớp 5 địa bàn quận Thanh Khê) chia sẻ.

T.H (phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn quận Liên Chiểu) cho rằng, việc học online được nhà trường triển khai qua một số phần mềm thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Bản chất đây chỉ là kho bài tập khổng lồ, học sinh như con tôi thích gì học nấy.

Vì vậy, giáo viên cũng quay lại cách truyền thống là gửi bài qua file cho phụ huynh in ra để con làm, bởi cô đã chọn đa dạng dạng bài và số lượng phù hợp mỗi lần làm”, chị T.H nói. Theo chị T.H, các phần mềm này sẽ phát huy hiệu quả nếu học ở trường và hỗ trợ thêm ở nhà, hoặc chỉ dành cho các em có khả năng tự học rất tốt, trong khi đa số học sinh tiểu học thì ít có khả năng tự học.

Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) cho biết, trong hơn một tháng nghỉ học phòng, chống Covid-19, nhà trường đã triển khai nhiều hình thức giúp học sinh củng cố kiến thức.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Thọ, địa phương còn gặp nhiều khó khăn nên việc học qua các phần mềm trên mạng internet cũng chỉ chiếm hơn 30%; vì vậy, nhà trường quay lại cách truyền thống là giao bài tập trực tiếp cho phụ huynh đến trường để lấy về.

Theo thầy Thọ, việc ôn tập theo hình thức này là giải pháp tạm thời giúp học sinh củng cố kiến thức cơ bản để khỏi quên bài; tuy nhiên, khó đánh giá được chất lượng học tập, bởi giáo viên khó đối chiếu, thẩm định được kết quả bài làm của học sinh.

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, thời gian qua, các địa phương, các phòng GD-ĐT đã tích cực triển khai công tác ôn tập trực tuyến cho các trường trên địa bàn. Ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, phòng đã triển khai theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT về việc ôn tập trực tuyến cho học sinh.

Tuy nhiên, ông Hương nhìn nhận mức độ, hiệu quả của hình thức này đều phụ thuộc vào học sinh, cũng như sự quan tâm của gia đình. “Nhà trường chỉ nhắc nhở, còn mọi vấn đề thì cần phụ thuộc vào ý thức của học sinh, cũng như sự quan tâm của gia đình”, ông Hương cho hay.

Trong khi đó, theo cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (nằm trên địa bàn quận Sơn Trà), việc triển khai ôn tập trực tuyến bằng nhiều hình thức khác nhau tại trường thời gian qua đã giải quyết được phần nào thời gian nhàn rỗi của học sinh. Tuy nhiên, theo cô Kim Vân, việc tương tác 100% đối với học sinh là khó. “Học trực tuyến chủ yếu hiệu quả với các em chăm học, phụ huynh có quán xuyến, còn những bạn không thực sự mê học thì khó đánh giá được chất lượng”, cô Kim Vân chia sẻ.

Tăng sức hút, tăng tương tác

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên môn Ngữ Văn - Trường THPT Trần Phú (đóng trên địa bàn quận Hải Châu) cho biết, thực tế dạy online tháng vừa qua là ôn tập bài cũ và cơ bản là có hiệu quả, vì các em ở nhà rảnh rỗi nên hào hứng tham gia.

Tuy nhiên, theo thầy Hòa, do mức độ phổ cập cho nhiều đối tượng nên yêu cầu kiến thức chỉ ở mức độ trung bình, ít bài khó, bài nâng cao, nên các em học khá, giỏi hoặc có nhu cầu ôn luyện để thi ít hứng thú. Ngoài ra, việc ra đề và đánh giá năng lực theo kiểu online, giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ, nên học sinh có thể sao chép, không bảo đảm công bằng, chính xác trong đánh giá.

Vì vậy, theo thầy Hòa, để dạy học online hiệu quả, cần vận dụng triệt để các công văn của Bộ GD-ĐT về đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá. Về bài dạy, giáo viên chỉ phụ trách nội dung chuyên môn, cần có đội ngũ hỗ trợ về kỹ thuật: ghi âm, ghi hình, chỉnh sửa...

Bài dạy không phấn trắng, bảng đen truyền thống nên cần bổ sung âm thanh, hình ảnh sinh động, bắt mắt. Tiết dạy không nên đóng khung trong thời gian 45 phút mà nên dạy theo chuyên đề, nhóm nhiều bài lại để học sinh dễ theo dõi. Về việc ra đề, theo thầy Hòa là khâu khó.

Thầy Hòa ví dụ: Môn Ngữ văn thì phát hiện sao chép tương đối dễ. Nhưng các môn khoa học tự nhiên hoặc như Lịch sử, Địa lý… rất khó. Do đó, có thể chọn giải pháp ra đề 3 đến 4 điểm là kiến thức, còn 6 đến 7 điểm là vận dụng, buộc học sinh phải đọc thêm tài liệu để làm bài; như vậy các em có thêm kiến thức liên quan…

Thầy Lê Phước Thi, giáo viên môn Vật lý (Trường THPT Ngô Quyền, đóng trên địa bàn quận Sơn Trà) cho rằng, để triển khai ôn tập, dạy học online hiệu quả hơn, tránh hình thức, bắt buộc học sinh phải có một tài khoản riêng. Khi có tài khoản cá nhân, giáo viên sẽ quản lý được học sinh nào đang vào học; tránh tình trạng sao chép bài của bạn để nộp.

Trong khi đó, cô Đỗ Thị Hải Linh, giáo viên môn Hóa học, Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu) cho biết, ngoài việc giao bài tập online cho học sinh, để mang lại hiệu quả, giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm liên hệ trực tiếp đến học sinh nhằm nhắc nhở việc học tập.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho rằng hạn chế lớn nhất ở việc ôn tập online được triển khai thời gian qua chính là phụ thuộc vào ý thức của học sinh và gia đình. Theo bà Lê Thị Bích Thuận, nhằm giúp các em học sinh khối 12 có thêm kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2020, sở đã phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng thực hiện chương trình “Ôn tập lớp 12 trên truyền hình” phát sóng từ ngày 16-3 vừa qua. 

Cũng theo bà Thuận, để việc ôn tập hiệu quả hơn, trong thời gian tới, ngoài việc chỉ đạo các trường tiếp tục triển khai thực hiện các yêu cầu ôn tập, hỗ trợ học sinh, học viên học trực tuyến; trong đó, đặc biệt, tăng cường trao đổi 2 chiều giữa giáo viên và học sinh, học viên thông qua các công cụ hỗ trợ học tập, sở cũng đã giới thiệu thêm các phần mềm và tài liệu điện tử miễn phí như: Bộ tài liệu điện tử hỗ trợ dạy - học môn Tiếng Anh phổ thông Smartschool của Công ty CP Trường học thông minh tại địa chỉ: smartschool.vn; được miễn phí trong thời gian từ ngày 10-3 đến hết ngày 30-4. Sau thời gian trải nghiệm miễn phí, phần mềm sẽ bắt đầu thu phí từ ngày 2-5 trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, trang học trực tuyến tại địa chỉ Toliha.vn, cung cấp các bài giảng E-Learning và các khóa học trực tuyến cho các môn Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn, miễn phí đến hết ngày 24-4…

NGỌC PHÚ

 
;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.