Nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế

.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) không chỉ tăng mạnh về số lượng, mà chất lượng cũng đã và đang nâng cao theo hướng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động ra ngoài biên giới quốc gia.

Công ty Kyodai, Nhật Bản trao học bổng cho các thực tập sinh điều dưỡng đến Nhật Bản làm việc. Ảnh: T.S
Công ty Kyodai, Nhật Bản trao học bổng cho các thực tập sinh điều dưỡng đến Nhật Bản làm việc. Ảnh: T.S

Khoảng 10 năm trước, hệ thống các CSGDNN trên địa bàn thành phố còn khá khiêm tốn với chưa đến 30 đơn vị, hơn 100 nhóm ngành, nghề. Không chỉ hạn chế về số lượng, chất lượng không tránh được tình trạng “phải đào tạo lại” do chương trình học nghề nhưng nặng về lý thuyết, thiếu thực hành; đặc biệt, thiếu hẳn các chương trình đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, vì vậy, cơ hội người học nghề của thành phố tìm được việc làm ở nước ngoài gần như là con số không.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đó là câu chuyện của gần chục năm về trước, còn thời gian gần đây, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của thành phố có bước chuyển mình khá tích cực: Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, nhóm ngành nghề mà cả việc nâng cao chất lượng đào tạo.

Tính đến cuối năm 2019, thành phố có 65 CSGDNN với 260 nhóm ngành, nghề khác nhau, với quy mô tuyển sinh gần 55.000 chỉ tiêu mỗi năm. Bên cạnh các ngành nghề “truyền thống” như xây dựng, cơ khí, may mặc, làm bánh, nấu ăn..., hiện nay hầu như có đủ các nhóm nghề đáp ứng cả thị trường trong và ngoài nước. 

Các CSGDNN, nhất là hệ thống các trường nghề cao đẳng và trung cấp đã có bước đột phá mạnh mẽ trong công tác đào tạo như thay đổi giáo trình, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp  trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo. Tiên phong trong số này có thể kể đến hệ thống các trường cao đẳng nghề như: Trường Cao đẳng Phương Đông, Trường Cao đẳng Bách khoa, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng...

Những năm qua, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Nhà hàng, khách sạn Sachsen Anhalt (Đức), Trường Đại học Baekseok (Hàn Quốc); Tập đoàn Mos Burger (Nhật Bản)... Nhờ vậy, hiện nay, sinh viên của trường có cơ hội thực tập và làm việc tại các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, NewZealand...

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Phương Đông, gần đây khá thành công khi mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế chuyên sâu một số nhóm nghề y như điều dưỡng y đa khoa, điều dưỡng sản-nhi, điều dưỡng ung-bướu...

Chính nhờ sự hợp tác có tính đón đầu này mà những năm qua học viên của nhóm, ngành nghề này gần như 100% có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp, trong đó có khá nhiều người đã được tuyển dụng làm việc tại Singapore và Nhật Bản với mức lương khởi điểm 25-30 triệu đồng/tháng.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật iSace, với lợi thế đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực ô-tô, thời gian học thực hành lên đến 80% chương trình học, vài năm nay luôn được các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đóng trên địa bàn thành phố ưu tiên tuyển chọn nhân lực...

Tương tự, Công ty Hợp tác giáo dục quốc tế Thời Đại Mới, với phương châm “vừa học, vừa làm” thông qua việc hợp tác khá mật thiết với các đối tác Nhật Bản từ khâu đào tạo đến tuyển dụng  đang trở thành địa chỉ cho người lao động tìm cơ hội làm việc tại Nhật Bản tìm đến.

Trong số này, các ngành, nghề cơ khí, điện tử, xây dựng, điều dưỡng, hộ lý, thực phẩm, đóng gói và may mặc đã nhận được đơn đặt hàng khá lớn từ các đơn vị của Nhật Bản. Công ty TNHH MTV Delight Works Việt Nam hằng năm cũng đã kết nối cho hàng trăm lao động đã hoàn thành các chương trình đào tạo sơ cấp nghề đánh bắt thủy sản, xây dựng, nông nghiệp đến các thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Lào làm việc với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng…

Giáo trình cũ, nặng về lý thuyết, thiếu điều kiện thực tập-thực hành, sự phối hợp giữa CSGDNN và các doanh nghiệp khá lỏng lẻo… vốn là những tồn tại, vướng mắc kéo từ năm này sang năm khác, đến nay đã được cơ quan chức năng thành phố mà đi đầu là Sở LĐ-TB&XH cùng các CSGDNN, doanh nghiệp tháo gỡ và cho đến hôm nay có những quả ngọt đầu tiên.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, đó là những thành công bước đầu trong quá trình người lao động Việt Nam hội nhập vào thị trường lao động quốc tế, vốn đòi hỏi khá khắt khe về trình độ tay nghề và tính kỷ luật.

Để người lao động có vị trí tốt hơn, thu nhập tốt hơn, các CSGDNN của thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; bổ sung cho người lao động về khả năng ngoại ngữ, tính kỷ luật trong lao động… Đến lúc đó, thị trường lao động quốc tế mới thực sự mở ra cho lao động thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.